Thăm những người lính ở tuyến đầu

Thứ Sáu, 09/02/2018 | 17:00

Chúng tôi vừa trải qua chuyến đi biển Tây Nam dài ngày, từ biển Tây sang biển Đông, đến 5 đảo thăm các cán bộ, chiến sĩ ở tuyến đầu. Qua đó, mới hiểu vì sao các anh được gọi là những người lính “chân cứng đá mềm”.

 Đoàn công tác tăng-bo từ tàu 632 sang tàu khách để vào đảo Hòn Đốc.

 Tàu vận tải 632 cập cảng Nam Du.

 Vẻ đẹp hoang sơ của quần đảo Hải Tặc thu hút các bạn trẻ đến khám phá. Ảnh: N.Q

Tàu 632 khởi hành

Mới 3 giờ sáng, các phóng viên thức dậy, chuẩn bị lên xe ra quân cảng An Thới (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Tiếng còi xe hối thúc mọi người. Trời tối mịt, đường chân trời lấp lánh ánh đèn tàu câu mực, gió biển thốc vào làm nhiều người co ro. Bạn Vân Đình, Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã kịp bình phục sau cơn sốt nhẹ để xuống tàu tham gia đưa tin, bài về đoàn chúc tết các đảo Tây Nam.

Các bóng đèn cao áp làm cầu cảng sáng chẳng khác gì ban ngày và con tàu 632 nổi bật bởi ngoại hình to lớn so với các “chiến hữu” khác. Đây là một trong những con tàu chủ lực của Vùng 5 chở quân, đưa khách đi chúc tết, chở dân miễn phí từ đảo Thổ Chu sang Phú Quốc và vận chuyển hàng hóa đi quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK trên thềm lục địa.

Theo Thượng úy Phan Văn Hiếu, thuyền trưởng, tuổi nghề của anh còn ít hơn tuổi quân của con tàu. Nó ra đời tại Công ty đóng tàu Hồng Hà (Bộ Quốc phòng) vào năm 1996, có khả năng chở 450 tấn hàng. Tàu chở theo 130m3 dầu, 70m3 nước ngọt dùng trong sinh hoạt, nấu nướng và 70m3 nước giằng ở các két dưới đáy tàu. Biên chế tàu 30 người, nhưng lần đi này phải chở 130 người, cho nên 2 boong tàu được căng bạt làm nơi ăn, nghỉ, làm việc cho cán bộ các địa phương và phóng viên đi theo đoàn; 2 gầm cầu thang ở hai bên mạn tàu dẫn lên buồng lái được tận dụng làm nhà vệ sinh.

Đúng như kế hoạch hành quân, 5 giờ 30 phút, tàu nổi 3 hồi còi dài xé toang không gian tĩnh lặng, đó là lời chào cảng trước khi xuất bến theo thông lệ hàng hải quốc tế. Tàu 632 chầm chậm rời bến, hướng về đảo Hòn Đốc thuộc quần đảo Hải Tặc (xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Mặt trời nhô khỏi mặt nước bên mạn phải của tàu với màu đỏ sắc cam rực rỡ. Càng lên cao, vầng dương càng chói sáng, làm mặt biển lộ rõ màu xanh thẫm, lấp lánh ánh lân tinh. Nhiều người lần đầu thấy bình minh trên biển đã kịp ghi thời khắc đó vào máy ảnh. Trời gần đứng Ngọ, tàu vang lên thông báo: “Sau khi vượt qua chặng đường dài hơn 35 hải lý, với thời gian hành trình 3 tiếng rưỡi, trước mặt chúng ta là đảo Hòn Đốc”. Nơi đây giáp tỉnh Kam Pốt, Campuchia. Sau khi lên đảo, hoàn tất việc thăm hỏi, chúc tết, mọi người nao nao chờ đến 15 giờ xem trận chung kết Giải U23 châu Á với sự góp mặt của đội tuyển U23 Việt Nam.

