Nhiều đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Hai, 22/07/2019 | 16:03

Hơn 150 đại biểu là những tấm gương điển hình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội sẽ mang đến cho Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Hòa Bình lần thứ III (nhiệm kỳ 2019 - 2024) một nguồn cổ vũ lớn lao để cùng Đảng bộ và chính quyền vững tin bước tiếp trên con đường xây dựng quê hương Hòa Bình ngày càng giàu đẹp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam tặng học bổng cho sinh viên Khmer huyện Hòa Bình vì có thành tích xuất sắc trong học tập. Ảnh: H.T

TĂNG CƯỜNG ĐOÀN KẾT CÁC DÂN TỘC

Trong niềm vui thắm tình đoàn kết, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, Trưởng Ban tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS huyện lần thứ III (nhiệm kỳ 2019 - 2024), khẳng định: “Đại hội đại biểu các DTTS huyện Hòa Bình là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng trong toàn Đảng bộ, có ý nghĩa lớn đối với việc thực hiện các vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc trong suốt quá trình cách mạng của Đảng. Đại hội có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ ghi nhận, biểu dương những đóng góp của đồng bào các dân tộc, mà còn là dịp để cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp đánh giá công tác dân tộc trong từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng, nhằm tạo sự nhất trí cao để cùng nhau thực hiện mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân mong đợi: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Huyện Hòa Bình có nhiều thành phần dân tộc như: Kinh, Khmer, Hoa, Tày, Nùng, Mường… sinh sống đan xen với nhau. Trong đó, dân tộc Khmer chiếm 12,73% dân số của huyện với gần 14.000 người. Kế đến là dân tộc Hoa có 135 hộ với 600 người, chiếm 0,55%. Các dân tộc khác có 12 hộ với 54 người.

Toàn huyện có 18 vị là người có uy tín trong đồng bào DTTS được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, có 17 vị dân tộc Khmer, 1 vị dân tộc Hoa.

Đồng bào DTTS huyện Hòa Bình có truyền thống đoàn kết gắn bó, thương yêu giúp đỡ nhau trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, khắc phục thiên tai cũng như xây dựng quê hương giàu đẹp. Mỗi dân tộc có một sắc thái riêng tạo nên sự đa dạng, phong phú trong nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

ĐỔI THAY TOÀN DIỆN VÙNG DTTS

Nhiệm kỳ 2014 - 2019, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, huyện đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất. Thông qua việc triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đời sống đồng bào các DTTS đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã hình thành và phát triển, có không ít hộ DTTS ham học hỏi, sáng tạo, chí thú làm ăn được tuyên dương.

Đến nay, 100% xã, thị trấn trong huyện có đường ô tô đến trung tâm xã; 99,7% hộ gia đình được dùng điện lưới quốc gia; 100% xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; tỷ lệ hộ gia đình được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99%. Toàn huyện có 18 ấp đặc biệt khó khăn được cấp miễn phí thẻ BHYT.

Với các ngày tết, lễ hội của đồng bào Khmer luôn được cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp quan tâm thăm hỏi, tặng quà, chúc mừng cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để việc tổ chức được thành công tốt đẹp. Cơ sở thờ tự cũng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để trùng tu, sửa chữa; lò hỏa táng, đường lộ cũng được hỗ trợ xây dựng, đáp ứng yêu cầu của đồng bào phật tử đặt ra.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền còn thường xuyên tuyên truyền trong đồng bào DTTS, góp phần nâng cao nhận thức, cảnh giác, chủ động đấu tranh chống lại âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch.

Đại hội đại biểu các DTTS huyện Hòa Bình lần thứ III (nhiệm kỳ 2019 - 2024) là dịp đặc biệt để kết nối đồng bào các DTTS đoàn kết cùng chung tay vì sự phát triển bền vững của huyện. Với truyền thống đoàn kết, đồng bào các dân tộc trong huyện sẽ vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi chương trình hành động của đại hội, góp phần tích cực xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển giàu mạnh.

TẤN ĐẠT

 Tiếng nói từ cơ sở

Thượng tọa Dương Lượng, Trụ trì chùa Đìa Chuối: Ra sức giữ gìn phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Khmer

Với vai trò trụ trì ngôi chùa phật giáo Nam tông Khmer, bản thân tôi luôn thực hiện tốt trách nhiệm của mình, chăm lo, trùng tu xây dựng ngôi chùa ngày càng khang trang, giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Khmer.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, tôi nhận thấy tình đoàn kết giữa các dân tộc trong huyện Hòa Bình luôn được phát huy, làm cho đồng bào dân tộc Khmer chúng tôi thấy được trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng địa phương.

Đa số các vị chức sắc, tín đồ các tôn giáo đều phấn khởi, yên tâm tu hành, làm tốt nghĩa vụ công dân. Hầu hết các chức sắc, tín đồ tôn giáo đều tích cực tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo, các phong trào thi đua yêu nước. Mối quan hệ đoàn kết giữa đạo và đời ngày càng được phát huy hơn.

Tự hào chùa Đìa Chuối được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, đồng bào dân tộc Khmer chúng tôi sẽ đoàn kết cùng các tầng lớp nhân dân trong huyện thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; đề cao cảnh giác cách mạng, không để kẻ xấu phá hoại, gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ông Trương Khiêm, đại diện cộng đồng người Hoa huyện Hòa Bình: Đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế

Tôi rất vinh dự và tự hào khi được thay mặt 600 người Hoa trong huyện tham dự và phát biểu tại đại hội lần này.

Là công dân Việt Nam, đồng bào Hoa chúng tôi sẽ thực hiện tốt hơn nữa nghĩa vụ công dân của mình, đóng góp công sức cùng các dân tộc anh em xây dựng huyện Hòa Bình ngày phát triển, tiến bộ hơn. Đồng thời, vận động cộng đồng người Hoa chấp hành tốt hơn nữa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, tô điểm thêm bản sắc văn hóa của đại gia đình dân tộc Việt Nam.

Điều làm cho đồng bào người Hoa tự hào, phấn khởi là ngôi Thành hoàng Cổ miếu - nơi tôn kính, tâm linh của người Hoa thời gian qua được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh và luôn có sự quan tâm của các cấp, các ngành trong tổ chức các hoạt động. Sự bảo tồn và phát huy di tích này là niềm cổ vũ rất lớn cho đồng bào người Hoa về tinh thần, làm cho cộng đồng người Hoa thấy được trách nhiệm của mình hơn, để cùng ra sức xây dựng huyện Hòa Bình ngày càng giàu mạnh hơn.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.