Thắt chặt hơn nữa khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện

Thứ Hai, 22/07/2019 | 16:26

Sáng nay, 23/7/2019, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Đông Hải lần thứ II, nhiệm kỳ 2019 - 2024 chính thức khai mạc trong niềm hân hoan, phấn khởi của hơn 5.500 người DTTS đang sinh sống, lao động và học tập trên địa bàn huyện. Là huyện ven biển, Đông Hải là vùng đất hội tụ của nhiều dòng văn hóa với 10 thành phần dân tộc cùng thi đua cống hiến vì sự phát triển của quê hương. 

Lãnh đạo Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh, huyện Đông Hải và mạnh thường quân bàn giao nhà tình thương cho đồng bào DTTS xã Điền Hải. Ảnh: T.Đ

CHUNG SỨC XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG

Với đặc thù là huyện ven biển, có chiều dài bờ biển 23km, trong số 11 đơn vị hành chính cấp xã thì huyện Đông Hải có đến 8 xã thuộc vùng khó khăn theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 4 xã bãi ngang ven biển. Chính vì thế, Đông Hải được Chính phủ quan tâm toàn diện bằng hệ thống các chính sách đặc thù.

Trong tổng dân số gần 34.000 hộ với gần 150.000 nhân khẩu trên địa bàn huyện, DTTS chiếm 3,7% với 1.587 hộ, 5.526 người. Trong đó, nhiều nhất là dân tộc Khmer với 1.495 hộ, 5.249 người, chiếm 3,5% dân số của huyện, 95% trong tổng số người DTTS. Dân tộc Hoa có 83 hộ, 255 người, chiếm 4,58% trong tổng số người DTTS. Các dân tộc khác, gồm: Thượng, Chăm, Thái, Mường, Dao, Nùng, Êđê có tổng cộng 10 hộ, 23 người. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, vùng đất Đông Hải vẫn ngày càng trù phú do phù sa bồi lấn ra biển và hơn hết là nhờ sự “chung sức, đồng lòng” dựng xây quê hương của đồng bào các dân tộc anh em.

Cuối năm 2018, thu nhập bình quân của huyện Đông Hải là 46,7 triệu đồng/người/năm, riêng thu nhập bình quân của người DTTS đạt 37 triệu đồng/người/năm. Đồng bào các DTTS của huyện sinh sống đan xen với người Kinh, phần lớn bà con Khmer cư trú tập trung ở xã Long Điền, nghề nghiệp chính là nuôi trồng thủy sản; các dân tộc còn lại mua bán nhỏ, đời sống tương đối ổn định. Đa số đồng bào DTTS tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hăng hái tham gia các phong trào hành động cách mạng của địa phương, nhất là phong trào học tập, thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, An sinh xã hội để giúp nhau cùng phát triển. Các hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo vệ trật tự an toàn xóm ấp, khu dân cư cũng được đồng bào các DTTS tích cực thực hiện.

CHĂM LO TOÀN DIỆN

Ông Tô Minh Đương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, Trưởng Ban tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS huyện lần thứ II (nhiệm kỳ 2019 - 2024), cho biết: “Cùng với ý chí tự lực, tự cường, sự nỗ lực vươn lên của chính mình thì trong mọi giai đoạn cách mạng, đồng bào các DTTS của huyện luôn đón nhận đầy đủ và kịp thời các chủ trương, chính sách mang tính đặc thù của Đảng và Nhà nước”.

Với tổng vốn được phân bổ gần 22 tỷ đồng, Chương trình 135 giai đoạn III đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ nghèo, nhất là hộ nghèo DTTS trong huyện. Các cấp, các ngành đã tập trung nhiều giải pháp cho công tác giảm nghèo với nhiều mô hình thiết thực như: trao phương tiện, hỗ trợ vốn, cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, hỗ trợ cây - con giống, nhà ở, hướng dẫn cách thức làm ăn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… Do biết phát huy các nguồn vốn đầu tư và nội lực nên công tác giảm nghèo ở huyện đạt hiệu quả khá. Nếu như năm 2016, huyện có 573 hộ nghèo DTTS thì cuối năm 2018 giảm còn 337 hộ. Nhiều hộ DTTS đã ý thức phấn đấu, chịu khó lao động sản xuất, có ý chí tự vươn lên, quyết tâm thoát nghèo, sử dụng hiệu quả những ưu đãi do chính sách mang lại.

