Kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

​Nặng nghĩa mâm cơm ngày giỗ Bác mùng 2/9

Thứ Sáu, 01/09/2017 | 16:40

Tờ mờ sáng 2/9, bà Năm Nghếl (ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) đã rục rịch thức dậy, thay bộ đồ bà ba đen, tất tả lên Đền thờ Bác cách nhà chừng cây số để thắp nhang. Tiếp sau đó, bà Năm Nghếl ghé chợ để mua thịt, cá, trái cây… chuẩn bị tươm tất mâm cơm đặt lên bàn thờ ở giữa nhà.

Không chỉ ở nhà bà Năm Nghếl mà tại nhà bà Tư Đầm, ông Ba Phước… (cùng ngụ ấp Bà Chăng A), nhiều mâm cơm cũng được đặt lên bàn thờ trong ngày giỗ Bác. “Mời Bác về ăn cơm”, tiếng lầm rầm khấn vái nhẹ nhàng trong hương trầm của nén nhang thơm. Ngoài vườn mấy cây bưởi, cây vú sữa khẽ rung rinh cành lá, đong đưa mấy giọt nắng vàng rớt xuống sân phơi. Mùi lúa chín ở đám ruộng cặp theo con lộ nông thôn mới dịu dàng theo gió về nhà. Cuộc sống thanh bình hiện hữu rõ nét hơn bao giờ hết ở vùng quê này.

Người dân thờ cúng Bác Hồ tại gia đình. Ảnh: X.T

Đưa Bác về miền Nam

Ở xã Châu Thới có Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được dựng từ những ngày chiến tranh, ngay khi miền Nam hay tin Bác mất, giữa vòng vây kiểm soát chặt chẽ của kẻ thù. Đền thờ là trái tim của Châu Thới, là địa chỉ đỏ vang tiếng xa gần, điểm hẹn của cán bộ và nhân dân trong các ngày lễ lớn. Nhưng về Châu Thới dịp Quốc khánh và tưởng nhớ ngày mất của Bác (2/9) hàng năm còn có những mâm cơm cúng Bác ở nhiều ngôi nhà trong xã - nét riêng có của vùng đất giàu truyền thống này.

Năm 1969, khi ấy bà Năm Nghếl đang tham gia Hội Phụ nữ xã, là một trong những nhân chứng và tham gia vào việc xây Đền thờ Bác. Trong trí nhớ của bà má quê chân chất này, những chi tiết như Đền thờ Bác đầu tiên được lập ở nhà một người dân, sau đó dời đến đất của một ngôi chùa; rồi mấy bận bà phải giả đò đi chợ, đi bán cà rem để giấu ít cát, nước sơn, gạch… dưới xuồng, mang về xây đền thờ đều còn nguyên vẹn. Sau ngày độc lập, việc nước, việc nhà, không phải ai ngày nào cũng lên Đền thờ được, nên bà Nghếl cũng như nhiều gia đình lập bàn thờ Bác tại nhà để tiện việc thắp nhang bởi “Bác Hồ cũng như cha mẹ, không có Bác làm gì có ngày độc lập”. Bàn thờ được đặt chính giữa nhà, bên cạnh bàn thờ ông bà. Theo tập tục thờ cúng tổ tiên, người Việt sẽ thắp nhang mỗi ngày trên bàn thờ gia tiên. Bàn thờ Bác ở các gia đình cũng chưa bao giờ một ngày lạnh lẽo hương khói.

Và cũng theo truyền thống ông bà để lại, người dân Châu Thới đều làm mâm cơm, mời vong linh Bác về trong ngày mất hàng năm. Những mâm cơm bình dị nhưng vẫn đúng theo tập tục văn hóa Nam bộ. Cũng chỉ là mấy món mà mấy cô, mấy má hay nấu trong những ngày cúng cơm ông bà, như: thịt kho hột vịt, khổ qua hầm, hủ tiếu xào, thêm mấy thứ hoa quả “cây nhà lá vườn”, vậy mà ấm cúng lắm, một mâm cơm với đầy ắp nghĩa tình của quê hương xứ sở.

Có năm ngày cúng cơm được tổ chức lớn, có bà con hàng xóm đến phụ. Có năm, có nhà, gia đình neo người, chỉ làm gọn gàng rồi tập hợp con cháu lại ăn bữa cơm, nhưng những nhà đã đặt bàn thờ Bác thì chưa bao giờ bỏ quên ngày giỗ một lần nào. Bà Nguyễn Thị Huệ (còn gọi là Tư Huệ, ấp Trà Hất) cũng đặt bàn thờ Bác trong nhà từ sau ngày giải phóng. Theo bà Tư Huệ, lúc còn sống, Bác mong được vô thăm miền Nam mà chưa kịp thực hiện, nên giải phóng rồi thì phải đưa vong linh Bác vô như mong ước của Người. Vậy là hàng năm, trên bàn thờ Bác trong ngày giỗ của Người hay tết nhất đều phải có lễ cúng là mấy sản vật của miền Nam. “Lúc sống Bác rất giản dị nên cúng cơm Bác, cô làm đơn giản thôi. Năm nay cô định nấu cháo gà, thêm món thịt kho hột vịt với món xào nữa là xong…”, bà Tư Huệ cười hiền.

