Cải cách hành chính

Cải cách thủ tục hành chính: Quyết sách để làm hài lòng dân

Thứ Hai, 16/04/2018 | 15:22

Cải cách hành chính (CCHC) luôn là vấn đề nóng trong đời sống xã hội. Những năm qua, CCHC được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, địa phương quyết tâm thực hiện. Đây được xem là quyết sách làm hài lòng dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực có sự đồng tình ủng hộ của dân.

Bài cuối: Xây dựng nền hành chính phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người dân

>>Bài 1: Chuyện cải cách vẫn còn… ngổn ngang

Mới đây, Bạc Liêu vô cùng phấn khởi với cú “lội ngược dòng” ngoạn mục ở chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2017 khi lọt vào “tốp” đầu, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mới vừa công bố và chỉ số cải cách hành chính (PAR - INDEX) chưa công bố, do địa phương tự chấm điểm đều ở tốp trung bình cả nước. Và để cả 3 chỉ số đều được nâng cao, Bạc Liêu đã và đang triển khai các giải pháp với mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người dân…

Cần nâng cao chất lượng thực thi công vụ

Có thể dễ dàng nhận thấy mối tương quan của 3 chỉ số: PAPI, PCI và PAR - INDEX đều tập trung đánh giá về chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền các cấp và lấy mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) ở các lĩnh vực. Và để nâng cao các chỉ số này cũng đồng nghĩa với việc phải nâng cao chất lượng thực thi công vụ, trong đó yếu tố nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất. Qua tiếp xúc, trao đổi, khảo sát ngẫu nhiên thì mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về thái độ, tinh thần phục vụ, kết quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) còn thấp. Cụ thể đánh giá của người dân và doanh nghiệp như sau: Thái độ, tinh thần phục vụ của không ít CBCC thường thể hiện mang vẻ kẻ cả, ban ơn, xin - cho, vô cảm; trong giao tiếp hành chính CBCC ít niềm nở, bình đẳng, xử lý kiểu hành chính máy móc, gây khó khăn; kết quả làm việc thường chậm, hẹn lần hẹn lựa.

Đơn cử như trường hợp xin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh Nguyễn Chí Phong (ngụ phường 5, TP. Bạc Liêu) phải mất gần 6 tháng. Nguyên nhân nói chung đến từ hai phía, lúc thì do tên người bán ở hộ khẩu và giấy chứng minh không khớp nhau, khi thì do người đánh máy nhầm phần nguyên quán người mua: “thị trấn” thì đánh thành “thị trần”… Tuy nhiên, khi anh Phong thắc mắc với cán bộ thực thi công vụ vì sao anh đã ghi lại số điện thoại mà không liên lạc ngay để chỉnh sửa thì nhận được câu trả lời: “Em lu bu quá nên không rảnh gọi điện cho anh”(?!). Còn với doanh nhân Lê Chí Tôn (ngụ thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) thì cho rằng, nhiều lần anh làm thủ tục không đúng hẹn, chủ yếu do trình độ chuyên môn của CBCC cấp cơ sở hạn chế, thế là có những lúc gấp quá anh Tôn phải “làm phiền” lãnh đạo thì mọi việc lại được giải quyết nhanh chóng theo đúng quy định(?!).

Hiện đại hóa hành chính góp phần thực hiện hiệu quả công tác CCHC. Trong ảnh: Người dân đến liên hệ làm việc tại Trung tâm Hành chính công TP. Bạc Liêu. Ảnh: T.T