Giai đoạn 2016 - 2018, huyện có 51 hộ DTTS được hỗ trợ xây nhà theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, huyện được Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh vận động cất tặng 11 căn nhà tình thương cho hộ đặc biệt khó khăn về nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ 363 triệu đồng. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ mua bồn chứa nước cho hộ nghèo DTTS ở xã đặc biệt khó khăn với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Từ năm 2014 - 2019, ở 8 xã thuộc vùng khó khăn, bãi ngang ven biển, UBND huyện đã phân bổ kinh phí gần 9,3 tỷ đồng để thực hiện các chính sách xã hội.  Thực hiện Quyết định 29 của Thủ tướng Chính phủ, có 195 hộ DTTS của huyện được vay 1,5 tỷ đồng giải quyết việc làm, 12 hộ vay chuộc đất sản xuất với số tiền 330 triệu đồng; 92 hộ được vay phát triển sản xuất gần 750 triệu đồng với lãi suất 0%.

Các chính sách ấy đã giúp đồng bào DTTS có đất sản xuất, có thêm vốn để phát triển kinh tế gia đình, sản xuất - kinh doanh, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, tạo sự phấn khởi trong đồng bào các DTTS, đặc biệt là đồng bào Khmer. Qua đó, thắt chặt hơn nữa khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện, tạo sự tin tưởng của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước, cũng như sự lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng chung sức xây dựng quê hương Đông Hải ngày càng phát triển.

TẤN ĐẠT

Mục tiêu cụ thể đến năm 2024

Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội địa bàn vùng DTTS; hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS 3%; 100% hộ DTTS được sử dụng điện, sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, được hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giải quyết cơ bản tình trạng không có đất ở, xóa nhà ở tạm bợ.

Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đồng bộ. Theo đó, 100% tuyến đường xóm liền xóm; tăng cường phát triển giáo dục, nâng cao dân trí vùng đồng bào DTTS; 100% cán bộ vùng DTTS được đào tạo, trong đó 90% có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; củng cố vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS...

Tiếng nói từ cơ sở

Ông Danh Tình, người có uy tín xã Long Điền: “Tôi sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết, mình hiểu”

Bằng uy tín của mình cùng với kinh nghiệm thực tế, trong đối nhân xử thế, tôi sẵn sàng chia sẻ với bà con những gì mình biết, mình hiểu vào bất cứ thời gian nào. Từ đó, tôi thuyết phục thấu tình, đạt lý, hòa giải thành công nhiều vụ việc trong cộng đồng, không để xảy ra “điểm nóng”, góp phần ổn định an ninh chính trị trên địa bàn. Đồng thời bản thân và gia đình tôi có nhiều đóng góp tích cực như: hưởng ứng phong trào “xanh, sạch, đẹp” xóm ấp, gương mẫu trong sinh hoạt và giáo dục con cái, vận động bà con chấp hành, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân.

Cô Trịnh Thị Cẩm Vân, giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh, xã An Phúc: Đồng bào các DTTS là máu thịt của dân tộc Việt Nam

Đồng bào các DTTS là máu thịt của dân tộc Việt Nam, bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, vì thế tôi luôn giáo dục các thế hệ học sinh của trường kề vai sát cánh cùng các dân tộc anh em trong chế ngự thiên nhiên, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Máu xương của những người con đất Việt đã hòa vào đất Mẹ, thành những viên gạch bằng vàng, xây dựng nên thành đồng Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, không một thế lực nào và dù xảo quyệt đến đâu cũng không thể chia rẽ được khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

T.Đ (lược ghi)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.