Đẩy mạnh phòng ngừa xã hội để kéo giảm tội phạm hình sự

Thứ Hai, 30/04/2018 | 15:55

Trong buổi Tọa đàm khoa học công tác phòng chống tội phạm (PCTP) hình sự vừa diễn ra tại Bạc Liêu, đa số đại biểu công an các tỉnh phía Nam và các chuyên gia về tội phạm học tham dự đều thống nhất tăng cường giải pháp phòng ngừa xã hội. Bởi làm tốt công tác phòng ngừa cũng chính là làm mất đi điều kiện hoạt động phạm tội của tội phạm hình sự.

QUAN TÂM THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

Thiếu tướng, PGS-TS Vũ Đức Khiển, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân II thu hút sự quan tâm của đại biểu tọa đàm bằng hàng loạt giải pháp phòng ngừa xã hội. Ông cho rằng, đấu tranh phòng ngừa tội phạm hình sự không chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng cảnh sát hình sự (CSHS) mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội.

Tổ “Công nhân Dịch vụ đô thị tự quản về an ninh trật tự TP. Bạc Liêu” là mô hình mang lại hiệu quả tích cực về phòng ngừa xã hội. Ảnh: T.Đ

Để hoàn thành nhiệm vụ đó, đòi hỏi phải có sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Các băng, nhóm tội phạm hình sự muốn hoạt động được thường lợi dụng những người có điều kiện, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp để lôi kéo họ vào con đường phạm tội. Vì vậy, chính sách xã hội cần tập trung giải quyết số lao động nhàn rỗi, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện thì ý thức tôn trọng pháp luật cũng được nâng lên, từ đó hạn chế được nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm. Theo ông Vũ Đức Khiển, chính quyền các cấp cần có chủ trương đổi mới hệ thống đào tạo và dạy nghề cho người lao động phù hợp với sự phát triển kinh tế của địa phương, đa dạng hóa việc đào tạo và dạy nghề. Tăng cường các giải pháp tạo việc làm mới như: hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; xây dựng mạng lưới thông tin thị trường lao động; đẩy mạnh các hoạt động ngày hội nghề nghiệp, ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm… Kết hợp chặt chẽ chương trình giảm nghèo với phát hiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, các địa phương cần quan tâm, giúp đỡ, giải quyết công ăn việc làm cho người có nguy cơ phạm tội, đối tượng có tiền án, tiền sự… để tạo điều kiện hoàn lương, tái hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Việc hỗ trợ vốn trong chương trình xóa đói giảm nghèo phải kết hợp với hướng dẫn cách làm ăn, phương hướng sản xuất để mang lại hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, cần thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp…, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Làm tốt công tác này cũng chính là làm mất đi điều kiện hoạt động phạm tội của tội phạm hình sự.

Ngoài ra, theo đại biểu công an các tỉnh, thành phố, lực lượng CSHS cần phối hợp với công an các cấp, hoặc dựa vào lực lượng công an cơ sở (cảnh sát khu vực, công an xã, phường, thị trấn), phối hợp với chính quyền cơ sở thông qua các hình thức hội họp và sinh hoạt cộng đồng… để phổ biến phương thức, thủ đoạn gây án của tội phạm hình sự, nhất là những phương thức, thủ đoạn gây án mới để nhân dân biết và nêu cao tinh thần cảnh giác, đề phòng; hạn chế đến mức tối đa những điều kiện mà tội phạm thường lợi dụng để gây án.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN NINH TRẬT TỰ

Về phía cơ quan chức năng, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm. Hướng dẫn quần chúng tự giác phát hiện và cung cấp kịp thời thông tin về hoạt động của tội phạm để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Đi cùng với đó là sự động viên, khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân có thành tích xuất sắc. Đồng thời lập hồ sơ và lên danh sách các đối tượng trong băng, nhóm tội phạm, xác định những kẻ cầm đầu, chủ mưu để theo dõi, quản lý, đấu tranh. Đặc biệt, cần kịp thời nắm bắt các đối tượng tham gia trong các băng, nhóm phạm tội có từ trước nhưng đã tan rã, số mới ra tù về để chủ động đưa vào diện sưu tra quản lý, gọi hỏi răn đe, không để tụ tập thành băng, nhóm trở lại.

Song song đó, theo Đại tá Nguyễn Văn Hận - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, để nâng cao công tác phòng ngừa tội phạm, lực lượng công an cần dựa vào quần chúng để phát hiện sớm và xử lý nghiêm các đối tượng mới phát sinh, tụ tập băng nhóm hoạt động phạm tội như: gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật… Phối hợp với viện kiểm sát nhân dân, tòa án đưa các đối tượng phạm tội ra xét xử lưu động để răn đe, giáo dục các đối tượng khác. Chủ động phối hợp giải quyết triệt để các mâu thuẫn trong nhân dân, củng cố mạng lưới hòa giải ở cơ sở. Trong đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Công an huyện Hồng Dân tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ từ người dân giao nộp. Ảnh: T.H

Đại tá Nguyễn Văn Hận đề nghị cần nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự tại các địa bàn cơ sở. Lực lượng CSHS phụ trách địa bàn cần phối hợp với lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tập trung quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Làm tốt công tác quản lý việc sản xuất, mua bán, sử dụng súng săn, vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Thường xuyên phát động các đợt tổng kiểm tra, rà soát, vận động quần chúng giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ, hung khí nguy hiểm, không để rơi vào tay đối tượng xấu, không để sử dụng vào mục đích phạm tội. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh các đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm. Bịt kín các nguồn cung cấp vũ khí cho các băng nhóm tội phạm hình sự cần được tiến hành song song với biện pháp ngăn chặn các nguồn khác cung cấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ, hung khí nguy hiểm cho tội phạm. CSHS, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và công an cơ sở cần thường xuyên phối hợp với lực lượng liên ngành tăng cường kiểm tra các khách sạn, nhà nghỉ, quán karaoke, vũ trường… nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi bảo kê, không để các băng nhóm tội phạm hình sự có cơ sở để tồn tại.

Là chuyên gia về tội phạm học, đối tượng được PGS-TS Vũ Đức Khiển đặc biệt chú ý là thanh niên thất nghiệp có biểu hiện quậy phá và số học sinh cá biệt trong các trường học. Đây là những đối tượng thiếu kinh nghiệm hoạt động xã hội, thích ăn chơi, đua đòi, dễ bị kích động, lôi kéo vào con đường phạm tội. Để làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, cần nắm chắc số thanh niên thất nghiệp có biểu hiện quậy phá, phối hợp với các trường học kịp thời phát hiện các học sinh cá biệt đưa vào quản lý, không để các đối tượng trong băng nhóm tội phạm hình sự lôi kéo, đưa vào con đường phạm tội. Làm tốt công tác phòng ngừa chính là làm mất đi cơ sở tồn tại của các băng, nhóm tội phạm hình sự!

Tấn Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.