Đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng, khắc phục bệnh lạm dụng quyền lực

Thứ Sáu, 12/01/2018 | 16:05

Hai năm qua (2016 - 2017), ở cấp Trung ương, Đảng ta đã tiến hành đổi mới phương thức lãnh đạo Nhà nước, nâng cao chất lượng cầm quyền một cách rõ nét, thể hiện qua những hoạt động lãnh đạo: Xây dựng nghị quyết, chỉ thị, kết luận ngắn gọn, sát đúng và triển khai đưa vào cuộc sống rất nhanh; kiên quyết và kiên trì giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên nắm giữ những cương vị chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan quyền lực nhà nước; công tác kiểm tra, giám sát đảng viên và tổ chức đảng được tiến hành ngày càng thực chất, đúng phương châm “Chủ động, chiến đấu, giáo dục và hiệu quả”…

Ảnh minh họa: T.L

Những kết quả nói trên đã thể hiện đúng yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị” mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn, vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại cần được giải quyết trong đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng theo Nghị quyết Đại hội XII. Nguy cơ lớn nhất của một đảng cầm quyền như Đảng Cộng sản Việt Nam là tình trạng lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân mà nạn “lợi ích nhóm” chính là một trong những biểu hiện tinh vi đó. Thời gian qua, một số cán bộ, đảng viên khi bị phát hiện sai lầm, khuyết điểm đã phát biểu: “Giá như tổ chức đảng kiểm tra, giám sát sớm hơn thì khuyết điểm của tôi không lớn như thế”. Điều đó phản ánh thực tế là một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền hiện nay đang rất biết lợi dụng nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, dựa vào những kẽ hở của nguyên tắc để không nhận trách nhiệm cá nhân khi bị phát hiện sai phạm. Tình trạng lạm quyền, vượt quyền cũng xuất phát từ chính kẽ hở này. Trong lạm quyền, hiện tượng nguy hiểm nhất là người đứng đầu cấp ủy lợi dụng cơ chế tập thể để hợp pháp hóa quyết định, thực hiện ý đồ cá nhân trong quyết định công tác cán bộ. Điều đáng nói là ở những nơi xảy ra nạn chuyên quyền, độc đoán, các thành viên trong cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh khiến người đứng đầu càng lún sâu vào vũng bùn lộng quyền, tự tung tự tác, bất chấp nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để làm trái nhằm trục lợi cho bản thân hoặc người thân trong nhóm “hậu duệ, quan hệ, đồ đệ, tiền tệ”.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra 27 biểu hiện cụ thể của tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong thực tế xây dựng Đảng hiện nay, ai cũng có thể biết đến rất nhiều hiện tượng gây bức xúc trong nhân dân, như: Quan liêu, xa dân, vô cảm trước đời sống khó khăn của nhân dân; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; tham nhũng, lãng phí; lối sống xa hoa, hưởng lạc, vụ lợi, thực dụng, nịnh bợ; tùy tiện, vô nguyên tắc, coi thường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng… Trong khi đó, Đảng phải lãnh đạo Nhà nước xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với rất nhiều vấn đề mới mẻ, chưa có tiền lệ với muôn vàn trở lực, thách thức. Mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã tác động mạnh vào một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có quyền. Từ chủ quan, dễ dãi trong lối sống có thể dẫn đến suy thoái đạo đức, từ suy thoái đạo đức sẽ phai mờ lý tưởng, đó là con đường rất ngắn dẫn một số đảng viên có chức, có quyền rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc câu kết với các thế lực thù địch, thúc đẩy chiến lược “diễn biến hòa bình”, phản bội lại sự nghiệp Đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Để tiếp tục đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng, khắc phục tình trạng lạm quyền, chuyên quyền trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên theo Nghị quyết Đại hội XII và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng, cần tiến hành một số công việc.

Trước hết là hoàn thiện quy chế hoạt động của các cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn trong các cơ quan hành chính nhà nước. Phải xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Đây là vấn đề rất quan trọng. Lâu nay, do thiếu quy định về chế độ trách nhiệm, chưa xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân nên khi sai sót không có ai nhận trách nhiệm, người đứng đầu nếu có buộc phải nhận thì vẫn đổ lỗi cho quyết định tập thể. Vì vậy, Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể để cấp ủy các cấp xây dựng chế độ trách nhiệm cho người đứng đầu. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của người đứng đầu trong thực thi chức trách, nhất là trong công tác cán bộ. Đồng thời coi trọng việc phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII).

Hai là đấu tranh với các biểu hiện tuyệt đối hóa, “mệnh lệnh hóa” hoạt động lãnh đạo của Đảng cùng khuynh hướng hạ thấp, xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng trong quản lý hành chính Nhà nước. Cả hai biểu hiện này thực chất đều vi phạm nguyên tắc hoạt động lãnh đạo của Đảng, là cái cớ để những cán bộ chuyên quyền, lạm quyền lợi dụng. Đảng lãnh đạo Nhà nước, cấp ủy đảng lãnh đạo chính quyền địa phương chứ không làm thay Nhà nước, làm thay chính quyền. Đường lối, chính sách, quy định của Đảng không làm thay luật pháp.

Ba là tăng cường kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, chính quyền Nhà nước. Chuyên quyền, lạm quyền đang gây ra những tổn thất khôn lường đối với uy tín chính trị của Đảng trong nhân dân. Người dân thực ra không mất niềm tin với Đảng nhưng vì phải chứng kiến quá nhiều biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ có chức, có quyền mà sinh hoang mang, như nhận xét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nhìn đâu cũng thấy tiêu cực, thanh tra ở đâu cũng thấy sai phạm”. Cho nên, cần tăng cường kiểm tra, giám sát người đứng đầu. Thông qua kiểm tra, giám sát để thấy rõ người tốt, việc tốt để phát huy, nhân rộng, đồng thời chỉnh đốn, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm. Từ đó mà có giải pháp giúp nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn tình trạng lạm quyền, độc đoán, gia trưởng. Để thực hiện công việc này, về lâu dài, cần bổ sung, tăng thẩm quyền của ủy ban kiểm tra các cấp, nhất là ủy ban kiểm tra tổ chức cơ sở đảng, vì ủy ban kiểm tra cấp ủy cơ sở thuận lợi nhất trong kiểm tra, giám sát về đạo đức, lối sống của cán bộ có chức, có quyền.

NGUYỄN HỒNG KIÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.