Hưởng ứng kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018) và lễ hội Hoa Lư năm 2018

​Nhà nước Đại Cồ Việt - Dấu mốc lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc

Thứ Hai, 23/04/2018 | 16:14

Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư (xưa còn gọi là hội Trường Yên, hay hội Cờ Lau) diễn ra vào các ngày 6, 7, 8 tháng 3 âm lịch hàng năm tại huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Năm nay, nhân kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018), lễ hội Hoa Lư sẽ diễn ra từ ngày 24 - 27/4/2018. Đặc biệt, long trọng nhất là lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt diễn ra vào tối 24/4 tại khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

TỰ HÀO VỚI ĐẠI CỒ VIỆT

Tại hội thảo quốc gia "Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam" diễn ra ngày 12/4/2018 tại Ninh Bình, GS-TSKH Vũ Minh Giang cho rằng: “Hơn 1.000 năm dưới ách cai trị hà khắc với chính sách đồng hóa ráo riết của phong kiến phương Bắc là một thử thách hiểm nghèo của nhân dân Âu Lạc. Sau chừng ấy thời gian mà người Việt vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng và giành lại độc lập là hiện tượng hy hữu tới mức có thể coi là duy nhất trong lịch sử thế giới. Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời thật sự là một dấu mốc lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc. Với việc đặt Quốc hiệu, niên hiệu, xây dựng bộ máy hành chính thống nhất thông suốt, xác định cương thổ, phát hành tiền tệ… Đại Cồ Việt là quốc gia độc lập với đầy đủ tiêu chí sánh ngang với các quốc gia khác. Sự nghiệp “tái lập quốc” của dân tộc ta đến đây mới chính thức hoàn thành. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức to lớn”.

Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư nhìn từ trên cao. Ảnh: T.L

Nhà nước Đại Cồ Việt tồn tại 86 năm kể từ khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất vùng châu thổ phía Bắc, lên ngôi hoàng đế năm 968 cho đến tháng 10 âm lịch năm 1054 đời vua Lý Thánh Tông, đổi thành quốc hiệu Đại Việt. Như vậy, tên gọi này trải qua 8 đời vua của 3 triều Đinh, Tiền Lê, Lý. Thời kỳ Đại Cồ Việt đánh dấu lần đầu tiên sau thời kỳ Bắc thuộc, người Việt có được một quốc gia độc lập, một nhà nước phong kiến tập quyền riêng và quân đội riêng. Đại Cồ Việt được cho là quốc hiệu của Việt Nam dưới thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê và đầu thời nhà Lý, với kinh đô ban đầu đặt tại Hoa Lư, sau đó từ tháng 7 âm lịch năm 1010 dời đô về Thăng Long. Điều này có nghĩa là khi dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, nước vẫn mang quốc hiệu là Đại Cồ Việt.

Về ý nghĩa tên gọi, Đinh Tiên Hoàng muốn khẳng định nước Việt là nước lớn. Ý nghĩa này còn được thể hiện ở hai câu đối (vẫn còn trong đền vua Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư): “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo/Hoa Lư đô thị Hán Trường An”, nghĩa là: Nước Cồ Việt ngang hàng với nhà Tống đời Khai Bảo;Kinh đô Hoa Lư như Tràng An của nhà Hán. Lê Văn Siêu trong Việt Nam văn minh sử cương giải thích: “Đại Cồ Việt có nghĩa là nước Việt rộng lớn trông suốt cả bốn cõi hay tám cõi theo lối hiểu ngày xưa, ấy là cái cao vọng của người không những muốn thống trị mà còn muốn bành trướng thế lực ra tám cõi nữa”.

Chỉ tồn tại trong vòng 86 năm (968 - 1054) với hai triều đại là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và hai triều vua đầu thời Lý là Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông nhưng Nhà nước Đại Cồ Việt giữ một vai trò hết sức quan trọng là nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, thừa kế và phát triển lên một bước so với nhà nước quân chủ của nhà Ngô trước đó chưa có quốc hiệu. Đây là một quốc gia thống nhất, độc lập, có tổ chức quân đội riêng và làm chủ một giang sơn riêng, nhà nước quân chủ đầu tiên đúc tiền đồng Thái Bình hưng bảo trong lịch sử tiền tệ Việt Nam, là nhà nước quan tâm đến việc phát triển kinh tế và văn hóa… Nhà nước Đại Cồ Việt cũng là nhà nước quân chủ đầu tiên đặt quan hệ bang giao với Trung Quốc, trong lịch sử bang giao của Việt Nam. Vua Đinh Tiên Hoàng cũng là người đầu tiên thi hành những biện pháp và nghi thức ngoại giao vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn đối với đế chế Trung Hoa. Từ đó, để lại một bài học kinh nghiệm ngoại giao với đế chế khổng lồ phương Bắc là “ở trong xưng Đế, bên ngoài xưng Vương” cho các vương triều quân chủ Việt Nam sau này.

Đặc sắc lễ hội Hoa Lư - Ninh Bình. Ảnh: T.L

THIÊNG LIÊNG LỄ HỘI HOA LƯ

Chương trình nghệ thuật “Rực sáng Thiên anh hùng ca Đại Cồ Việt” diễn ra tối 24/4/2018 (được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1) sẽ tôn vinh rực rỡ một lễ hội cấp quốc gia. Lễ hội Hoa Lư là dịp tưởng niệm các vị hoàng đế, anh hùng dân tộc: Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Đây cũng là dịp để các thế hệ công dân của nước Đại Cồ Việt xưa và nước Việt Nam ngày nay cùng tiếp nối, khơi thêm dòng chảy của lịch sử cộng đồng dân tộc từ hàng ngàn năm trước với sứ mệnh: dựng nước, giữ nước, chấn hưng, phát triển và tự chủ.

Lễ hội Cố đô Hoa Lư đã được bắt đầu ngay khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, trên nền móng của cung điện Hoa Lư, hai ngôi đền thờ vua Đinh và vua Lê được tạo dựng. Để có được một hình thức lễ hội như hiện nay là cả một quá trình mà trong đó hòa quyện những sự kiện lịch sử và truyền thuyết dân gian. Hình thức của lễ hội gồm có: Lễ rước nước, Lễ dâng hương, Lễ rước lửa, Tập trận cờ lau, Tế nữ quan, Kéo chữ, múa rồng lân, thổi cơm thi và những tiết mục biểu diễn, thi đấu quen thuộc đối với nhiều lễ hội truyền thống dân gian khác.

Vào buổi sáng ngày khai hội hàng năm thường diễn ra Lễ rước nước. Cuộc rước này được chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng. Cuộc rước nước truyền thống ở lễ hội Cố đô Hoa Lư hàng năm biểu hiện mối liên hệ mật thiết, hữu cơ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cả cộng đồng, bao hàm những yếu tố: linh khí núi sông, tâm thức dân gian về cội nguồn đất nước, dân tộc theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Đã ngót 1.000 năm, kể từ khi kinh đô Hoa Lư trở thành cố đô, phong sương, hoài niệm, những âm thanh của trống hội Thăng Long vẫn luôn cộng hưởng, hùng tráng, khoan nhặt cùng tiếng trống rước nước ở Hoa Lư để hướng về cội nguồn, thêm đậm đà bản sắc dân tộc.

CẨM THÚY (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.