Kỷ niệm 64 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2018)

​Tình cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân

Thứ Sáu, 04/05/2018 | 16:17

Trận đại thắng của quân ta ở Điện Biên Phủ sau 55 ngày đêm chiến đấu ác liệt (từ 13/3 - 7/5/1954) đã khiến kế hoạch Nava của đế quốc Pháp và bọn can thiệp Mỹ thảm bại. Đọc lại nhật lệnh, thư và lệnh động viên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ và các chiến dịch phối hợp mùa Đông 1953 - mùa xuân 1954, chúng ta thấy Người anh cả Quân đội luôn dành tình cảm sâu sắc với tất cả cán bộ, chiến sĩ, dân công và nhân dân. Phải chăng đó là một nguyên nhân sâu xa dẫn đến thắng lợi “chấn động địa cầu” 64 năm về trước.

Tuổi trẻ Báo Bạc Liêu viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: N.Q

Quân lệnh như sơn, cấp dưới tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp trên và người ra lệnh chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Điều đó cũng thể hiện đầy đủ trong những nhật lệnh, lệnh động viên của Đại tướng, song vẫn hàm chứa biết bao tình cảm của thủ trưởng đối với cán bộ, chiến sĩ. Ngày 6/12/1953, Đại tướng ra Lệnh động viên gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ. Sau phần phổ biến 3 nhiệm vụ tiến quân vào Tây Bắc theo lệnh của Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, Đại tướng viết: “Chúng ta phải sửa đường, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, anh dũng chiến đấu, chịu đói, chịu rét, trèo đèo lội suối, đi xa vác nặng, tìm đến sào huyệt quân địch để tiêu diệt chúng, để giải phóng đồng bào ta”.

Qua đó cho thấy Đại tướng đã thấu hiểu vất vả, hiểm nguy mà người nơi tiền tuyến phải đối mặt. Sự thấu hiểu, cảm thông ấy còn thấy ở nhiều văn bản khác. Trong thư gửi lớp huấn luyện cán bộ dân công (ngày 26/3/1953), Đại tướng yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải “hết sức quan tâm đến đời sống của dân công, thường xuyên giáo dục, động viên dân công vượt mọi khó khăn…”. Không chỉ căn dặn qua thư, Đại tướng còn trực tiếp đến chiến hào nói chuyện với bộ đội pháo binh, bộ đội pháo cao xạ dịp Tết Nguyên đán năm 1954. Tại đây, một lần nữa ông yêu cầu cán bộ chỉ huy, cán bộ chính trị phải quan tâm hơn nữa vấn đề ăn uống, nghỉ ngơi của anh em. Phải cải thiện cấp dưỡng, bố trí giờ giấc sinh hoạt và làm việc cho gọn, bảo đảm anh em được ngủ. Phải tổ chức lại lán, tránh ẩm ướt, gió lạnh.

Quan tâm đến bộ đội, dân công từng miếng ăn, giấc ngủ, khi họ lập được chiến công, người đứng đầu Quân đội lại kịp thời khen thưởng, động viên. “Tôi trân trọng gửi lời khen ngợi toàn thể các cán bộ và chiến sĩ của các đơn vị, các binh chủng đã nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng và hiệp đồng chặt chẽ”, thư khen các đơn vị chiến thắng trong hai trận Him Lam và đồi Độc Lập trong 2 ngày đầu chiến dịch Điện Biên Phủ đã được mở đầu như thế. Những người tạo nên chiến thắng ấy chắc hẳn sẽ vô cùng tự hào khi Đại tướng đánh giá đây là “những trận công kiên lớn nhất trong lịch sử chiến đấu của quân ta từ trước đến nay”. Các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích chiến đấu phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ cũng nhiều lần nhận được sự khích lệ đó của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau lời biểu dương, hầu như cuối thư nào Đại tướng cũng nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ “đề phòng chủ quan khinh địch” để giữ vững tính chất người lính cách mạng thắng không kiêu, bại không nản.

Một tuần sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng có thư gửi đồng bào khu Tây Bắc: “… Cảm ơn toàn thể đồng bào đã hết sức giúp đỡ cung cấp lương thực cho bộ đội, hăng hái đi dân công, đã gửi thư, quà ủy lạo bộ đội, hết lòng chăm sóc giúp đỡ thương binh”. Đế quốc Pháp và bọn can thiệp Mỹ từng nghĩ Quân đội ta không có khả năng đánh vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bởi chúng chủ quan rằng ta không có khả năng tiếp viện. Thế mà 21 tiểu đoàn chủ lực của chúng đã bị tiêu diệt, tên Thiếu tướng Đờ Cát-xtơ-ri bị bắt sống. Dưới khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hàng chục vạn người đã tham gia các đội dân công đi hàng ngàn cây số, bảo đảm vận chuyển lương thực, đạn dược, sửa đường, săn sóc thương binh… Bà con tự nguyện góp hàng vạn tấn lúa gạo, hàng ngàn tấn thực phẩm cho bộ đội, huy động xe cộ, thuyền bè để phục vụ tiền tuyến. “Phần đóng góp của nhân dân hậu phương vào chiến thắng Điện Biên Phủ là hết sức to lớn”, đó là điều mà kẻ gây chiến tranh phi nghĩa không sao lường được.

Tình cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng thật khó diễn đạt hết, nhưng dễ dàng cảm nhận được. Sự chia sẻ, đồng cảm, lời tuyên dương, khích lệ và trân quý cống hiến, hy sinh của vị Tổng Tư lệnh Quân đội đã thúc đẩy tạo nên nguồn sức mạnh to lớn, ý chí quyết chiến quyết thắng vô song trong bộ đội và quần chúng để đưa lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên nóc hầm sở chỉ huy Đờ Cát-xtơ-ri chiều 7/5/1954.

NGUYẾN QUỐC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.