Giảm nghèo và bài toán bền vững

Thứ Tư, 16/05/2018 | 16:42

Khi đặt mục tiêu giảm từ trên 8% xuống còn 4% hộ nghèo trong năm 2018, Bạc Liêu cũng xác định rõ đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nửa nhiệm kỳ Đại hội XV (2015 - 2020) của Đảng bộ tỉnh đã trôi qua, những gì thuận lợi và dễ làm đều đã được tận dụng cho việc giảm hộ nghèo nhiều nhất trong khả năng có thể. Khoảng thời gian còn lại, sẽ là những thách thức không hề nhỏ cho ý chí và quyết tâm của các cấp, các ngành và cả người dân khi bắt tay vào việc đưa cuộc sống người nghèo vượt qua khó khăn, bắt kịp nhịp phát triển chung của xã hội…

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung phát biểu tại buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH về công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm.

Bấp bênh thoát nghèo!

Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng của anh Nguyễn Chí Thanh (ấp 17, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) là nơi trú ngụ của 8 thành viên trong gia đình. Vợ chồng anh Thanh cùng 4 đứa con, thêm người con rể và đứa cháu còn đang ẵm ngửa loay hoay trong căn nhà chật hẹp với vài vật dụng cơ bản. Ngoài ra, gia đình còn có một ao vuông cằn cỗi nhưng đã cho người khác thuê lấy vài triệu đồng mỗi năm.

Khi chúng tôi đến khảo sát để trao phương tiện cho hộ nghèo, những đứa con anh Thanh rảnh rỗi với vài công việc lặt vặt trong nhà, xung quanh chẳng có cây trái, vật nuôi hay mô hình sản xuất nào tiếp sức cho. Vợ chồng anh Thanh cùng người con rể đi làm phụ hồ ngoài TP. Bạc Liêu, và đó dường như là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả nhà. Bí thư Chi bộ ấp 17 - Phạm Văn Dũng tính toán dùm chủ hộ: “Có thể dùng tiền đỡ đầu để nuôi gà chứ không thể thả tôm đâu”, bởi cái ao vuông cằn cỗi chuẩn bị được người thuê trả về cho chủ đất, nhưng tiền đâu để cải tạo và thả giống thì vợ chồng anh Thanh vẫn chưa thể tính được.

Chỉ tiêu của xã Vĩnh Hậu A trong năm 2018 là đưa 100 hộ nghèo vượt qua cảnh khó và không còn nằm trong danh sách hộ nghèo. Trong đó, ấp 17 phải giảm trên 30 hộ nghèo, chiếm gần 30% tổng số hộ nghèo cần phải giảm trong toàn xã. Phần lớn những hộ nghèo của ấp 17 có chung một đặc điểm là trắng tay từ con tôm. Vị Trưởng ấp 17 phân tích cho chúng tôi thấy, “tất cả chi phí trong gia đình đều phụ thuộc vào con tôm. Khi nuôi tôm có lời thì sống cũng tốt, nhưng chỉ cần một vụ thất bát là coi như cả nhà lâm nợ. Mà mấy vụ tôm gần đây đều thất hết!”. Ở vùng chuyên canh tôm như ấp 17, việc nuôi tôm với nhiều hộ không khác gì… đánh bạc, một vài lần thắng nhưng sau đó là thua liên tiếp đến mất trắng cả vốn lẫn lời. Diện tích nuôi nhỏ, vốn đầu tư nuôi tôm công nghiệp lại không nhỏ, mô hình nuôi thì không hiệu quả, càng nuôi lại càng thất bại, “canh bạc” của những hộ nghèo luôn nắm chắc phần thua. Không ít hộ sau nhiều vụ nuôi thất bại liên tiếp đã cho thuê hoặc bán đất rồi đi làm thuê nơi khác! Cứ thế mà luẩn quẩn không thoát được nghèo!

