An toàn giao thông

Còi ô tô lộng hành đường phố - khó xử phạt?!

Thứ Hai, 28/09/2020 | 17:08

Nhiều người đi đường đã than phiền đau đầu, điếc tai với tiếng còi ô tô tải, xe ben vận chuyển vật liệu xây dựng, và trong đó có cả xe buýt lưu thông nội thành. Trong khi, theo quy định, việc lắp đặt sử dụng còi vượt âm lượng cho phép sẽ bị phạt nặng.

Ông Trần Quốc Thái - Giám đốc Chi cục Đăng kiểm tỉnh cho biết: Có hai loại còi ô tô mà các lái xe sử dụng song song hiện nay là còi điện và còi hơi. Trong đó, còi hơi mà ô tô tải, các loại xe vận chuyển vật liệu xây dựng và xe buýt bị người đi đường phản ánh nhiều nhất. Khi tiến hành đăng kiểm, biết mình đang vi phạm nên hầu hết các tài xế đều gỡ và giấu còi hơi, chỉ chừa lại còi điện. Một số trường hợp còn để lại còi hơi đều bị Chi cục Đăng kiểm đề nghị tháo bỏ trước khi tiến hành đăng kiểm.

Ông Trần Quốc Thái trích dẫn Thông tư 70 của Bộ GT-VT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, nêu rõ: “Còi ô tô được xem là khiếm khuyết, hư hỏng khi âm lượng nhỏ hơn 90 dB (A) - đề si ben, hoặc lớn hơn 115dB”. Tuy nhiên, theo ông Thái thì hầu hết các tài xế khi điều khiển xe ra đường đều lắp trở lại còi hơi và sử dụng thay cho còi điện, điều đó nằm ngoài phạm vi quản lý của cơ quan Đăng kiểm.

Về vấn đề này, Trung tá Trần Văn Nghị - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP. Bạc Liêu thừa nhận, từ trước đến nay lực lượng chưa tập trung xử lý vấn đề này. Và từ đầu năm 2020 đến nay, CSGT thành phố chưa xử phạt trường hợp nào về sử dụng còi xe không đúng quy chuẩn. Trung tá Nghị cho biết, cái khó trong việc xử phạt hành vi này là khi thấy bóng dáng CSGT thì các lái xe chuyển công tắc sang sử dụng còi điện nên không có cơ sở để phạt. Ngoài ra, Đội CSGT TP. Bạc Liêu cũng chưa được trang bị thiết bị đo âm lượng còi xe nên trước mắt không có cơ sở để xử phạt hành vi này.

Điểm đ, khoản 4, Điều 16, Nghị định 100 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nêu rõ: “Người nào điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt âm lượng quy định thì bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng và tịch thu còi vượt quá âm lượng”. Ngoài ra, tại điểm b, khoản 3, Điều 5 của Nghị định này còn quy định: “Người nào điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư thì bị phạt tiền từ 0,8 - 1 triệu đồng, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định”.

Trong khi đó, người đi đường cho rằng, lý do mà các lái xe nêu trên sử dụng còi hơi chủ yếu để dọn đường cho hành vi phóng nhanh, vượt ẩu, giành đường…, mặc cho những người xung quanh (trong đó có nhiều trẻ em và học sinh) phải chịu tác động nặng nề từ tiếng còi. Với mật độ xe tải, xe ben, xe buýt lưu thông dày đặc như hiện nay, lẽ nào ngành chức năng chịu… bó tay, cứ để còi hơi xe ô tô lộng hành đường phố?!

HỮU DUYÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.