Đồng chí Nguyễn Bình Tân - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận định việc thờ cúng Bác Hồ tại gia đình thể hiện được tình cảm cao quý của người dân với Bác. Không ai bắt buộc, cũng chẳng cần cơ quan nào vận động, bàn thờ Bác trong mỗi gia đình ở xã Châu Thới luôn vững chắc vì được dựng cả trong lòng dân. Đó cũng là một hình thức tuyên truyền việc học và làm theo Bác một cách hữu hiệu, thấm sâu hơn rất nhiều so với hình thức khác. Xây dựng đạo đức không phải một sớm một chiều mà phải bắt đầu từ một nền tảng, và nền tảng đó luôn cần được bồi đắp để ươm ngày càng nhiều những mầm xanh đạo đức. Nền tảng ấy, đã được dựng từ những bàn thờ Bác, trong những mâm cơm cúng Bác và đang được thế hệ đi trước giữ gìn một cách trân quý để dành cho các thế hệ mai sau.

 

Bài học trên mâm cơm cúng Bác

Nhưng vượt ra ngoài ý nghĩa của niềm thương nhớ Bác, mâm cơm cúng Bác còn là cách giáo dục truyền thống cho con cháu một cách sâu sắc của người dân Châu Thới. Hàng năm, bà Tư Huệ luôn tự tay chuẩn bị mâm cơm cúng Bác rồi tập hợp con cháu sống xung quanh về để dạy con cháu biết truyền thống ông bà, để biết công ơn Bác Hồ, mấy chú, mấy bác đã hy sinh. Tuổi già sức yếu, trong mấy việc phải căn dặn con cháu cho những việc về sau, bà Tư Huệ luôn dặn con rồi mấy đứa cháu nhớ làm mâm cơm cúng Bác nếu mai đây bà về với ông bà. Đó là cách để bà dạy con phải biết giữ gìn truyền thống và sống có ích với đời. Bây giờ nhìn lại đám con cháu, bà đã có thể tự hào về sự gìn giữ này. Có người là đảng viên, có người là giáo viên, có người đi bộ đội rồi về làm nông dân, tất cả đều đang chung sức xây dựng đời sống mới bằng cả nhiệt huyết và nền tảng truyền thống của gia đình.

Ngày xưa bà Năm Nghếl tham gia xây dựng Đền thờ Bác Hồ. Bây giờ bà là thành viên của câu lạc bộ (CLB) thắp hương Đền thờ Bác. Trong CLB đó còn các cựu chiến binh, có người đã từng tham gia xây dựng Đền thờ Bác, có người chỉ là nông dân gắn bó cả đời với xứ đồng xanh nước ngọt này. Chồng bà là đảng viên cao niên trong chi bộ. Con của bà lớn lên cũng làm cán bộ lãnh đạo ở xã. Nhưng sự đóng góp cho mảnh đất quê hương của gia đình bà Năm Nghếl không chỉ tính bằng những điều đếm được như vậy. Gia đình bà cũng như gia đình bà Tư Đầm, ông Ba Phước… là những “cổ thụ” trong xóm làng, uy tín và sự gương mẫu của họ chính là một trong những “bí quyết” để Châu Thới thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khi xã được công nhận vào đầu năm 2017. Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thới - Đoàn Thanh Đoàn khẳng định: “Các cô, chú luôn góp tiếng nói khi vận động người dân trong xóm thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nhất là các tiêu chí cần sức dân”. Còn người dân trong các ấp thì luôn nghiêm chỉnh chấp hành những chủ trương của xã khi các cô, chú này đã lên tiếng. Với tôi, khi gặp bà Tư Huệ, đi đứng không còn nhanh nhẹn, vẫn ra ngồi nghiêm chỉnh cả buổi sáng trong lớp quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) của xã vì “nghe ít nghe nhiều thì phải nghe để biết chủ trương, nghị quyết của Đảng”, tôi tin khi bà ra vận động con cháu, bà con làm sạch đường làng, ngõ xóm thì lòng dân trong ấp đã hoàn toàn ủng hộ địa phương rồi!”.

Lâm Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.