Những vết thương không bao giờ lành

Thứ Sáu, 07/08/2020 | 16:44

Tật nguyền và di chứng để lại trên thân thể con người - những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam và con cháu đời sau của họ - là những vết thương hậu chiến không lành theo thời gian! Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, vết thương ấy, nỗi đau gắn trên thân thể nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) vẫn còn chất chồng thành nhiều cảnh đời đau thương, gây khốn khó cho hàng triệu con người Việt Nam.

Bà Võ Thị Hồng Thoại, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh thăm hỏi và tặng quà NNCĐDC tại huyện Đông Hải. Ảnh: P.X

NHỮNG SỐ PHẬN DA CAM

Đã nhiều năm rồi, hễ cứ đến dịp họp mặt, trao quà cho gia đình NNCĐDC thì buổi họp mặt của huyện Vĩnh Lợi luôn có đại diện hộ ông Ngô Văn Dẫu (ấp Thông Lưu B, thị trấn Châu Hưng). Thế nhưng năm nay lại vắng mặt hộ này! Bà Mai Thị Rách (vợ ông Dẫu) năm nay đau yếu nên không thể đến được! Trong ngôi nhà đặc biệt ấy, bà Mai Thị Rách là lao động chính, thế mà giờ đây ở ngưỡng cửa “thất thập cổ lai hy”, bà phải tuân theo quy luật của tạo hóa. Mà làm sao bà có thể khỏe như một người cao tuổi bình thường khác, bởi mấy chục năm qua đã gồng gánh chăm nom cho một gia đình mà chồng - con - cháu đều là NNCĐDC! 7/13 thành viên trong nhà ấy có sổ trợ cấp của Nhà nước dành cho NNCĐDC. Những thanh niên lực lưỡng trong nhà mang “gương mặt cười” cứ trút nỗi lo dài theo năm tháng lên người mẹ của các anh - người phụ nữ bất hạnh, khốn khó như chính cái tên của bà - Mai Thị Rách!

Bà La Thị Đẹp, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã quen thuộc với từng số phận da cam khắp nơi trong tỉnh. Đối với hộ ông Ngô Văn Dẫu, nỗi trăn trở lớn nhất hiện nay của chị Đẹp là khi bà Rách không còn trụ nổi ở gia đình da cam 3 thế hệ ấy, họ sẽ ra sao? “Có thể phải tính đến cách đưa họ vào Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh”. Ông Dẫu tuy không thương tật nhưng chất độc da cam khiến ông ngu ngơ, không có khả năng chăm lo cho bản thân mình chứ đừng nói đến lo cho con, cháu. Trợ cấp của Nhà nước chỉ có thể lấp vá phần nào những khó khăn về vật chất, còn người chăm lo mọi mặt là bà Mai Thị Rách giờ đây đã như “đèn treo trước gió”...

Chú Đoàn Thanh Trà (khóm 1, phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai) năm nay cũng không tới họp mặt để nhận quà. Hai chân của chú ngày một yếu dần, đi lại rất khó khăn. Tham gia Tiểu đoàn U Minh 2 (tỉnh Cà Mau) năm 1972, chú cũng như bao đồng đội khác cứ hăng say chiến đấu quên mình, đâu hay rằng thương tật không do súng đạn gây ra mà do thứ chất độc hủy diệt thấm dần vào cơ thể. Đứa con gái thứ ba của chú cũng mang trong người di chứng đó, đôi chân thương tật không đi lại bình thường được. Chú Trà mất sức lao động hơn 20 năm qua, mọi việc lớn nhỏ đều do người vợ Nguyễn Thị Đức đảm đang, căn nhà hiện giờ cũng do Nhà nước hỗ trợ một phần.

Nỗi đau da cam không chỉ có giọt nước mắt khóc cho hình hài không lành lặn của con, cháu mình, mà lâu dần, còn đọng thành những tiếng thở dài và in hằn trong đôi mắt, quyện thành nếp nhăn trên mặt của những người phụ nữ! Sinh một đứa con, điều đầu tiên người mẹ nguyện cầu là thân thể con mình được lành lặn. Thế mà, có những người phụ nữ, hết lần này đến lần khác, họ chứng kiến những thiên thần của mình mang cơ thể dị dạng, co quắp, teo tóp khi vừa lọt lòng! Tại sao những gia đình NNCĐDC thường sinh đông con? Vì, chính là họ luôn nuôi niềm hy vọng về những đứa con lành lặn, bình thường. Thế nhưng, di chứng tàn khốc của da cam/dioxin đã dập tắt những niềm hy vọng đó. Không chỉ những đứa con thế hệ thứ hai, mà ở nhiều trường hợp, cả những đứa cháu thuộc thế hệ thứ ba vẫn chịu di chứng để lại...

Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh và chính quyền địa phương đến thăm hỏi ông Đoàn Thanh Trà, một NNCĐDC ở khóm 1 (phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai). Ảnh: C.T

CẦN LẮM SỰ SAN SẺ

Theo thống kê, quân đội Mỹ đã gieo rắc khoảng 700.000 lít chất độc hóa học (trong đó hơn 60% là chất độc da cam/dioxin) trên dọc dài mảnh đất Bạc Liêu. Những nạn nhân trực tiếp mang “chứng bệnh” không có thuốc đặc trị này lại tiếp tục truyền cho thế hệ tiếp nối. NNCĐDC thuộc thế hệ thứ hai là những người trong độ tuổi lao động nhưng đều phải nhận trợ cấp, chăm lo từ xã hội. Rồi nhiều người ở thế hệ thứ ba vẫn tiếp tục chịu di chứng, dù không dị dạng về hình hài nhưng họ không có thể chất của những người bình thường. Trong khi, chính sách trợ cấp hiện hành thì chưa đủ cưu mang cho thế hệ thứ ba!

Việc chăm lo cho NNCĐDC sẽ san sẻ phần nào những khốn khó, bất hạnh của họ, đồng thời còn có ý nghĩa đấu tranh tạo thế và lực mới đòi lại công lý, đòi những quyền lợi phải được hưởng của những con người “khổ nhất trong những người đau khổ, nghèo nhất trong những người nghèo” này. Kỷ niệm 59 năm thảm họa da cam Việt Nam, Bạc Liêu tổ chức nhiều đoàn thăm, tặng quà và bàn giao “Mái ấm da cam” cho gia đình NNCĐDC trên phạm vi toàn tỉnh. Từ nguồn hỗ trợ thường xuyên của Trung ương Hội và nguồn vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong tỉnh, Hội bàn giao 17 “Mái ấm da cam” (mỗi căn trị giá 50 triệu đồng), tặng 520 suất quà (mỗi suất trị giá 400.000 đồng tiền mặt).

Đã có đúc kết rằng: NNCĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo và là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ! Có tận mắt chứng kiến những mảnh đời da cam mới thấy sự nghèo khó, nỗi khổ ấy thương tâm đến chừng nào! Chiến tranh đã đi qua mấy mươi năm, nhưng một ngày mới tươi sáng dường như chưa bao giờ có được ở những nơi nỗi đau da cam vẫn đang hoành hành trên thân xác bao con người. Với những số phận đang gánh vết thương chiến tranh không lành theo thời gian ấy, rất cần nhiều hơn nữa sự chung tay sẻ chia của toàn xã hội, để xoa dịu phần nào nỗi đau khổ triền miên, dai dẳng cùng năm tháng.

CẨM THÚY

Những con số lịch sử về thảm họa da cam ở Việt Nam

Kể từ ngày đầu tiên (10/8/1961), trong 10 năm (đến năm 1971), theo thống kê, quân đội Mỹ đã tiến hành hơn 19.900 phi vụ. Những cuộc thí nghiệm tàn khốc trên chiến trường Việt Nam đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa chất, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366kg dioxin. Những đợt phun rải ấy đã gieo rắc tang thương xuống gần 26.000 thôn bản, với diện tích hơn 3,06 triệu héc-ta, trong đó 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích phun rải trên 10 lần.

Gần 25% tổng diện tích miền Nam Việt Nam, bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng thấp ven biển đến vùng đồi núi cao thuộc 5 vùng sinh thái: Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ, Tây nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đều bị ảnh hưởng.

Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Một thống kê gần đây cho biết, 22% số gia đình nạn nhân có từ 3 nạn nhân trở lên, 70% số gia đình nạn nhân thuộc diện đói và nghèo, 90% nạn nhân không có chuyên môn, nghề nghiệp.

Ở Bạc Liêu, theo ước tính có trên 10.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó khoảng 6.000 người là NNCĐDC, 3.000 người rơi vào hoàn cảnh có khăn do mất khả năng lao động (trên 50% trong số này thuộc thế hệ thứ hai). Bạc Liêu hiện mới có 2.009 NNCĐDC được hưởng chính sách trợ cấp của Nhà nước (trong đó, hơn 900 người trực tiếp tham gia chiến đấu ở những vùng Mỹ sử dụng chất độc hóa học và hơn 1.000 người là con đẻ của họ).

NHẬT QUỲNH (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.