Câu chuyện tòa án

Tản mạn về những người đồng hành với câu chuyện pháp đình

Thứ Sáu, 27/02/2015 | 15:59

Trong bài này, chúng tôi không nói về những bị cáo, bị hại, chỉ dừng lại với những người công tác tại các cơ quan công quyền, nơi đại diện cho công lý, đồng thời cũng là nơi mà chúng tôi phải thường xuyên liên hệ để có tư liệu viết bài. Một chút vui, một chút buồn và nhiều hơn nữa là những tri ân…

1. Chúng tôi may mắn được các anh chị công tác trong lĩnh vực tư pháp chiếu cố, quan tâm hỗ trợ. Khi cần tư liệu viết bài, chỉ “alô” một cái, hoặc cần phỏng vấn anh A., chị B., cũng chỉ một cú điện thoại liên hệ. Khi xuất hiện ở các phiên tòa, luôn được tạo điều kiện để tác nghiệp thật tốt. Cái ân tình đó, bản thân người làm báo cũng tự hiểu rằng, đó là vì bạn đọc - trong đó có cả những bạn đọc là những người làm ở các cơ quan tiến hành tố tụng - đồng cảm với những bài báo, ủng hộ cách tuyên truyền nhẹ nhàng, hướng đến tính nhân văn mà Báo Bạc Liêu đang thực hiện.

2. Anh là một trong số đó. Chuẩn bị ngồi ghế công tố, trước một vụ án khiến bản thân phải trăn trở là lập tức chúng tôi được nhớ đến. Những suy nghĩ của anh - trong vai trò một người tiến hành tố tụng - cung cấp cho báo chí qua lăng kính, qua góc nhìn khác, nó giúp bài viết được toàn diện. Có nhiều vụ việc, nếu không nhờ các anh âm thầm hỗ trợ, chắc chúng tôi cũng “lực bất tòng tâm”. Bởi nhà báo, đâu phải lúc nào cũng có thể tiếp cận được với các bị can, bị cáo, đâu phải lúc nào cũng có thể khiến họ trải lòng mà tâm sự.

3. Chị là một thẩm phán ở tòa án. Trên phiên tòa, chị là hình ảnh đại diện cho công lý. Cái uy nghiêm của chị ở chốn pháp đình đôi lúc khiến chúng tôi - những người chấp bút cho những câu chuyện tòa án cũng cảm thấy mình nhỏ bé. Tuy nhiên, ít ai biết đằng sau những phiên tòa ấy là những trăn trở, những nỗi niềm. Nhiều lần chị chủ động điện thoại cho chúng tôi, mời đến dự phiên tòa để lắng nghe. Chẳng hạn như những vụ việc có khi xuất phát điểm chẳng có gì, mà kết cuộc phải đổi lấy hai mạng người, để lại những nỗi đau, bao mất mát và cả những gánh nặng cho những người ở lại. Hoặc đôi khi là những bài học để cảnh tỉnh các bậc cha mẹ, đừng chủ quan mà con cái phải gánh chịu hậu quả; đừng vì lòng tham mà tan nát một mái ấm gia đình…

* * *

Dù là ai, một điều tra viên, kiểm sát viên hay thẩm phán tòa án, họ vẫn là con người. Vẫn có những hỉ - nộ - ái - ố thường nhật, vẫn biết yêu biết thương với những cảnh đời chông chênh, biết xót lòng trước những đứa trẻ mồ côi, biết đau và căm phẫn trước cái ác. Tuy nhiên, chốn pháp đình, họ đại diện pháp luật, đại diện công lý nên không thể để cảm xúc cá nhân lấn át. Không thể cười, không thể khóc, không thể hét lên ở nơi dành cho những phiên tòa. Họ thực thi pháp luật với những gương mặt - mà nhiều người cứ tưởng như vô cảm. Vì thế, chia sẻ được với báo chí, thông qua kênh của những câu chuyện pháp đình, họ âm thầm dõi theo. Ẩn chứa trong từng con chữ, ta như vẫn thấy bóng dáng của những người “cầm cân nẩy mực”, rất nhân văn, nồng ấm tình người chứ không như vẻ bề ngoài - “mặt lạnh như tiền”…

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.