Học Bác để trở thành nhà báo chân chính

Thứ Tư, 19/06/2019 | 15:54

Theo Hồ Chí Minh, đã hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực báo chí thì phải phấn đấu trở thành một nhà báo chân chính. Nhà báo chân chính, trước hết phải là một công dân “yêu độc lập, lao động, Tổ quốc”…

Bác Hồ nói chuyện với các nhà báo (tháng 9/1960). Ảnh: T.L

Như lời Bác, nhà báo phải biết yêu điều thiện, ghét điều ác, đấu tranh vì độc lập, yêu lao động để đóng góp với nhân dân làm cho đất nước “mở mặt” với năm châu… Người làm báo “phải có trách nhiệm mở tai, mở mắt” giúp nhân dân, tức là cùng Đảng, Chính phủ giúp dân biết đọc con chữ, thêm hiểu biết không chỉ chuyện trong địa phương, trong đất nước mà còn cả thông tin ngoài nước.

Ngược lại với nhà báo chân chính là người cũng được cấp thẻ nhà báo, thẻ hội viên Hội Nhà báo, cũng hoạt động như một phóng viên nhưng lại ít viết bài, ít có chính kiến, thích làm “quan báo”, lợi dụng nghề nghiệp để tư lợi cá nhân, nhóm lợi ích.

Làm được một nhà báo chân chính, đích thực thật sự vinh dự, song không dễ. Trước hết phải có quan điểm, lập trường vì dân, vì nước, có như vậy mới biết mình cầm ngòi bút viết cái gì, viết cho ai, viết vì mục đích gì và viết ra sao. Rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng để giữ “ngòi bút thẳng”, không bị sức ép của ai, của thế lực nào, chỉ cốt đưa lại lợi ích vì dân, vì nước, vì danh dự của nhà báo. “Làm báo là làm chính trị bằng nghiệp vụ”, do vậy, cần nêu cao lý tưởng cách mạng, có tinh thần xông xáo, không lánh nặng, tìm nhẹ, trí óc sáng suốt, bình tĩnh, tay nghề phải luôn rèn luyện. Để có được những điều đó thì không gì khác là phải học, không chỉ học ở trường lớp, mà nên xác định học suốt đời, học từ đồng nghiệp, nguồn tin đến học ở người dân, cập nhật cách viết, cách làm báo cho hợp thời, cho đến học ngoại ngữ, kể cả học lời ăn tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số để có thêm cơ hội mở cánh cửa văn hóa của dân tộc, tộc người khác, cũng là tự mở rộng con đường hội nhập cho chính mình.

Thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chi ủy Chi bộ và Ban Biên tập Báo Bạc Liêu đề ra hướng đi nghiệp vụ: Nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; và mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên phải quán triệt tư tưởng “Báo chí cách mạng phải có tính chiến đấu, tính giáo dục và tính quần chúng. Báo chí là công cụ đấu tranh giai cấp, là vũ khí đấu tranh cách mạng”. Phương châm mà tòa soạn chọn: “Nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm” là phong cách làm báo có từ mấy chục năm trước, khi trình độ dân trí còn thấp, công nghệ làm báo chưa tân tiến; đến bây giờ là thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, người dân đã có hiểu biết cao mà vẫn phù hợp.

Trong tiến trình hoạt động nghề nghiệp, phóng viên chúng tôi thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ với nhân dân. Nhân dân vừa là đối tượng tác nghiệp của người làm báo, đồng thời là công chúng mục tiêu của tờ báo. Chúng tôi cũng từ nhân dân mà ra nên khi đi đến ấp, khóm trao đổi thông tin, lấy ý kiến, xác minh sự vụ; hay khi tiếp bà con tại tòa soạn, chúng tôi thấy rất gần gũi, như gặp người thân của mình. Và ngược lại, nhiều bà con cũng quý mến chúng tôi. Đó là thái độ trọng dân. Trọng dân mới học hỏi được nhiều điều từ nhân dân và được nhân dân tin yêu, giúp đỡ.

Chúng tôi tự hào vì Báo Bạc Liêu luôn quán triệt tinh thần đó và đã làm được nhiều việc như thế bằng cái tâm, nghiệp vụ của mình và uy tín của tòa soạn, vị thế xã hội của mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên. Viết bài hướng dẫn nông dân cách sản xuất, phòng bệnh cho lúa, phương pháp nuôi tôm hiệu quả cao, đến giải quyết đơn thư yêu cầu của bà con một cách thấu đáo, đúng quy định. Thấy hoàn cảnh thương tâm, hay trường hợp học trò nghèo hiếu học, Báo Bạc Liêu lại ra sức kêu gọi cộng đồng tương trợ, có khi trực tiếp cưu mang, hỗ trợ. Chúng tôi dốc lòng làm việc có ích cho xã hội không vì tấm giấy khen hay sự mang ơn, mà với mong muốn nhận lại nụ cười hạnh phúc.

Không có danh hiệu “ưu tú” hay “nhân dân” như nghề thầy giáo, thầy thuốc…, nhưng với người làm báo như chúng tôi vinh dự cao cả, niềm vui lớn nhất là được bạn đọc, khán giả, thính giả yêu quý, tin tưởng vì đã có “những đứa con tinh thần” “vì lợi ích đất nước, vì hạnh phúc nhân dân”. Hành trình theo đuổi nghề nghiệp đã, đang và dự báo sẽ còn lắm thách thức, nhưng không vì thế mà chúng tôi chùn chân, lùi bước, hay rẽ hướng!

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.