An toàn giao thông

Đi sai phần đường, làn đường: Tai nạn chực chờ!

Thứ Hai, 04/11/2019 | 17:03

Luật Giao thông đường bộ và hệ thống giao thông hiện nay đã quy định cụ thể phần đường, làn đường riêng biệt dành cho người và phương tiện tham gia giao thông. Trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ đến các tuyến đường nội ô đều được phân làn, kẻ vạch sơn quy định rõ ràng từng làn đường, vận tốc dành cho các loại phương tiện cụ thể. Tuy nhiên, thói quen “điền vào chỗ trống” của người tham gia giao thông trở thành nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đau lòng khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đi sai phần đường, làn đường.

Lực lượng Cảnh sát giao thông (TP. Bạc Liêu) dừng phương tiện xe máy đi sai làn đường

Tình trạng người điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông đường bộ đi sai phần đường, lấn làn không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Thời gian qua, cả nước liên tục xảy ra những vụ TNGT thảm khốc mà tình trạng này chính là nguyên nhân trực tiếp. Tại Bạc Liêu, tình trạng người tham gia giao thông chủ quan, không đi đúng phần đường, làn đường quy định của loại phương tiện mình đang điều khiển, tránh vượt sai quy định cũng là một trong những nguyên nhân gây TNGT nhiều nhất trong thời gian qua.

Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, TNGT trong 9 tháng của năm 2019 tuy có giảm so với cùng kỳ, song vẫn còn diễn biến phức tạp. Qua phân tích các nhóm lỗi gây TNGT, lỗi đi không đúng làn đường, phần đường chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn, chiếm trên 32%. Hầu hết các vụ TNGT do nguyên nhân này gây ra những hậu quả nặng nề.

Cụ thể như, vào ngày 25/4/2019 tại ấp Nhàn Dân B (xã Tân Phong, TX. Giá Rai) đã xảy ra vụ TNGT đường bộ giữa xe ô tô biển số 51G-105.73 do ông B.V.N (ngụ tỉnh Cà Mau) điều khiển lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A theo hướng Cà Mau - Bạc Liêu va chạm với xe mô tô biển số 69F-489.55 do P.T.V (sinh năm 1999) điều khiển, chở theo T.T.T.L (sinh năm 2003, cùng ngụ tỉnh Cà Mau) lưu thông theo hướng ngược lại. Hậu quả vụ tai nạn làm P.T.V tử vong tại hiện trường và T.T.T.L bị thương nặng.

Nhiều xe máy đi vào làn đường dành cho ô tô. Ảnh: T.H

Theo nhận định của lực lượng chức năng, ở những tuyến đường không có dải phân cách cứng mà được chia bằng các vạch sơn, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông đi sai làn đường, lấn vượt không an toàn diễn ra rất phổ biến. Đặc biệt, việc các xe máy chủ quan hoặc cố tình đi vào làn đường của xe ô tô để di chuyển nhanh hơn càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn nghiêm trọng.

Luật Giao thông đường bộ đã quy định, nếu trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều, được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong làn đường của xe mình và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn. Đối với đường một chiều có vạch phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng; xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.

Đi sai làn đường, phần đường là một hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT cho chính mình và người cùng lưu thông. Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng các điểm ùn tắc giao thông, nhất là ở khu vực đô thị có tình hình giao thông phức tạp, dễ gây xung đột giao thông giữa các phương tiện.

Đối với các nhóm nguyên nhân dẫn đến TNGT cao, công tác tuyên truyền, đặc biệt là những quy định về xử phạt các hành vi đi ngược chiều, lấn đường, đi sai làn đường là giải pháp cần thiết để giúp người dân thông hiểu, có ý thức chấp hành quy định pháp luật. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần quan tâm, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên để đảm bảo trật tự ATGT.

Mai Đinh

Tại Nghị định số 46 năm 2016, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cũng nêu rõ, hành vi đi sai phần đường đối với ô tô sẽ bị phạt tiền từ 0,8 - 1,2 triệu đồng, tước giấy lái xe 2 - 4 tháng (nếu gây TNGT). Đối với xe máy: Phạt tiền 300.000 - 400.000 đồng, tước GPLX: 2 - 4 tháng (nếu gây tai nạn). Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền 200.000 - 400.000 đồng, tước GPLX: 2 - 4 tháng (nếu gây tai nạn). Đối với xe đạp: Cảnh cáo hoặc phạt tiền 50.000 - 60.000 đồng. Đối với người đi bộ: Cảnh cáo hoặc phạt tiền 50.000 - 60.000 đồng. Bên cạnh đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về ATGT đường  bộ gây thiệt hại cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.