Cải cách hành chính

Cải cách hành chính: Từ thủ tục đến hiện đại hóa vẫn còn khoảng cách

Thứ Hai, 04/10/2021 | 16:40

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) - khâu đột phá nhằm đổi mới mối quan hệ giữa Nhà nước, là người “cầm lái”, người quản lý và cũng là người phục vụ với công dân, là “khách hàng” và cũng là người “chèo thuyền”. Các cơ quan nhà nước cần tập trung nâng cao vai trò phục vụ Nhân dân, phục vụ phát triển, thực hiện công tác đơn giản hóa TTHC, công khai thẩm quyền và quy trình giải quyết công việc, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động dân sự và sản xuất - kinh doanh của các tổ chức, cá nhân. Để thực hiện được những vấn đề cốt lõi đó, câu chuyện đặt ra còn ở việc làm sao để hiện đại hóa nền hành chính hiện nay.

Họp trực tuyến về quản lý đất đai của tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: K.P

CẢI CÁCH TTHC KHÔNG THỂ ĐƠN PHƯƠNG THỰC HIỆN

Công tác cải cách TTHC hiện nay đã và đang được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều đã tiến hành rà soát, đánh giá TTHC đúng theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Văn phòng UBND tỉnh. Việc cập nhật, thống kê, trình công bố TTHC đảm bảo đúng theo quy định. Phần lớn các TTHC đã được niêm yết, công khai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã, trên cổng dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Những loại thủ tục không còn phù hợp đã được loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung; quy trình giải quyết TTHC được cải tiến theo hướng đơn giản, ngắn gọn và rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị được triển khai, tập trung tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, các TTHC tập trung về một đầu mối để tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân. Tỷ lệ TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được tăng lên, phần lớn TTHC được giải quyết đúng thời hạn. Qua điều tra, khảo sát về thái độ phục vụ của công chức, chất lượng giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp có số điểm khá cao, được người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị làm tốt thì cũng còn một số đơn vị tỷ lệ điểm không tới 50% như Sở GD-KH&CN, Ban Dân tộc và Tôn giáo... Nguyên nhân chủ yếu do các cơ quan, đơn vị chưa đề xuất danh mục TTHC, quy định hành chính cần rà soát, thực hiện đánh giá rà soát TTHC chưa đúng tiến độ quy định, chưa cập nhật, thống kê kịp thời các TTHC. Việc thực hiện công khai các TTHC, danh mục TTHC, các biểu mẫu chưa đầy đủ, chưa cập nhật kịp thời. Tham mưu trình UBND tỉnh công bố TTHC, công bố quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC còn chậm trễ, việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân ở một số lĩnh vực còn kéo dài thời gian so với quy định, chủ yếu ở lĩnh vực đất đai.

Từ kết quả trên cho thấy, trong công tác cải cách TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn nhiều bất cập, chưa có sự quan tâm đúng mức, chỉ đạo thực hiện chưa quyết liệt, chưa có tính đột phá, từ đó dẫn đến TTHC của tỉnh chưa thật sự thông thoáng, phần nào làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh, thu hút đầu tư, tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sử dụng công nghệ thông tin trong thống kê số liệu tại TX. Giá Rai.

HIỆN ĐẠI HÓA NỀN HÀNH CHÍNH CÒN NHIỀU HẠN CHẾ

Chỉ số thành phần hiện đại hóa hành chính được đánh giá trên 4 tiêu chí là ứng dụng công nghệ thông tin; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích và áp dụng thực hiện ISO trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Giá trị trung bình hiện tại của các sở, ban, ngành đạt 53,96%, giảm 14,1%; cấp huyện đạt 50%, không biến động so với năm trước. Theo kết quả đánh giá, năm 2020, các cơ quan thực hiện tương đối tốt lĩnh vực này gồm Sở Tư pháp, Sở LĐ-TB&XH, Sở VH-TT-TT&DL. Riêng đối với cấp tỉnh, chỉ số này có sự giảm điểm rõ rệt, cụ thể các đơn vị đạt chỉ số thấp (dưới 50%) là Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Giao thông - Vận tải, Sở GD-KH&CN, Sở Tài nguyên và Môi trường…

Nhìn chung, với Chỉ số thành phần này, hầu hết cơ quan, đơn vị đã triển khai phần mềm quản lý văn bản được đồng bộ; mức độ sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc tương đối cao. Việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích được triển khai thực hiện. Phần lớn các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO được tiếp tục duy trì và thực hiện đúng quy định.

Tuy nhiên, qua phân tích từng tiêu chí của lĩnh vực hiện đại hóa hành chính, kết quả đạt được của các cơ quan, đơn vị chưa đồng đều, điểm số trung bình và thấp còn khá nhiều. Nguyên nhân là do cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức việc đầu tư và tập trung nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chưa cao, tỷ lệ TTHC có phát sinh hồ sơ trực tuyến còn quá thấp. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt việc duy trì, cải tiến theo quy định trong áp dụng hệ thống chất lượng ISO. Thậm chí không ít cơ quan, đơn vị còn cố tình chậm trễ, đổ lỗi tại TTHC quá nhiều, thay đổi nhanh nên khó đưa lên cổng, khó thực hiện dịch vụ công cấp độ 3, 4. Nhưng so với nhiều nơi khác, cùng một lĩnh vực, cùng một vấn đề, nhiều tỉnh, thành trong cả nước vẫn thực hiện được. Trong khi đó, tại Bạc Liêu, tình trạng thực hiện TTHC thủ công vẫn là chủ yếu, vẫn phải cần cán bộ ở các bộ phận cầm giấy tờ chạy tới chạy lui. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều phiền hà, lại phát sinh nhiều tiêu cực, tạo thêm nhiều cơ chế xin - cho, gọi điện thoại để được giải quyết sớm…

Chỉ khi nào hạn chế sự tiếp xúc của dân với những bộ phận tiếp nhận, giải quyết TTHC, đưa tất cả lên cổng, giải quyết thông qua hệ thống điện tử, qua phần mềm trực tuyến; người dân ngồi nhà vẫn nộp hồ sơ, vẫn được trả kết quả nhanh gọn nhẹ thì lúc bấy giờ mới thật sự thuận lợi, tạo sự hài lòng cao nhất. Kết quả chỉ số cho thấy, đây vẫn là lĩnh vực hạn chế của tỉnh so với cả nước, từ đó phần nào làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện cải cách hành chính chung của tỉnh.

KIM PHƯỢNG

---------------------------------------

Phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025. Đó là nội dung tại Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Chính phủ ban hành.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.