Bất cập trong chính sách cử tuyển

Thứ Sáu, 21/06/2019 | 15:47

Năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 134 quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nhằm giải quyết được căn bản sự thiếu hụt về số lượng và chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Mới đây, Ban Văn hóa - xã hội của HĐND tỉnh vừa tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách trên ở các địa phương, ngành chức năng. Thực tế cho thấy: bên cạnh những hiệu quả trong việc nâng cao nguồn nhân lực trong đồng bào DTTS thì đã phát sinh những bất cập cần được tháo gỡ…

Đoàn giám sát Ban Văn hóa - xã hội của HĐND tỉnh làm việc với Sở Y tế về việc thực hiện chính sách đào tạo cử tuyển. Ảnh: T.T

Hạn chế từ chất lượng đầu vào

Theo Nghị định 134 quy định thì cử tuyển là việc tuyển học sinh không qua thi cử vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các vùng DTTS chưa có, hoặc có rất ít cán bộ trình độ đại học, cao đẳng. Tỷ lệ người dân tộc Kinh được cử tuyển không vượt quá 15% so với tổng số chỉ tiêu được giao. Chính vì vậy, nhiều thí sinh được tuyển chọn có học lực khá thấp, thậm chí nhiều em vì biết mình nằm trong chế độ cử tuyển nên cũng không cần tham gia thi đại học thử sức. Với các trường hợp này, hầu hết các trường đại học, cao đẳng khi nhận sinh viên cử tuyển đều yêu cầu các em học dự bị 1 năm.

Dù đã được “lọc” trước một bước ở giai đoạn dự bị nhưng nhiều sinh viên diện này vẫn không thể theo được chương trình bậc đại học. Đặc biệt, một số ít trường hợp học dự bị 3 năm vẫn không đạt yêu cầu (hầu hết là chuyên ngành Y, Dược), trường đành loại ra, gây tốn kém ngân sách Nhà nước, địa phương.

Nhằm đánh giá hiệu quả của chính sách cử tuyển tại địa phương, trong thời gian qua, Ban Văn hóa - xã hội của HĐND tỉnh đã thành lập đoàn giám sát trực tiếp làm việc với các địa phương, các ngành trong tỉnh. Qua giám sát cho thấy, hầu hết chính sách được ngành, địa phương đơn vị thực hiện đúng theo tinh thần Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, một trong những bất cập mà nhiều đơn vị đề cập, kiến nghị chính là chất lượng đầu vào khi tuyển sinh cử tuyển. Đặc biệt, ngành Y tế, Giáo dục đều thẳng thắn cho rằng đây là những ngành đặc thù nên rất cần thiết phải nâng cao tiêu chí học lực ở các thí sinh. Bởi thực tế cho thấy: từ năm 2015 - 2018, Sở Y tế đã tiếp nhận, phân công nhiệm vụ công tác đối với diện đào tạo cử tuyển là 61 người (trong đó có 57 bác sĩ, 4 dược sĩ), theo đánh giá của các đơn vị thì các đối tượng trên chỉ đảm bảo yêu cầu công việc chuyên môn đạt khoảng 30%.

Chính sách cử tuyển cần sửa đổi phù hợp

Mặc dù vướng phải những bất cập, nhưng rõ ràng, chế độ cử tuyển cho người dân tộc đã và đang góp phần tạo nguồn nhân lực cho địa phương, hiệu quả nhất là tạo nguồn cán bộ tại chỗ cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 111 sinh viên hệ cử tuyển đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh; 117 sinh viên đã tốt nghiệp (trong đó 70 em được tuyển dụng và bố trí việc làm, 47 em chưa được bố trí việc làm). Thời gian qua, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh đã chi trả các chế độ, chính sách kịp thời cho sinh viên hệ cử tuyển, kinh phí đào tạo cho các cơ sở giáo dục - đào tạo hơn 19 tỷ đồng… Nhìn chung, việc phân công, bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp thực hiện khá tốt, từ đó đáp ứng được nhu cầu nguồn cán bộ vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS sinh sống. Sinh viên đào tạo theo chế độ cử tuyển hầu hết đều trở về địa phương công tác và có không ít sinh viên đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình cùng địa phương thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, bố trí việc làm cho sinh viên diện cử tuyển ra trường đã vướng phải không ít khó khăn. Đơn cử như huyện Phước Long, hiện đã đủ biên chế nên không thể tiếp nhận hay việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ ở các đơn vị cũng trở thành rào cản đối với sinh viên cử tuyển tốt nghiệp. Trước thực tế này, thiết nghĩ cần có giải pháp mới hoàn thiện để thực hiện hiệu quả chính sách cử tuyển đối với học sinh là người DTTS, chẳng hạn: bên cạnh việc nâng cao chất lượng đầu vào (đặc biệt là các ngành đặc thù như Y tế, Giáo dục) thì cần phải khảo sát nhu cầu thực tế địa phương để tránh lãng phí.

Hoàng Uyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.