An toàn giao thông

10 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm: Vẫn còn những chiếc “đầu trần”

Thứ Hai, 23/10/2017 | 15:28

Quy định người ngồi trên mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm (MBH) đã đi vào cuộc sống được 10 năm. Quy định này từng được dư luận quốc tế, Liên Hiệp Quốc hoan nghênh rất nhiều, xem như chiến thắng quan trọng trong cuộc đấu tranh vì sự an toàn của người tham gia giao thông tại Việt Nam. Nhưng điều đáng buồn là, cho đến nay, nhiều người vẫn cố tình “quên” đội MBH mỗi khi tham gia giao thông.

Đội MBH - nét đẹp văn hóa giao thông

Sau 10 năm nỗ lực, quy định bắt buộc đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy tại Việt Nam đã mang lại thành công lớn. Tuy vấp phải nhiều ý kiến luận bàn, nhưng ngay trong tháng 12/2007 - những ngày đầu triển khai quy định, tỷ lệ người dân chấp hành đội MBH đã đạt trên 90%. Việc đội MBH không chỉ giành lại sự sống cho nhiều người dân Việt Nam, mà còn hình thành nên một nét văn hóa giao thông rất đẹp - “văn hóa đội MBH”. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng nhận xét, tháng 12/2008, Việt Nam kỷ niệm 1 năm thực hiện quy định đội MBH cũng là kỷ niệm 1 năm giành lại mạng sống cho hàng ngàn người tham gia giao thông.

Cảnh sát giao thông TP. Bạc Liêu kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông. Ảnh: Đ.H

Nối tiếp quy định cho việc người tham gia giao thông bắt buộc phải đội MBH khi lưu thông bằng mô tô, xe gắn máy, năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46, có hiệu lực từ ngày 1/8, quy định về các mức xử phạt đối với người điều khiển. Theo đó, người ngồi trên xe đạp máy (điện) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng nếu không đội MBH và cài quai đúng cách.

Tuy nhiên, đáng buồn thay, hiệu quả thiết thực của quy định đội MBH đã không duy trì ổn định được như mong muốn. Trên khắp các đường phố từ đô thị, quốc lộ cho đến nông thôn, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh người tham giao giao thông không đội MBH thản nhiên điều khiển xe gắn máy. Vẫn còn nhiều trường hợp phụ huynh vô tư để con em mình “đầu trần” tới trường, thanh thiếu niên “đầu trần” trên phố… Ý thức người dân một thời từng được nâng cao, nay lại có chiều hướng sụt giảm. Thậm chí, một số cán bộ, công chức còn bị cảnh sát giao thông tuýt còi vì “quên” đội MBH khi tham gia giao thông và chở con em đi đường không trang bị MBH.

Hậu quả của việc không đội MBH là phải trả bằng bao tính mạng con người. Số ca tai nạn giao thông hiện nay vẫn chưa thật sự được kiểm soát và hạn chế. Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, có hơn 6.000 người tử vong vì tai nạn giao thông trong 9 tháng của năm 2017. Trong đó, đa phần là thanh thiếu niên và lực lượng lao động chính trong xã hội. Điều này kéo theo sự khánh kiệt, bi kịch của rất nhiều gia đình Việt Nam và làm cho đất nước suy yếu, tăng gánh nặng xã hội ngày càng cao.

Và những trăn trở…

Trải qua hành trình 10 năm, các giải pháp mang tính thực tiễn như khuyến khích sản xuất MBH thời trang hơn, hoạt động tặng MBH cho người nghèo, học sinh... đã giúp chiếc MBH trở nên thân thiện hơn với người dùng. Thế nhưng, việc không đội MBH hay đội MBH không cài quai, đội MBH dỏm theo kiểu đối phó với lực lượng chức năng chứ không phải xuất phát từ ý thức bảo vệ cho bản thân… hiện nay vẫn còn là những điều trăn trở. Người tham gia giao thông ở Việt Nam đội MBH lên tới trên 95%, nhưng tỷ lệ người bị tai nạn do chấn thương sọ não hàng năm không phải là con số nhỏ, cho thấy chất lượng MBH và thói quen sử dụng những chiếc MBH đạt chuẩn của người dân chưa là mối quan tâm hàng đầu. Đôi khi vì một chút mát mẻ cho mái tóc, một chút “cân, đo, đong, đếm” về số tiền mua MBH… mà người tham gia giao thông đã chấp nhận không đội mũ, hoặc chấp nhận cho những chiếc MBH rẻ tiền làm nhiệm vụ bảo vệ sự sống cho mình.

Một số chuyên gia nhận định nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do việc điều chỉnh hành vi, tuyên truyền cùng các chiến dịch truyền thông và giáo dục đã không được thực hiện liên tục, thiếu sự liên kết chặt chẽ. Phải làm sao để công tác tuyên truyền được xuyên suốt, liên tục, tập trung đúng đối tượng. Nội dung tuyên truyền cần dễ hiểu, dễ nhớ, đồng thời thích hợp cho mỗi nhóm đối tượng riêng. Các cơ quan chức năng cũng phải thật sự vào cuộc quyết liệt, không buông lỏng tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, tránh việc người dân “lờn” luật.

Nỗ lực thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi xe máy, Ủy ban ATGT quốc gia đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình hành động giai đoạn 2016 - 2020 về đẩy mạnh các giải pháp thực hiện mục tiêu toàn dân chấp hành quy định đội MBH. Theo đó, tăng cường đổi mới và đa dạng hóa hình thức truyền thông về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đội MBH; chú trọng các sự kiện mang tính cộng đồng. Tuy nhiên, điều này rất cần sự chung tay, ý thức tự giác của mỗi người dân xem việc đội MBH khi tham gia giao thông là văn minh, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội…

Mai Đinh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.