An toàn giao thông

Nghề lái xe và câu chuyện đạo đức

Thứ Hai, 15/10/2018 | 16:04

Trong tình hình tai nạn giao thông (TNGT) liên tục diễn biến phức tạp hiện nay, nghề lái xe càng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Bên cạnh vấn đề kỹ năng, kinh nghiệm, sức khỏe của lực lượng hành nghề này, vấn đề đạo đức của các tài xế được quan tâm đặc biệt.

“Lái xe bất cẩn - ân hận cả đời”, một trong những khẩu hiệu ATGT đối với tài xế. Ảnh minh họa: T.H

GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC NGƯỜI LÁI XE

Hàng năm, Sở GT-VT có triển khai việc nhắc nhở các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện, lái xe thực hiện đúng các quy định về an toàn giao thông (ATGT), tăng cường giáo dục đạo đức đối với người lái xe. Tuy nhiên, công tác này chỉ dừng lại ở việc đôn đốc, nhắc nhở chứ chưa tổ chức được hoạt động chuyên biệt, chưa thu hút được sự quan tâm của các lái xe.

Tại các cơ sở đào tạo, việc giáo dục đạo đức học viên áp dụng theo quy định của Tổng cục đường bộ Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Sang - Giám đốc Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe, Trường cao đẳng Nghề cho biết: “Chương trình đào tạo giấy phép lái xe ô tô của Tổng cục đường bộ Việt Nam, biên chế môn đạo đức thành 20 tiết học. Trước khi trở thành những tài xế chính thức, họ sẽ được học những vấn đề cơ bản về phẩm chất đạo đức trong giai đoạn hiện nay; đạo đức nghề nghiệp của người lái xe; cơ chế thị trường và sự cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh vận tải; trách nhiệm, quyền hạn của người sử dụng lao động, người lái xe trong kinh doanh vận tải. Ngoài ra, còn có nội dung thực hành cấp cứu”.

Trường cao đẳng Nghề hiện có 45 giáo viên dạy thực hành lái xe, trong đó 23 giáo viên tốt nghiệp đại học, còn lại đều tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp công nghệ ô tô. Năm qua, trường đào tạo lái xe cho khoảng 1.400 học viên. Trong công tác giảng dạy, nhà trường dành nhiều quan tâm đến vấn đề đạo đức người lái xe, có nội quy riêng dành cho giáo viên và học viên, qua đó góp phần nâng cao ý thức, giáo dục đạo đức, giúp người lái xe biết tôn trọng và chấp hành tốt các quy định về đảm bảo ATGT khi cầm vô-lăng.

Có liên quan trực tiếp đến sự an toàn, tính mạng, tài sản hành khách và xã hội, môi trường làm việc phức tạp, đạo đức nghề của người lái xe hiện nay càng được đặt lên cao hơn. Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã đề xuất lái xe taxi phải được tập huấn và kiểm tra thường kỳ về đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Ngoài những tiêu chí chung cho tất cả các ngành nghề, các lái xe từng được Bác Hồ dạy phải “Yêu xe như con - quý xăng như máu”. Còn hiện nay, chương trình đào tạo lái xe ngoài việc giúp học viên nắm vững các quy định của pháp luật liên quan còn đòi hỏi tài xế có mối quan hệ đúng mực, nghiêm túc với người thực thi công vụ, biết nhận - sửa sai. Khi tham gia giao thông, lái xe phải biết nhường nhịn, tôn trọng các lái xe khác trên đường, phải tuyệt đối đảm bảo an toàn cho mình và cho người khác khi tham gia giao thông. Tài xế cũng được dạy là có lối sống lành mạnh, có văn hóa, có tác phong làm việc công nghiệp, không tham gia vào các tệ nạn xã hội. Khi gặp người bị nạn phải có trách nhiệm giúp đỡ, cứu chữa họ.

NỖI LO ĐẠO ĐỨC XUỐNG CẤP

Có thể thấy rằng, cung cách phục vụ và trách nhiệm của người lái xe đang được thực hiện chuyên nghiệp hơn trước. Điển hình là việc tài xế taxi của Mai Linh ở Bạc Liêu đã giúp đỡ đẻ thành công cho một sản phụ, một số tài xế khác trả lại tiền, hành lý cho khách, tham gia giúp đỡ, cấp cứu người bị tai nạn…

Tuy nhiên, hàng ngày trên các phương tiện truyền thông liên tục cập nhật thông tin các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến vi phạm của lái xe như phóng nhanh, vượt ẩu; say rượu bia hay những hình ảnh phản cảm tài xế lái xe bằng chân, vừa lái xe vừa ăn mì… Đáng lên án, có những tài xế gây TNGT chết người rồi bỏ trốn. Như trường hợp của một thầy giáo ở TP. Bạc Liêu, từ một giáo viên dạy giỏi, năng động, nhiều tâm huyết bỗng chốc trở thành người tàn phế, mất sự nghiệp, tương lai và cả hạnh phúc gia đình… chỉ sau một vụ TNGT; trong khi đó, người gây tai nạn vẫn cố tình lẩn trốn. Hay mới đây, vụ xe tải tông xe gắn máy làm một phụ nữ chết thảm trên đường Cao Văn Lầu (TP. Bạc Liêu) cũng đã gây xôn xao dư luận, khi tài xế vẫn cố tình lái xe di chuyển cho đến khi bị người dân lao ra chặn lại. Ngoài các vụ TNGT thương tâm, cách ứng xử của các tài xế khi xảy ra va chạm, đối đáp với phương tiện, người lái khác trên đường cũng là câu chuyện dài nhiều tập. 

Trong năm 2018, TNGT liên quan đến xe ô tô tại Bạc Liêu tăng rất cao, trong đó nhiều vụ có lỗi chủ quan của tài xế ô tô. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức và đạo đức của người lái xe đang giảm sút. Giải thưởng “Vô-lăng vàng” là giải thưởng vinh dự của nghề tài xế. Tài xế phải đủ các điều kiện: không gây TNGT; chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về ATGT, không bị các lực lượng chức năng xử lý vi phạm dưới bất kỳ hình thức nào trong năm bình xét. Có số ki-lô-mét an toàn tối thiểu theo quy định. Đồng thời, có nghĩa cử, hành động đẹp trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; có uy tín trong đội ngũ lái xe, đạo đức lái xe tốt… Tuy nhiên thật đáng buồn là đã nhiều năm liền, Bạc Liêu không có doanh nghiệp, tài xế tham gia giải thưởng này.

Lái xe là một nghề vất vả, đạo đức người lái xe cần đi đôi với kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề. Nhưng không nên dựa dẫm vào các khóa đào tạo ngắn hạn mà đạo đức người lái xe phải được nuôi dưỡng, rèn luyện từng ngày từ môi trường làm việc, quan hệ xã hội. Các cơ quan chức năng cần có nơi tập hợp, sinh hoạt đội ngũ này, đồng thời cần có quy định về bồi dưỡng, tập huấn và kiểm tra thường kỳ về đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp đối với lái xe.

MAI ĐINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.