Đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng

Thứ Sáu, 27/04/2018 | 16:57

Xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) xa xưa được biết đến là vùng đất đầy phèn mặn với nhiều đồng năn rộng mênh mông. Đời sống rất đỗi khó khăn nhưng người dân có truyền thống cách mạng, hết sức kiên cường. Ninh Thạnh Lợi là hậu phương vững chắc để các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt… hoạt động cách mạng. Sau ngày 30/4/1975 đến nay, Đảng bộ, quân dân xã Ninh Thạnh Lợi nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu giành nhiều thành tích mới trong công cuộc xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc.

Lãnh đạo tỉnh và huyện Hồng Dân cắt băng thông xe ô tô tuyến đường từ trung tâm huyện về xã Ninh Thạnh Lợi, đến Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu. Ảnh: T.Đ

Oanh liệt năm xưa

Ninh Thạnh Lợi vốn là vùng sâu của huyện Hồng Dân, sản xuất chủ yếu độc canh cây lúa, dân cư từ nhiều nơi đến khai phá lập nghiệp. Khi chưa có Đảng, nơi đây đã xảy ra sự kiện Chủ Chọt, ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, đoàn kết chống lại áp bức, bóc lột của cường hào và giặc Pháp xâm lược cướp đất nhân dân.

Xã Ninh Thạnh Lợi là căn cứ cách mạng trọng yếu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nơi đây từng nuôi chứa, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, đặc biệt là bảo vệ an toàn các đồng chí: cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đồng chí Trần Kiên… Khi chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” năm 1957 của Mỹ - Diệm tiến hành khắp các tỉnh khu Tây Nam bộ thì ở Ninh Thạnh Lợi, địch đưa về hàng chục sĩ quan ác ôn, có nợ máu với nhân dân để nắm các chức vụ chủ chốt với ý chí “đồng tâm diệt cộng”. Bằng nhiều hình thức tra tấn dã man như: dùng dao cắt cổ, mổ bụng, moi mật, moi gan, chúng biến dòng sông từ Phó Sinh - Vĩnh Phú qua Ngan Dừa thành nơi giết người man rợ. Song, chính nỗi đau đớn, căm phẫn tột cùng đã làm ý chí cách mạng của nhân dân ta ngày càng bùng mạnh. Những năm 1959 - 1963, nhân dân Ninh Thạnh Lợi tổ chức đấu tranh chính trị với quy mô lớn, mỗi lần đấu tranh là ngọn đòn đau đớn đập thẳng vào địch, buộc địch phải chấp nhận nhiều yêu sách.

Cuối năm 1969, đầu năm 1970 địch tăng cường đánh phá vùng căn cứ Ninh Thạnh Lợi hết sức khốc liệt. Chúng đóng trên địa bàn xã 12 đồn bót, cùng với đồn bót của các xã lân cận, liên tục khủng bố dã man hòng đè bẹp ý chí cách mạng của ta. Có lần 275 người dân trong xã đã bị giặc giết hại chỉ trong 1 đêm. Đối phó với âm mưu thâm độc của kẻ thù, quân dân Ninh Thạnh Lợi không ngừng kiên cường bám trụ, xây dựng phong trào cách mạng lớn mạnh, lập nhiều thành tích xuất sắc, tự lực giải phóng xã sớm nhất trong huyện (ngày 4/3/1974).

Từ năm 1954 - 1975, lực lượng vũ trang xã Ninh Thạnh Lợi đã đánh 564 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 9.765 tên địch. Phong trào đấu tranh chính trị diễn ra sôi nổi, có cuộc huy động tới 7.000 người kéo ra thị xã Bạc Liêu đấu tranh trực diện kẻ thù.