Qua đợt giám sát về kết quả thực hiện CCHC, nâng cao chỉ số PAPI, PCI cùng với đoàn giám sát HĐND tỉnh, Sở Nội vụ cũng đã nhận thấy sự hạn chế không nhỏ trong giải quyết TTHC, giao tiếp với dân, thái độ giải trình trước dân cũng yếu… của bộ phận cán bộ thực thi công vụ cấp cơ sở. Qua giám sát, hầu hết CBCC cấp cơ sở đều đạt chuẩn về trình độ (đa số đều có trình độ cao đẳng, đại học), thế nhưng cấp cơ sở vẫn kiến nghị cấp tỉnh mở các lớp tập huấn nghiệp vụ thực thi công vụ cho CBCC. Chính từ thực trạng trên, bên cạnh việc tham mưu với UBND tỉnh mở các lớp tập huấn cho CBCC cấp cơ sở thì Sở Nội vụ cũng đã và đang thực hiện từng bước đổi mới một cách triệt để công tác quản lý CBCC, viên chức (VC). Trước hết là đổi mới trong tuyển dụng CBCCVC; có thể nhân rộng mô hình thi tuyển hiệu trưởng của TP. Bạc Liêu; tổ chức thi tuyển hay xét tuyển cũng cần phải dựa vào tiêu chí năng lực phù hợp và cạnh tranh một cách thật sự khách quan thì mới hy vọng tìm và tuyển được người giỏi, có tài năng…

Tạo dựng uy tín từ nền hành chính phục vụ

Không thể phủ nhận, kể từ khi tiến hành CCHC, chỉ số hài lòng của người dân khi đến các cơ quan hành chính nhà nước đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt là việc thành lập 7/7 trung tâm hành chính công ở các huyện, thị xã, thành phố giúp người dân và doanh nghiệp bớt đi sự chờ đợi, từng bước làm cho nền hành chính hiện đại, hoạt động hiệu quả, thể hiện rõ hơn bản chất chính quyền của dân, do dân, vì dân... Hiện cấp xã có 64/64 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế “một cửa” liên thông ở một số lĩnh vực. Người dân, doanh nghiệp đến bộ phận “một cửa” đã cảm nhận ngày càng rõ sự thay đổi về thủ tục, quy trình làm việc cũng như thái độ, trách nhiệm tiếp dân của đội ngũ cán bộ. Nhiều cuộc khảo sát do các cơ quan, tổ chức khác nhau được thực hiện cho thấy người dân ngày càng cảm thấy hài lòng hơn khi tiếp cận với nền hành chính phục vụ.

Với quyết tâm tạo dựng lại uy tín của tỉnh trong thúc đẩy năng lực cạnh tranh với các địa phương khác, nâng cao năng lực điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền địa phương để phục vụ người dân tốt hơn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng triển khai các giải pháp từ nguyên nhân làm tăng, giảm các chỉ số thành phần của PAPI, PCI, PAR - INDEX. Từ đó, các đơn vị, địa phương phải xây dựng chương trình hành động cải thiện. Có thể nhân rộng giải pháp của huyện Hồng Dân đang thực hiện: đánh giá PAPI ở các xã, thị trấn thông qua chấm điểm ở 6 chỉ số thành phần. Đồng thời, xem việc công khai và minh bạch là phương thức hành vi của nền hành chính phục vụ - thể hiện quyền được biết, quyền làm chủ của nhân dân. Hơn nữa, việc công khai minh bạch cụ thể, rõ ràng, có hướng dẫn, có cán bộ tiếp dân sẽ hạn chế đi lại nhiều lần của người dân. Đây cũng chính là giải pháp mà tỉnh sẽ chú trọng thực hiện ở các cấp, các đơn vị, đặc biệt là việc công khai luôn các dự án, quy hoạch… nhằm khắc phục vấn đề khiếu kiện, chây ì của người dân trong lĩnh vực bồi thường giải tỏa, tái định cư…

Ông Lê Minh Chiến - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: “Để cải thiện chỉ số CCHC, PCI và giữ vững “phong độ” hiện nay của PAPI thì đầu tiên là tăng cường vai trò cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, thực hiện CCHC. Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời đề nghị sở, ngành chức năng thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ của đội ngũ CBCC. Tất cả những giải pháp đều phải hướng đến sự hài lòng của dân, sự ủng hộ của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đây cũng chính là đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững”.

Hoàng Uyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.