Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII): Tạo lập chính sách bảo hiểm xã hội công bằng, bền vững

Thứ Sáu, 11/05/2018 | 16:09

Chiều 10/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thảo luận về Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (gọi tắt là đề án). Các đại biểu nhất trí về tầm quan trọng phải mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội (BHXH), đồng thời đóng góp nhiều ý kiến về việc thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với cả nam và nữ, hay việc điều chỉnh linh hoạt thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Tất cả những nội dung ấy đều nhằm mục tiêu cân đối thu - chi quỹ BHXH, để có chính sách BHXH công bằng, phát triển bền vững.

TIẾN TỚI BHXH TOÀN DÂN

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc phát triển và thực hiện chính sách BHXH bảo đảm an sinh xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững. Thực hiện BHXH toàn dân là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Để tăng diện bao phủ, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân, cần bám vào 3 nguyên tắc trong thiết kế BHXH là công bằng, đóng - hưởng và chia sẻ. Từ đó, thiết kế lại hệ thống BHXH theo hướng chuyển từ đơn tầng sang đa tầng - gồm tầng hưu trí xã hội, tầng hưu trí bảo hiểm cơ bản và tầng hưu trí bổ sung.

Tầng hưu trí xã hội bản chất là nhóm đối tượng được chuyển từ lực lượng đang hưởng bảo trợ xã hội ở độ tuổi 80 trở lên. Hiện có khoảng 1,6 triệu người từ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp mỗi tháng 270.000 đồng từ ngân sách Nhà nước. Tùy tình hình cụ thể, khi kinh tế phát triển, Nhà nước có thể giảm dần độ tuổi hỗ trợ xuống 75, 70 hoặc 65 để tăng dần số người được hỗ trợ để hưởng hưu trí xã hội.

Tầng hưu trí bảo hiểm cơ bản gồm bộ phận đóng BHXH bắt buộc và bộ phận đóng BHXH tự nguyện. Hiện nay, nước ta có hơn 50 triệu lao động. Tuy nhiên, số lao động tham gia BHXH hiện mới chỉ đạt 13,9 triệu, còn hơn 34 triệu người lao động chưa tham gia BHXH. Số người đóng BHXH tự nguyện cũng mới chỉ đạt 222.000 người. Các đại biểu cho rằng, đây là một nhược điểm trong thực hiện chính sách BHXH ở Việt Nam hiện nay, bởi khu vực lao động phi chính thức và lao động nông nghiệp còn rất lớn nhưng chưa thu hút được họ tham gia BHXH.

Tầng hưu trí bổ sung thật ra là dịch vụ dành cho người lao động có thu nhập cao muốn đóng thêm bên cạnh mức đóng BHXH cơ bản để sau này được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Về bản chất, thiết kế BHXH đa tầng như dự thảo đề án thật ra nhằm căn chỉnh lại, tăng cường kết nối giữa BHXH với bảo trợ xã hội và kết nối giữa các loại bảo hiểm ngắn hạn với nhau trên tinh thần 3 nguyên tắc: Công bằng, đóng - hưởng và chia sẻ. Một số ý kiến cho rằng, cải cách BHXH phải gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Muốn phát triển BHXH thì cần chú ý tạo điều kiện phát triển kinh tế, nhất là phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần nghị quyết của Đảng. Việt Nam hiện có khoảng 15,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Đây là khu vực cần tập trung để phát triển lực lượng tham gia BHXH.

Đại biểu thảo luận Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh: N.D

THỜI GIAN ĐÓNG BHXH BAO LÂU LÀ HỢP LÝ?