Tôi xuống Đồn biên phòng Tiên Hải xem đá bóng. Đại đội hỗn hợp 7 (thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang) vừa được thành lập năm 2017, nên tạm “ở nhờ” nhà các anh lính quân hàm xanh. Đại đội xúm xít trước màn hình ti-vi xem, cổ vũ đội tuyển U23 quê nhà thi đấu dưới tuyết.

Vượt biển, trèo non

Nửa khuya, tàu nhổ neo rời Hòn Đốc thẳng hướng quần đảo Nam Du (xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang). Mọi người vui mừng thấy biển êm, gió nhẹ, trăng giữa tháng vằng vặc trên bầu trời. Nào ngờ, đến 2 giờ 30 phút sáng, tàu báo sắp có giông, mưa, ai phơi quần áo, sạc máy tính, pin máy ảnh, máy quay phim… thì nhanh chóng lấy vào. Tôi tung mền bật dậy, rút dây sạc ra khỏi ổ cắm, đem laptop vào cất. Vừa xoay lưng thì gió thổi ào ào, tấm bạt che boong bị kéo bần bật như muốn thoát khỏi các sợi dây thừng chằng néo. Mưa ràn rạt, con tàu lắc lư mạnh, tôi và một vài người phải trùm mền kín hết đầu để nước dột không ướt mặt. “Thời tiết bây giờ không đoán nổi, tết đến nơi rồi mà còn mưa!”, một đồng nghiệp tặc lưỡi. Cơn mưa trái mùa kéo dài chừng nửa giờ thì dứt, trả lại bầu trời phong quang, thuận lợi cho tàu 632 lướt sóng đến đích lúc hừng đông.

Tàu cập cảng đảo Hòn Tron thuộc quần đảo Nam Du, nơi từng in dấu chân chúa Nguyễn Ánh trên đường chạy trốn sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Trạm ra-đa 600, Trạm hải đăng Nam Du đứng chân ở đỉnh núi cao 309m so với mực nước biển, song để lên đến đó, phải đi đường quanh co, dốc đứng, dài chừng 4 cây số. Mọi người đi xe honda đầu lên đỉnh núi, riêng tôi vác ba-lô đựng thiết bị tác nghiệp đi bộ, thử sức. Những chiếc xe máy lần lượt lướt qua, chúng chạy nhả ra khói xám mùi khét lẹt. Đi bộ tôi có thể chủ động dừng chân ngắm mặt biển xanh ngọc dưới chân núi, vài mái nhà tôn trên bãi cát trắng.

Suốt 1 tuần đi đảo, chúng tôi liên tục chinh phục các đỉnh núi, ngọn sau cao, hiểm trở hơn ngọn trước. Sau Hòn Tron là Hòn Chuối, Hòn Khoai (cùng thuộc tỉnh Cà Mau), mệt thở không ra hơi, bị ù tai, nghỉ nhiều chặng. Song tất cả đều quyết tâm đi đến chốn để cảm nhận một phần gian lao, ý chí của người lính đảo. Phần thưởng dành cho nỗ lực đó là “ta cao hơn đèo”.

Nghe các đồng chí trạm ra-đa báo cáo, chiến sĩ biên phòng chia sẻ, lời tâm sự của cán bộ trạm hải đăng và chứng kiến tận mắt cuộc sống của quân, dân trên đảo, mọi người vô cùng cảm kích. Mùa khô thiếu nước ngọt, các anh vẫn với phương châm giọt nước chia đôi với dân, tặng bà con bó cải xanh trong vườn tăng gia. Núi cao dựng đứng, khúc khuỷu, người lính Cụ Hồ phải chuyển hàng từ bãi biển lên doanh trại bằng sức người. Và hơn hết là nỗi nhớ vợ thương con đến mức… không dám gọi điện hỏi thăm.

Có ra Trường Sa, nhà giàn DK, các đảo tiền tiêu mới “rõ mình” như khi đến Trường Sơn để sống tử tế hơn, làm việc thực chất, trách nhiệm hơn.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.