Tập trung huy động nguồn lực và đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ 2015 - 2020

Thứ Hai, 24/09/2018 | 17:26

LTS: Đến nay, các địa phương đã hoàn thành hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2015 - 2020. Những kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ ở các địa phương vào năm 2020. Song, cũng cần nhìn nhận lại những khó khăn, thách thức và có ngay các giải pháp với một tư duy mới cùng quyết tâm cao độ. Bởi Bạc Liêu đã chuyển sang một giai đoạn mới và không dừng ở mức tăng trưởng đã đặt ra vào đầu nhiệm kỳ, mà phải tăng trưởng nhanh, tăng trưởng bền vững để không bị tụt hậu. Do vậy, sự tăng trưởng kinh tế ở các địa phương với chức năng là các vệ tinh sẽ góp phần tạo nên những động lực quan trọng để Bạc Liêu bứt phá vào năm 2020.

>>Công tác giảm nghèo: Đâu là thách thức?

Tập trung huy động nguồn lực và đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất

Qua phân tích số liệu và tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội từ các địa phương trong nửa nhiệm kỳ cho thấy, đến nay nhiều địa phương vẫn chưa tạo được những đột phá lớn. Đây thật sự là những khó khăn và phải “chạy nước rút” khi thời gian cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng và hoàn thành các chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ không còn nhiều.

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung kiểm tra tình hình sản xuất ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: M.Đ

YẾU VÀ THIẾU VỀ NGUỒN LỰC

Một trong những khó khăn, bất cập trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội ở các địa phương chính là khó thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển. Nhiều địa phương trong nửa nhiệm kỳ qua không thu hút thêm các dự án động lực nào, nhiều dự án sau khi khởi công nhanh chóng bị bỏ hoang, tiến độ thi công các công trình, dự án không đạt mục tiêu đề ra do thiếu vốn, năng lực của nhà đầu tư hạn chế và một số dự án bị thanh tra, khiếu kiện… Đồng thời, việc thành lập và phát triển thêm đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân gần như dậm chân tại chỗ. Đơn cử như huyện Hồng Dân, từ năm 2015 - 2018, toàn huyện chỉ có 27 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đến nửa nhiệm kỳ lên 78 và tổng thu ngân sách từ các doanh nghiệp chỉ hơn 3,5 tỷ đồng/năm.

Thiếu vai trò của doanh nghiệp nên các địa phương không tạo được nguồn lực để đầu tư khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế vốn có và chưa tạo nên những đột phá mới trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Thu nhập của người nông dân tuy có tăng nhưng chưa nhiều, thiếu bền vững và còn lệ thuộc vào yếu tố may rủi trong sản xuất nông nghiệp…

Vì thế, một trong những nhiệm vụ, mục tiêu từ nay đến cuối nhiệm kỳ cần được các địa phương quan tâm thực hiện là tập trung huy động mọi nguồn lực và phát triển thêm các doanh nghiệp, nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu thành lập mới 500 doanh nghiệp trong năm 2018 và đến năm 2020 toàn tỉnh có 1.655 doanh nghiệp. Bởi hiện nay, số doanh nghiệp được thành lập mới khá thấp, với tốc độ tăng bình quân khoảng 21%/năm và Bạc Liêu đến nay có đến 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, làm tốt công tác phối kết hợp trong việc triển khai thực hiện các dự án động lực đã được ký kết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, khởi công xây dựng và giải ngân các nguồn vốn đầu tư, góp phần cho tăng trưởng GDP trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

