Đạo đức nghề báo Kim chỉ nam cho nhà báo

Thứ Ba, 20/06/2017 | 08:18

Báo chí có sức ảnh hưởng đến rất nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội và có tác động cản trở hoặc thúc đẩy sự thay đổi, theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Chính vì vậy, khi dấn thân vào nghề, nhà báo cần xem những quy định đạo đức nghề báo là kim chỉ nam trong quá trình tác nghiệp, nhất là những nhà báo trẻ, còn non tuổi đời và tuổi nghề.

Tác nghiệp. Ảnh: H.T

Trước hết, người làm báo phải phản ánh chính xác, khách quan và trung thực với thông tin, không bóp méo sự thật vì mục đích kinh tế, tư lợi cá nhân hay khuất phục trước quyền lực nào. Nhà báo không được viết tin, bài ca ngợi về một người, một hành động, một điều tốt đẹp khi chúng không có trên thực tế. Tương tự, khi viết về một vụ việc tiêu cực, nhà báo luôn xác định những vấn đề đề cập phải thật sự chính xác “nói có sách mách có chứng”, không được võ đoán và vội vã kết luận khi sự việc vẫn chưa rõ ràng. Đặc biệt là không được cố tình bôi đen vấn đề để tạo ra dư luận không tốt hoặc gây hoang mang cho người xem vì mục đích “câu khách”. Hiện nay, một số tờ báo và kênh truyền hình khi thông tin không đúng thì đính chính. Việc đính chính là cần thiết, nhưng đừng tạo thành tư tưởng “sai thì đính chính, đâu có gì phải lo!”. Tâm lý này vô tình tạo cho nhà báo cách làm việc thiếu trách nhiệm và coi thường công chúng. Phản ánh vấn đề chính xác là việc nhà báo cần phải làm vì điều đó thể hiện sự tôn trọng công chúng và là uy tín, sự tồn tại của cơ quan truyền thông và nhà báo trong lòng công chúng. Chính vì vậy, các cơ quan truyền thông và nhà báo phải có trách nhiệm phát huy, giữ gìn và tôn trọng tính chính xác, khách quan, chân thật trên báo chí. Coi đó là cẩm nang quan trọng để tạo niềm tin đối với công chúng hiện nay.

Không chỉ phản ánh chính xác, khách quan và trung thực với thông tin, người làm báo cần phải biết lựa chọn thông tin để chuyển tải đến công chúng, hay nói đúng hơn là không phải thông tin nào cũng có thể đưa trên phương tiện truyền thông. Ngày nay, để cạnh tranh thông tin, các cơ quan báo chí đặt ra yêu cầu đối với phóng viên là phải thông tin nhanh, độc quyền, thậm chí đưa tin theo kiểu giật gân câu khách. Không ít cơ quan truyền thông lạm dụng quá nhiều thông tin phi nhân bản như: trộm cắp, cướp của giết người, hiếp dâm… điều này có thể gây ra tác dụng ngược vì cơ quan truyền thông không chỉ có chức năng thông tin mà còn có chức năng quan trọng là giáo dục con người, hướng con người đến điều tốt đẹp hơn. Chính vì thế, khi đưa tin bài, nhà báo cũng cần cân nhắc, lựa chọn thông tin để công chúng không bị hoang mang hoặc tác động khi tiếp cận.

Người làm báo nên hướng công chúng đến những điều tốt đẹp bằng việc đưa những thông tin tích cực nhiều hơn. Nói như vậy không có nghĩa là người làm báo bao che, dung dưỡng cái xấu, cái tiêu cực. Đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực là nhiệm vụ của nhà báo và nhà báo luôn cảm thấy tự hào khi tác nghiệp để vạch trần những điều xấu xa đó.

CHÚC CHI

(Đài PT-TH Bạc Liêu)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.