Phó Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi - Trương Văn Nhớ tặng quà hộ nghèo thị trấn Châu Hưng. Ảnh: M.Đ

Cần hướng đi bền vững

Huyện Hòa Bình là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ hai trong tỉnh. Để giảm được gần 1.200 hộ nghèo theo chỉ tiêu được giao, huyện nâng con số cần giảm lên đến 1.500 hộ để giao các xã, thị trấn nhằm “trừ hao” cho các địa phương không thể hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Với không ít địa phương, đây là việc cần làm nhằm đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch. Ngay cả ở ấp 17, chỉ tiêu giảm trên 30 hộ nghèo được bí thư chi bộ lẫn trưởng ấp tính toán và khẳng định rằng, sẽ không thể thực hiện nổi. Lý do là ngoài những hộ đã chọn kỹ để các ngành tỉnh, huyện về đỡ đầu, hỗ trợ, số còn lại gần như không có điều kiện gì để có thể thoát nghèo ngay trong năm nay. Thậm chí với những hộ được nhận đỡ đầu từ tháng 4, đến tháng 12 đã hoàn thành mục tiêu ra khỏi danh sách hộ nghèo cũng là một cố gắng rất lớn!

Phải thừa nhận rằng, trong các năm qua đã có không ít giải pháp giúp đỡ hộ nghèo, nhất là sau khi hộ nghèo được xét theo tiêu chí đa chiều mới thì giải pháp thêm đa dạng và sát với thực tiễn hộ nghèo hơn, từ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều so với đầu nhiệm kỳ. Tuy nhiên, bỏ qua những bất cập trong công tác bình xét hộ nghèo và thoát nghèo, những chính sách giảm nghèo chưa phát huy hết hiệu quả, công tác đào tạo nghề chưa đúng trọng tâm... thì cần phải nhìn nhận vấn đề căn bản trong công tác giảm nghèo hiện nay là các mô hình giảm nghèo chưa giải quyết được tận gốc của cái nghèo. Việc đưa vốn thông qua các chương trình cho vay, phong trào cơ quan, đơn vị đỡ đầu hộ nghèo chỉ kích thích phần nào những hộ gần đủ điều kiện thoát nghèo, như một “cú hích” nhẹ nhàng cho họ thoát nghèo theo... chỉ tiêu đề ra. Vấn đề là sau đó, không ít hộ trong số đó đã tái nghèo, thậm chí là tình nguyện tái nghèo để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Việc thoát nghèo với họ là bấp bênh và họ không đủ can đảm để “đánh cược” với sự bấp bênh đó, trong khi sự hỗ trợ từ địa phương, các nhà từ thiện là một điểm tựa quan trọng trong cuộc sống lắm vất vả. Vì vậy, chỉ khi nào hộ nghèo có một công việc thật sự ổn định, một hướng đi vững chắc mà không bấp bênh, thì họ sẽ nỗ lực không ngừng cho việc kiếm tiền, nâng cao đời sống.

Anh Lương Văn Hợp (cùng ngụ ấp 17) - một hộ nghèo khác có vẻ như đã tìm ra một hướng đi cho mình khi cho đứa con trai lớn đi học nghề tại Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu. Đứa con gái nhỏ cũng đang cố gắng học hết phổ thông trước khi tìm học một nghề thích hợp. Ly nông bất ly hương, một hướng đi không mới nhưng luôn phù hợp với người nông dân trong thời kỳ tái cơ cấu nền nông nghiệp. Đa phần hộ nghèo hiện tập trung ở vùng nông thôn, trong khi sản xuất nông nghiệp thời đại 4.0 sẽ dần thu hẹp chỗ đứng của những hộ sản xuất nhỏ lẻ, diện tích đất ít, vốn và khoa học - kỹ thuật không cao. Tích tụ ruộng đất đang là xu hướng phổ biến, hướng đến tái cơ cấu nông nghiệp. Vì vậy, hộ nghèo ở ấp 17 hay ở bất kỳ nơi đâu trong tỉnh không thể cứ chơi mãi "canh bạc" sản xuất nông nghiệp với miếng đất cằn cỗi, ít ỏi mà phải tìm ra được lối thoát ngoài nông nghiệp. Đó cũng chính là phương hướng giảm nghèo bền vững mà trách nhiệm đi tìm lời giải cần phải có sự tham gia tích cực của ngành chức năng cùng chính quyền cơ sở.

Thanh Lâm

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.