Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác phụ nữ

Thứ Ba, 23/07/2019 | 09:04

Thời gian qua, nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về công tác phụ nữ, bình đẳng giới được nâng lên đáng kể, từ đó có những chỉ đạo, giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn trong công tác phụ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, so với mục tiêu Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 21 của Ban Bí thư thì vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục. Đặc biệt, quyết tâm chính trị về công tác phụ nữ của người đứng đầu ở một số nơi, đơn vị, địa phương vẫn chưa cao, ảnh hưởng đến cơ hội học tập, cống hiến của phụ nữ trên các lĩnh vực; tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND vẫn không đạt.

Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Hồng Dân. Ảnh: T.T

ĐBSCL ở tốp thấp về công tác phụ nữ

Thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và Chỉ thị 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, các tỉnh ủy, thành ủy khu vực ĐBSCL đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và nhân dân về vai trò, vị thế của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới; quan tâm chỉ đạo lồng ghép các chỉ tiêu về bình đẳng giới và công tác phụ nữ vào các chương trình, kế hoạch của địa phương. Các chính sách dành cho phụ nữ được cụ thể hóa thông qua việc xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, chương trình như: phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em gái (tỉnh Vĩnh Long, An Giang); nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nữ (tỉnh Vĩnh Long, Kiên Giang); hỗ trợ phụ nữ kết hôn với người nước ngoài và con lai trở về địa phương (TP. Cần Thơ); hỗ trợ cán bộ nữ đi đào tạo, bồi dưỡng (tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre)…

Tuy nhiên, Hội LHPN Việt Nam cũng chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện Chỉ thị 21 ở ĐBSCL như: Chất lượng nguồn nhân lực nữ trong khu vực vẫn còn thấp, tỷ lệ nữ thiếu việc làm cao nhất cả nước; tỷ lệ phụ nữ di cư, kết hôn với người nước ngoài nhiều, dẫn đến các hệ lụy liên quan tương đối phức tạp. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu công tác phụ nữ trong tình hình mới; tỷ lệ phụ nữ tham gia vào cấp ủy ở 3 cấp: xã, huyện, tỉnh đều còn rất thấp. Cụ thể là 9/13 tỉnh, thành phố ở khu vực ĐBSCL chưa đạt tỷ lệ 15% và 7/13 tỉnh dưới mức bình quân chung của cả nước, xấp xỉ dưới 10%. Đặc biệt, không có tỉnh, thành nào trong khu vực đủ 100% xã, phường có nữ Ủy viên Ban Thường vụ (BTV); chỉ có 3/13 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp xã mức bình quân của cả nước.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu

Thời gian qua, Bạc Liêu đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường công tác phụ nữ trong tình hình mới. Công tác cán bộ nữ được Tỉnh ủy và các cấp ủy, các ngành chú trọng thực hiện, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã có nhiều đổi mới trong hoạt động. Đội ngũ cán bộ nữ được quan tâm xây dựng, củng cố, bố trí, sử dụng phù hợp, có bước phát triển đáng kể và trưởng thành về nhiều mặt.

Cụ thể, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh có 6 đồng chí nữ, chiếm 13,63%; trong đó, BTV, Thường trực Tỉnh ủy có 1 đồng chí; HĐND tỉnh có 12 đại biểu nữ, chiếm 25%. Trưởng, phó các sở, ban ngành và tương đương có 20 nữ, chiếm 12,82%. Đặc biệt, theo quy hoạch của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 thì BCH Đảng bộ tỉnh tỷ lệ cán bộ nữ chiếm 23,23%; BTV Tỉnh ủy chiếm 20%; trưởng, phó các sở, ban ngành và tương đương chiếm 22,44%. Tương tự, ở cấp huyện, xã thì tỷ lệ cán bộ nữ được cơ cấu, quy hoạch cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng sẽ được nâng lên đáng kể.

Tuy đã có những chuyển biến tích cực của các cấp ủy, chính quyền và xã hội về nâng cao vị thế, vai trò, công tác phụ nữ và bình đẳng giới, nhưng Bạc Liêu nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung vẫn nằm trong khu vực tốp thấp của cả nước trong công tác phụ nữ ở các mặt như: chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực nữ thấp, tỷ lệ thiếu việc làm cao nhất nước; tỷ lệ nữ HĐND ở cả 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) thấp nhất cả nước; nguồn nhân sự nữ đương nhiệm còn đủ tuổi tái cử thấp; thậm chí nguồn quy hoạch nhân sự mới, cơ hội tham gia chưa rõ.

Tại buổi sơ kết Chỉ thị 21 của Ban Bí thư gắn với thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ khu vực ĐBSCL tổ chức tại Bạc Liêu, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương yêu cầu các địa phương phải tập trung lãnh đạo quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đảm bảo đạt, vượt chỉ tiêu cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong BTV các cấp. Đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 21 và các chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ. Các tỉnh, thành ủy cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ nữ trong quy hoạch, xây dựng chiến lược đào tạo cán bộ nữ gắn với quy hoạch cán bộ. Các cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải nâng cao trách nhiệm và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phụ nữ.

Hoàng Uyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.