TẬP TRUNG TÁI CƠ CẤU

Với thế mạnh kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nên một trong những nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến cuối nhiệm kỳ cần được các địa phương nỗ lực và quyết tâm cao là tập trung thực hiện tái cơ cấu. Trong đó, các địa phương cần đánh giá, phân tích lại mô hình tăng trưởng của địa phương mình, có giải pháp, mục tiêu cụ thể và tránh những giải pháp chung chung, hay sao chép giải pháp từ các văn bản chỉ đạo của ngành quản lý và UBND tỉnh. Vì các giải pháp đó chỉ mang tính định hướng, còn phát triển kinh tế của địa phương thì cần những giải pháp cụ thể gắn với thực tiễn. Chẳng hạn như: huyện Vĩnh Lợi ngoài phát triển cây lúa với sản phẩm chính là gạo Tài nguyên thì cần làm gì?; hoặc huyện Hồng Dân có nhất thiết phải sản xuất gạo Một bụi đỏ? Vì hai giống lúa này đã có thương hiệu từ lâu nhưng nông dân lại không thể làm giàu!? Rồi mô hình sản xuất nào sẽ phải sống chung với cây lúa? Qua đó giúp cây lúa phát huy giá trị trong điều kiện không thể chuyển đổi đất trồng lúa và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hay huyện Hòa Bình chọn nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là khâu đột phá, thì cần làm gì để mô hình này lan tỏa nhanh, giúp người dân tiếp cận và có điều kiện áp dụng trên đồng đất của mình?...

Nêu và phản ánh thực trạng trên để thấy rằng, các địa phương cần tập trung làm tốt công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, mà trọng tâm là thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu sản xuất, vì trong các giải pháp được các địa phương đưa ra từ nay đến cuối nhiệm kỳ còn chung chung lắm. Cho nên các địa phương cần lựa chọn đâu là trọng tâm, trọng điểm để dồn sức và quyết tâm đột phá.

Thực tiễn đã chứng minh, không làm tốt tái cơ cấu sản xuất sẽ chẳng giúp cho các tiềm năng, thế mạnh được phát huy, đồng thời không tranh thủ được các nguồn lực đầu tư và cả các chính sách hỗ trợ khác. Như huyện Đông Hải, trong phát triển kinh tế biển đáng lẽ ra phải được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ Nghị định 67/2014/NĐ-CP, nhưng gần 5 năm thực hiện Nghị định này, cả huyện chỉ có 7 phương tiện được đóng mới và 11 hộ được nhận hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho phương tiện dịch vụ hậu cần theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP!?

Nguyên nhân cơ bản khiến nhiều ngư dân của huyện Đông Hải không tiếp cận được chính sách ưu đãi này là vì phần lớn hành nghề cào đôi, cào đơn mà nghề cào lại bị xem là nghề cấm, do hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Thậm chí có ngư dân đã tiếp cận được vốn 67 và đóng được tàu mới nhưng lại khai thác không hiệu quả và trở thành nợ xấu, do tập quán đánh bắt cũ là chiều dài ngư lưới cụ ngắn không phù hợp đánh bắt tầm xa trong khai thác nghề lưới rê xù…

Từ thực tế trên cho thấy, việc tổ chức và tái cơ cấu sản xuất là rất quan trọng, nhằm hướng đến sản xuất hiệu quả, bền vững và mang lại nhiều giá trị tăng thêm.

TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO

Một trong những bài học kinh nghiệm và góp phần trong thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong nửa nhiệm kỳ qua chính là các địa phương đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Sự quyết tâm đó được cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chỉ thị và kế hoạch. Trong đó, có địa phương đã lựa chọn và xác định đúng các công việc trọng tâm, trọng điểm và kịp thời đề ra các giải pháp dồn sức thực hiện. Điển hình ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phước Long đã ban hành Nghị quyết số 05 về đẩy mạnh phát triển kinh tế đến năm 2020, qua đó làm cho diện tích sản xuất lúa - tôm hiện nay đạt 12.500ha. Bên cạnh đó, ban hành Kế hoạch số 41 về xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu đến năm 2020, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hay huyện Đông Hải với việc ban hành Chỉ thị số 06/CT-HU về quy hoạch đầu tư các xã phía Đông phát triển thành vùng sản xuất tập trung nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh và các xã phía Tây là vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp theo hướng chất lượng, bền vững…

Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo vẫn còn một số địa phương chưa làm tốt. Việc thực hiện các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn chậm, thiếu những chính sách, giải pháp hợp lý và cả tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; chưa quan tâm đến việc sơ - tổng kết và đánh giá, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nên chưa tạo được những chuyển biến mới; công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa kịp thời và chưa sát với thực tiễn, còn bình quân chủ nghĩa trong việc thực hiện các chỉ tiêu…

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế hơn 7%, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải được xem là giải pháp mang tính quyết định. Qua đó, dấy lên phong trào thi đua, tạo sự đồng thuận “chung sức chung lòng” cho một Bạc Liêu phát triển nhanh, bền vững.

DŨNG - LAM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.