TIẾC THƯƠNG NGUYÊN THỦ TƯỚNG PHAN VĂN KHẢI

​Thủ tướng Phan Văn Khải và những dấu ấn trong sự nghiệp đổi mới đất nước

Thứ Hai, 19/03/2018 | 16:50

Trong thời gian giữ trọng trách Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, đồng chí Phan Văn Khải đã tiếp tục kế thừa tư duy đổi mới của người tiền nhiệm - đồng chí Võ Văn Kiệt, “kiến trúc sư” của công cuộc đổi mới.

Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, đồng chí Phan Văn Khải là một trong những người tiên phong “cởi trói” cho kinh tế tư nhân phát triển. Đây là dấu ấn đậm nét đối với nhân dân cả nước, đặc biệt là các doanh nhân Việt Nam. Đối với họ, cái tên thân thuộc - anh Sáu Khải - không chỉ là nguyên thủ quốc gia mà còn là người đồng hành với doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1999 tạo hành lang pháp lý cho kinh tế tư nhân phát triển, đặc biệt là những cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính. Chính phủ đã chủ trương bỏ “giấy phép mẹ”, “giấy phép con”, những rào cản của kinh tế tư nhân. Đồng chí Phan Văn Khải trực tiếp đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để tìm hướng giải quyết, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Nhờ những quyết sách phù hợp với quy luật kinh tế mà doanh nghiệp ổn định, phát triển, giúp nền kinh tế Việt Nam dần thoát ra khỏi khủng hoảng.

Trong quá trình thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa về ngoại giao, chủ động đưa đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng chí Phan Văn Khải là người đã có công lớn thiết lập các quan hệ ngoại giao tốt đẹp, đưa đất nước phát triển và hội nhập. Sau một năm nhậm chức, năm 1998, Thủ tướng Phan Văn Khải là người lãnh đạo cao cấp đầu tiên của Việt Nam tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Diễn đàn ngoại giao này đã thúc đẩy Việt Nam tiến tới hội nhập và hoạt động trong khối APEC. Sự kiện này đánh dấu cho quá trình thực hiện cơ chế hợp tác APEC có lợi cho đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ động hội nhập của nước ta. Qua diễn đàn và hoạt động của khối APEC, Việt Nam có cơ hội và điều kiện liên kết, thực hiện hợp tác, thương mại, đầu tư với các nước khác. Đến năm 2006, Việt Nam đăng cai tổ chức xuất sắc Hội nghị APEC, điều đó cho thấy vai trò đối ngoại quan trọng, có ý nghĩa quyết định của Thủ tướng. Một sự kiện đặc biệt quan trọng nữa là sau 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm chính thức Hoa Kỳ, với tư cách là nguyên thủ quốc gia. Chuyến thăm này đánh dấu lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ sau 30 năm kết thúc chiến tranh.

Trong bối cảnh phát triển đất nước đang cần những điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Phan Văn Khải là một trong những nhà lãnh đạo thực hiện những công trình giao thông trọng điểm gắn liền với lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước. Trong những năm đổi mới, nhận thấy cần phải phát triển giao thông nhằm phục vụ kinh tế - xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm trong ba năm liền, như: Năm 2003, cầu Thuận Phước nối liền cảng Tiên Sa và đường Nguyễn Tất Thành đến hầm Hải Vân nằm ở cửa biển Đà Nẵng được xây dựng, năm 2009, khánh thành, đưa vào sử dụng. Đến thời điểm ấy, cầu Thuận Phước là cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam, nhằm lưu thông hàng hóa từ cảng Tiên Sa đi các tỉnh phía Bắc, giảm áp lực giao thông qua cầu sông Hàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Năm 2004, cầu Cần Thơ được khởi công, là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á và thứ 7 thế giới, đến năm 2010, cầu được đưa vào sử dụng. Cầu Cần Thơ đã nối liền giao thông các tỉnh vùng Nam bộ, tạo nên sự thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2005, cầu Vĩnh Tuy tiếp tục được khởi công, nằm trên đường vành đai 2, nối với Quốc lộ 5, tạo nên mạng lưới giao thông thuận lợi của TP. Hà Nội. Đến tháng 9/2009, cầu khánh thành, đưa vào sử dụng.

Những công lao, đóng góp to lớn, đặc biệt là về tư duy lãnh đạo, quản lý và nhân cách, lẽ sống của ông luôn là tấm gương sáng, là bài học quý báu của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiến sĩ PHẠM ĐÀO THỊNH (Trường Đại học Sài Gòn)

 

Treo cờ rủ hai ngày Quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Tang lễ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ được tổ chức theo nghi thức Quốc tang, linh cữu được quàn tại Hội trường Thống Nhất, TP. HCM.

Đây là nội dung quan trọng trong Thông cáo Đặc biệt vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát ra.

Theo đó, Lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TP. HCM, bắt đầu từ 8 giờ ngày 20/3 đến hết ngày 21/3/2018.

Lễ truy điệu sẽ được tổ chức trọng thể lúc 7 giờ 30 phút ngày 22/3/2018 tại Hội trường Thống Nhất, và Lễ an táng lúc 11 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang quê nhà (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP. HCM).

Cùng thời gian này, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, cũng diễn ra Lễ viếng, Lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Các Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại TP. HCM và tại Hà Nội sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp.

Trong hai ngày Quốc tang (20 và 21/3/2018), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

Danh sách Ban Lễ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có 33 người do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.

Danh sách Ban Tổ chức lễ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải gồm 18 người cùng đại diện gia đình, do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình làm Trưởng ban.

Theo thông cáo, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã từ trần hồi 1 giờ 30 phút ngày 17/3/2018 (tức ngày 1 tháng 2 năm Mậu Tuất), tại nhà riêng xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP. HCM.

Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã có nhiều đóng góp lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải mất đi là một tổn thất đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Để tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Phan Văn Khải, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với nghi thức Quốc tang.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.