Giải “bài toán” nguồn nhân lực chất lượng cao

Thứ Sáu, 23/09/2022 | 15:44

Bài 2: Loay hoay tìm người tài cho khu vực công

>>> Bài 1: Những “điểm nghẽn” chờ được khơi thông

Khi xác định 5 trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội vào giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Bạc Liêu cũng xác định luôn khâu đột phá là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, đủ năng lực, bản lĩnh, khát vọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Để khâu đột phá này thật sự tạo nên những đột phá quan trọng, thời gian qua, Bạc Liêu đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) làm nền tảng quan trọng để thực hiện khát vọng phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lại chưa đạt được kết quả như mong muốn!

Trang bị kiến thức, phương pháp ứng dụng khoa học và công nghệ cho sinh viên Trường đại học Bạc Liêu.

Các chính sách ưu đãi chưa thẬT sự hấp dẫn

Từ đầu những năm 2000, nhận thấy tầm quan trọng của NNLCLC đối với một tỉnh còn đang khó khăn với xuất phát điểm yếu, nguồn lực hạn chế, Bạc Liêu đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi, thu hút nhằm đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân lực nhưng thực tế cho thấy hiệu quả chưa cao. Sau chủ trương đưa sinh viên tốt nghiệp đại học về cơ sở, rồi trải thảm đỏ mời nhân tài về công tác ở một số lĩnh vực, năm 2018 tỉnh đã bổ sung chính sách thu hút đối với sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước các ngành Y, Dược, Trồng trọt, Thủy lợi, Nuôi trồng thủy sản, Chế biến thủy sản và một số ngành khác theo nhu cầu của tỉnh; người có trình độ thạc sĩ các ngành Nông nghiệp, Thủy sản; người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa cấp 2 chuyên ngành Y học. Theo đó, ngoài chính sách trợ cấp một lần và nhà công vụ, những trường hợp được tuyển dụng đều được bổ nhiệm ngạch chuyên viên và được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương được hưởng hiện tại.

Mặc dù vậy, NNLCLC của tỉnh vẫn luôn ở trong tình trạng “cung không đủ cầu”. Đơn cử như ngành Giáo dục và Y tế thời gian qua vẫn không đủ biên chế để tinh giản theo chủ trương của Trung ương, số lượng biên chế “trống” chủ yếu dành để thu hút NNLCLC cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Đại học Bạc Liêu. Và những khoảng trống trên vẫn chưa thể lấp đầy, trong đó có nguyên nhân được cho là do chính sách thu hút vẫn chưa hấp dẫn bằng một số địa phương khác; một số người sau một thời gian công tác cũng đã hủy “hợp đồng ưu đãi” của tỉnh với lý do khó có cơ hội phát triển, thăng tiến!

Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), tỉnh luôn thiếu những cánh chim đầu đàn để thực hiện những công trình nghiên cứu lớn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đánh giá của Sở GD-KH&CN Bạc Liêu, việc kết nối trong hoạt động chuyển giao KH&CN, cơ chế chính sách đãi ngộ chuyên gia đầu ngành về địa phương công tác nhằm phục vụ phát triển kinh tế biển chưa tốt, chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn vốn đầu tư thực hiện hoạt động KH&CN hỗ trợ phát triển kinh tế biển chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế, nên nhiều tiềm năng, lợi thế vẫn bỏ ngỏ. Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều cũng đã từng nhận định: Bất cập trong việc chưa thể khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của Bạc Liêu trong phát triển kinh tế biển, năng lượng sạch là ngoài nguồn lực đầu tư khiêm tốn, Bạc Liêu còn vấp phải trở lực về sự hẫng hụt NNLCLC nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu KH&CN tiên tiến.

Nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển hiện nay hầu hết là lao động phổ thông. Ảnh: H.T

Hướng mở ở nguồn nhân lực tại chỗ

Với thực tế rất khó thu hút NNLCLC, nhất là ở một số lĩnh vực cần chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, điều đáng ghi nhận là trước khi giải được bài toán thu hút nhân tài, Bạc Liêu đã cố gắng giải bài toán nguồn nhân lực tại chỗ. Đơn cử như với TX. Giá Rai đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề riêng “Về nâng cao chất lượng và phát triển nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý của thị xã đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. Theo đó, thị xã chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), trong đó ưu tiên một số lĩnh vực: nông nghiệp, môi trường, cán bộ quy hoạch, nhân lực hoạch định và quản lý tài chính… TX. Giá Rai cũng đã đưa ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025 có 20% cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ (BTV) Thị ủy quản lý được đào tạo về trình độ sau đại học; 100% CBCCVC cấp thị xã và xã, phường có trình độ đại học; đào tạo trình độ văn bằng 2 cho 100% cán bộ cấp trưởng, phó của phòng ban chuyên môn thuộc UBND thị xã…

Cũng xác định công tác cán bộ là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, bên cạnh việc tuyển chọn người tài, đào tạo, nâng cao trình độ CBCCVC thì TP. Bạc Liêu đồng thời chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân CBCCVC và tạo động lực để họ phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ, từ năm 2018 đến nay, BTV Thành ủy đã điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, chỉ định trên 90 trường hợp, trong đó chỉ 6 tháng đầu năm 2022 cũng đã triển khai luân chuyển, bổ nhiệm 25 trường hợp. Tất cả sự luân chuyển, sắp xếp của thành phố đều hướng đến mục tiêu: cán bộ ở vị trí nào cũng phải “đúng vai, thuộc bài”, thật sự chuyên nghiệp, làm tốt nhiệm vụ được giao, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Đặc biệt, thời gian tới thành phố sẽ thí điểm chủ trương thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng; người đứng đầu lựa chọn cán bộ quy hoạch để thực hiện quy trình bổ nhiệm cấp phó của mình, bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên BTV và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình.

Dù rất quan tâm với nhiều giải pháp thiết thực trong công tác phát triển nguồn nhân lực, nhưng trên thực tế là các địa phương hiện mới chú trọng đến đội ngũ cán bộ quản lý trong các cơ quan hành chính. Trong khi đối với cán bộ khoa học - kỹ thuật, vốn cần những cơ chế đặc thù riêng thì vẫn chưa có nhiều giải pháp và chính sách cụ thể để phát triển.

Quả thật, NNLCLC ở khu vực công hiện càng trở thành bài toán hóc búa hơn khi thực trạng mà Bộ Nội vụ vừa “báo động” tình trạng CBCCVC nghỉ việc, thôi việc với rất nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan: trình độ nghiệp vụ không phù hợp với nhiệm vụ được giao; cơ hội phát triển, thăng tiến chưa công bằng; môi trường làm việc áp lực trong khi thu nhập chưa thỏa đáng, thậm chí thấp hơn nhiều so với khu vực tư; chính sách thu hút, trọng dụng chưa hấp dẫn… Trong quá trình phát triển, Bạc Liêu cũng sẽ không phải là trường hợp ngoại lệ về thực trạng này nếu không có những giải pháp đòi hỏi cả tâm lẫn tầm!

Hoàng Uyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.