Cải cách hành chính

Một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Thứ Năm, 02/06/2016 | 08:22

Sở Tư pháp tập huấn công tác kiểm soát TTHC trên phần mềmẢnh: K.K

Ngày 14/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Nghị định gồm 11 chương với 189 điều quy định chi tiết 7 vấn đề được luật giao: Đánh giá tác động của chính sách; Thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật; Công báo và niêm yết văn bản quy phạm pháp luật; Dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài; Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; Bảo đảm nguồn lực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuân thủ tinh thần của luật năm 2015 là không ủy quyền tiếp việc ban hành văn bản quy định chi tiết, do đó, Nghị định đã quy định cụ thể đến mức cao nhất các điều, khoản mà luật giao để sau khi ban hành có thể thi hành được ngay, hạn chế tối đa việc các bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản hướng dẫn tiếp.

Đồng thời, để bảo đảm thi hành có hiệu quả luật năm 2015, Nghị định quy định một số biện pháp thật sự cần thiết thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ như: Quy trình xây dựng chính sách trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, lập danh mục văn bản quy định chi tiết, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật…

Đánh giá tác động của chính sách, Nghị định hướng dẫn một số tiêu chí, trong đó: Tác động về kinh tế được đánh giá trên cơ sở phân tích chi phí và lợi ích đối với một hoặc một số nội dung về sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, môi trường đầu tư và kinh doanh, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, cơ cấu phát triển kinh tế của quốc gia hoặc địa phương. Tác động về xã hội của chính sách được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo tác động đối với một hoặc một số nội dung về dân số, việc làm, tài sản, sức khỏe, môi trường, y tế, giáo dục, đi lại, giảm nghèo, giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, xã hội và các vấn đề khác có liên quan đến xã hội. Tác động của thủ tục hành chính (nếu có) được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo về sự cần thiết, tính hợp pháp, tính hợp lý và chi phí tuân thủ của thủ tục hành chính để thực hiện chính sách. Tác động đối với hệ thống pháp luật được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo khả năng về thi hành và tuân thủ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tác động đối với tổ chức bộ máy nhà nước, khả năng thi hành và tuân thủ của Việt Nam đối với các Điều ước quốc tế.

Nghị định cũng quy định về ngôn ngữ, theo đó ngôn ngữ sử dụng trong văn bản là tiếng Việt, chính xác, phổ thông. Không dùng từ ngữ địa phương, từ ngữ cổ và từ ngữ thông tục. Văn bản phải sử dụng ngôn ngữ viết, cách diễn đạt phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu. Trong văn bản có thuật ngữ chuyên môn cần phải làm rõ nội dung thì thuật ngữ đó phải được giải thích. Từ ngữ viết tắt chỉ được sử dụng trong trường hợp cần thiết và phải giải thích nội dung của từ ngữ đó tại lần xuất hiện đầu tiên trong văn bản. Từ ngữ được sử dụng trong văn bản phải thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt, không làm phát sinh nhiều cách hiểu.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 (cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015). Kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, các văn bản quy phạm pháp luật sau đây sẽ hết hiệu lực: Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 5/3/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 6/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; Nghị định số 100/2010/NĐ-CP ngày 28/9/2010 của Chính phủ về công báo; Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 6/2/2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

K.K

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.