Để tái hiện lại lịch sử đấu tranh giành độc lập của quân dân địa phương nói riêng, thời kỳ hoạt động của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà nói chung tại vùng đất này (Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu tại ấp Cây Cui), tỉnh đã xây dựng khu di tích căn cứ Tỉnh ủy. Đến đây du khách sẽ hiểu thêm về đời sống sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng, nghe những câu chuyện lịch sử, từng gốc tích của những kỷ vật khắc họa lịch sử dân tộc đang được trưng bày…

Bà Đỗ Thị Liên, giảng viên Trường đại học Bạc Liêu, xúc động nói: “Thăm di tích khu căn cứ là những trải nghiệm vô cùng quý giá, tôi có cảm giác được sống lại những năm tháng gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. Đây quả là một di tích lịch sử quý báu, là nơi để giúp thế hệ sau hiểu hơn, yêu quý hơn và sống xứng đáng hơn với truyền thống cha ông”.

Mô hình trồng lúa - tôm ở xã Ninh Thạnh Lợi. Ảnh: T.H

Sức sống hôm nay

Trong suốt 43 năm Đảng bộ, quân dân chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương, xã Ninh Thạnh Lợi đã khoác lên mình chiếc áo mới. Không chỉ là miền quê có phong cảnh hữu tình sông nước mênh mông, nơi đây giờ là vùng sinh thái mặn mang cuộc sống ấm no đến mọi người.

Theo ông Nguyễn Văn Thới, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân: “Nhân dân xã Ninh Thạnh Lợi đã nhanh chóng bắt tay vào làm kinh tế, xây dựng quê hương ngay sau ngày đất nước thống nhất. Đặc biệt, sau khi thực hiện chủ trương của tỉnh chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa, đời sống nhân dân đổi thay nhanh chóng. Hộ nghèo giảm liên tục từng năm, trong đó, các hộ dân có đời sống khá, giàu ngày càng tăng lên”.

Về Ninh Thạnh Lợi hôm nay, nhìn nông thôn mới mà lòng người phơi phới. Cùng với sự quan tâm của tỉnh, huyện Hồng Dân đã có sự tăng tốc ngoạn mục trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Các tuyến đường ô tô về trung tâm xã, đường liên xã, liên ấp kết nối giao thương khắp nơi càng làm cho diện mạo xã ngày một khởi sắc. Trong đó, tuyến đường ô tô từ huyện về xã Ninh Thạnh Lợi, đến khu căn cứ Tỉnh ủy là ước mơ bao đời của người dân địa phương đã thông xe vào dịp lễ 2/9/2017. Tuyến đường này đi qua những vùng sản xuất lúa - tôm của huyện, mở ra cơ hội phát triển cho một khu vực rộng lớn. Việc chuyển giao khoa học - công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã mang lại thành công cho nhiều mô hình sản xuất, nông dân thu nhập ổn định trên 50 triệu đồng/ha/năm. Nhiều nông dân đã làm giàu trên vùng đất phèn mặn. Kinh tế ổn định, bao lớp trẻ cũng được cha mẹ nuôi dạy học hành tử tế và trở thành kỹ sư, cử nhân tiếp tục đem tâm huyết, tri thức của mình xây dựng quê hương.

Ông Trần Quốc An (ấp Ngô Kim, xã Ninh Thạnh Lợi) nhiều lần được tuyên dương là nông dân sản xuất giỏi. Ban đầu ông nuôi tôm xen lúa, sau ông nuôi thêm các loài cá, ếch, rắn ri tượng… đem lại thu nhập từ 700 - 800 triệu đồng/năm. Từ thành công của bản thân, ông An không ngại chia sẻ và giúp đỡ bà con để ngày càng có nhiều người có cuộc sống sung túc, ấm no. Hiện nay, ở ấp Ngô Kim có đến 60% nông dân là hộ khá, giàu. Đời sống vật chất và tinh thần nâng lên, người dân xây nhà lầu, mua thêm ruộng đất, người nhiều có đến 30ha đất.

Được sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, đó là niềm tự hào trong lòng người dân Ninh Thạnh Lợi. Niềm tự hào ấy đã tiếp thêm động lực để bao thế hệ hôm nay sống, học tập, lao động xứng đáng với thế hệ cha ông!

Thanh Hải

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.