Câu chuyện tòa án

Đằng sau một bản án...

Thứ Sáu, 01/06/2018 | 15:47

Trong các vụ án xét xử tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không ít trong số đó là những bị cáo mà mãi cho đến khi bị ra tòa vì hành vi phạm tội này, vẫn không tin rằng mình là một kẻ lừa đảo. Bởi cùng với tội danh đó, đằng sau bản án tù còn là uy tín, danh dự của một con người, một gia đình.

Tôi vẫn không thể nào quên được hình dáng tội nghiệp của một người cha trước một phiên tòa hình sự xét xử tội lừa đảo do chính con gái mình gây ra. Tôi không thấy ông nói gì, từ đầu chí cuối chỉ thấy ông nhìn đăm đăm lên Hội đồng xét xử, thỉnh thoảng lại đưa ánh nhìn buồn bã về phía con. Mãi đến khi tòa tuyên mức án 3 năm tù giam, tôi thấy ông như khụy xuống. Người con trai đứng bên cạnh gần như ôm trọn ông vào lòng, nói câu gì đó, chắc là an ủi. Rồi ông nói giọng đứt quãng, như đè nén một nỗi đau: Thà là nó chết đi, chứ mang tội danh lừa đảo như thế này thật là nhục nhã cho gia phong!

Ai cũng có những phút giây lầm lỡ, những suy nghĩ, thậm chí là hành động không đúng với quy chuẩn chung của xã hội. Nhưng không phải ai cũng có thể kịp thời nhận ra, dừng lại đúng lúc. Cũng giống như bị cáo trong vụ án trên, ban đầu chỉ là chuyện làm ăn mua bán với nhau, nếu có nợ nần cùng lắm cũng chỉ là tranh chấp dân sự. Nhưng cũng vì sợ miệng lưỡi thế gian, sợ thiên hạ cười chê khi bản thân vướng phải nợ nần, bị cáo đã tìm nhiều cách để đảo nợ, vay “nóng”…, đến khi không còn có thể gượng được, thì những quan hệ kia đã không còn đơn giản là những giao dịch dân sự bình thường. Nhiều người phát hiện ra trong đó nhen nhóm hành vi lừa đảo, đã làm đơn tố giác với cơ quan điều tra.

Lúc xe cảnh sát đã chở bị cáo đi rồi, anh con trai mới nói với tôi, “Chị ấy (tức bị cáo) tội nghiệp lắm. Bởi thương ba tôi, biết ông gia phong lễ giáo, sĩ diện lắm nên lúc làm ăn thất bại không dám nói, cứ âm thầm gắng gượng quơ đầu này, lấp đầu kia. Mà nợ thì lãi mẹ đẻ lãi con, có nhiều chuyện biết sai mà không thể dừng lại. Giờ mới ra cớ sự này…”.

Hay như mới đây, mẹ của một bị can bị bắt, bị khởi tố về tội lừa đảo cũng đã làm đơn đi tìm công lý cho con trai mình. Trong suy nghĩ của người mẹ như bà, công lý không phải là việc tha bổng mà phải công bằng giữa hai bên. Con trai bà nhận “chạy trường” cho con của một đồng nghiệp và đã nhiều lần nhận tiền của anh này để “trà nước, nhậu nhẹt”, sử dụng các mối quan hệ quen biết. Kết quả tuyển sinh không thấy, chỉ thấy nhiều khoản tiền chi cho các chầu nhậu lần lượt ra đi. Con trai bà sau đó bị bắt vì hành vi lừa đảo, nhưng tác nhân khiến con trai bà vướng vòng lao lý - người đồng nghiệp muốn “chạy trường” cho con thì lại không bị làm sao. Người ngoài nhìn vào, ai cũng công nhận con trai bà phạm tội lừa đảo là đúng; nhưng trái tim của một người mẹ, bà luôn biết rõ rằng, đó không phải là tất cả sự thật. Bà nói với tôi mà như nói với chính mình: Gia đình hai bên có truyền thống cách mạng. Con tôi có quá trình cống hiến bao nhiêu năm. Giờ vì chuyện này, nó không chỉ mất hết tương lai, mà gia đình cũng chịu tiếng lừa đảo. Muốn giúp bạn, mà sự việc không như ý, lại trở thành kẻ lừa đảo..., thật đau đớn nào bằng!

Kim Phượng

Phiên tòa xét xử một vụ lừa đảo. Ảnh minh họa: K.P

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.