Cho ý kiến về đề xuất điều chỉnh thời gian đóng BHXH linh hoạt, tăng tính hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia BHXH nhiều hơn, Phó Chủ tịch Quốc hội - Phùng Quốc Hiển đề nghị không nên giảm quá sâu như đóng BHXH 10 năm đã có thể hưởng lương hưu. Việc hạ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống 15 năm đã là một bước đột phá, nếu giảm sâu xuống tới 10 năm thì có thể làm mất cân đối thu - chi quỹ BHXH. Bởi thời gian hưởng lương hưu bình quân hiện nay ở Việt Nam là khoảng 22 năm, trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam sẽ còn tăng nữa.

Giải thích về điều này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - Đào Ngọc Dung nói, thực tế có rất nhiều trường hợp người lao động không thể theo đuổi đủ 20 năm đóng BHXH. Có những trường hợp đóng BHXH được tới 15 năm, nhưng không theo được nữa nên phải rút ra. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, thường họ quy định thời gian tối thiểu đóng BHXH để được hưởng lương hưu là từ 10 - 15 năm. Đương nhiên, khi thời gian đóng BHXH ngắn thì người tham gia BHXH cũng được hưởng mức lương hưu tương xứng với thời gian và khoản tiền đã đóng, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng.

Cùng với việc đề xuất điều chỉnh linh hoạt thời gian đóng BHXH, các đại biểu cũng đề nghị phải xem xét, điều chỉnh chính sách rút BHXH một lần. Theo thống kê, sau khi triển khai thực hiện chính sách cho phép người tham gia BHXH được rút BHXH một lần, mỗi năm, số người rút BHXH một lần khoảng 600.000 người. Trong khi đó, lực lượng tham gia BHXH tăng thêm mỗi năm là 700.000 người. Như vậy, số lượng người bắt đầu tham gia BHXH và số lượng người rút BHXH một lần gần tương đương nhau.

Có ý kiến đề nghị tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để giảm dần tình trạng rút BHXH một lần. Cụ thể, một số nước chỉ cho phép người tham gia BHXH rút một lần số tiền BHXH mà người đó đã đóng góp, phần hỗ trợ của người sử dụng lao động (trong đó có Nhà nước) được giữ lại để chia sẻ cho người khác qua việc phát triển quỹ BHXH. Ở Việt Nam, theo quy định hiện hành, người lao động chỉ phải đóng BHXH với tỷ lệ 8%, người sử dụng lao động đóng 16%. Nếu để người lao động rút BHXH một lần toàn bộ 24% là không hợp lý.

CÓ LỘ TRÌNH NÂNG TUỔI NGHỈ HƯU

Dự thảo đề án đưa ra lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu đối với nam là 62 tuổi, nữ là 60 tuổi. Theo giải thích của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, việc điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu là xu thế chung của thế giới nhằm đối phó với tình trạng già hóa dân số, sự biến đổi của thị trường lao động, bảo đảm bình đẳng giới và nhằm mục tiêu cân đối quỹ BHXH trong dài hạn. Theo tính toán, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2026 và trở thành một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Nếu không hành động mau lẹ thì gánh nặng an sinh xã hội sẽ phải chuyển cho các thế hệ con cháu gánh vác. Theo lộ trình mà đề án đưa ra, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu sẽ bắt đầu được thực hiện từ năm 2021. 20 năm sau, vào năm 2041, tuổi nghỉ hưu của phụ nữ sẽ hoàn thiện là 60. Ở nam giới, thời gian để hoàn thiện chính sách nâng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 là 8 năm. Nghĩa là đến năm 2029, nam giới sẽ nghỉ hưu ở độ tuổi 62.

Tổng Kiểm toán Nhà nước - Hồ Đức Phớc nêu ví dụ thực tế từ các nước Mỹ, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan về độ tuổi nghỉ hưu với cả nam và nữ, từ đó đề nghị áp dụng tuổi nghỉ hưu chung mà nước ta nên áp dụng với nam là 62 tuổi, nữ là 58 tuổi, tùy điều kiện, lĩnh vực mà tuổi nghỉ hưu có thể được điều chỉnh thấp hơn hoặc cao hơn.     

NGUYỄN CHIẾN THẮNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.