Cùng bàn luận

Hiệu quả của chính sách

Thứ Tư, 21/03/2018 | 17:44

Thời gian qua, Chính phủ rất quyết tâm trong việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Mới nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp trong năm 2018.

Nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đã nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh, loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo. Ngay từ những ngày đầu năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP theo đề nghị của Bộ Công thương, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, chiếm hơn 1/2 trong tổng số điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của bộ. Bộ Y tế đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp về thủ tục đăng ký, công bố sản phẩm, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm.

Rõ ràng, chính sách chỉ phát huy hiệu quả nếu đi vào thực tiễn và đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn đặt ra. Có doanh nghiệp đã thẳng thắn thể hiện quan điểm rằng, muốn người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ chính sách, phải giúp họ "sờ nắn" được, nghĩa là biết rõ quy định đã được sửa đổi, tạo thuận lợi hơn ở những khoản nào, điều nào cụ thể, từ đó mới có cơ sở triển khai, áp dụng.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan, rằng vẫn còn tình trạng các bộ, ngành, địa phương chỉ hô hào, cam kết cải cách hành chính nhưng thực tế chưa có giải pháp cụ thể. Còn biểu hiện hình thức trong cải cách hành chính. Ví dụ như, có những bộ, ngành, địa phương tạo ra các cổng thông tin điện tử nhưng rất ít cập nhật thông tin, hay tạo ra cổng giao tiếp thông tin với người dân nhưng ít thấy phản hồi kiến nghị người dân. Một bộ phận người dân và doanh nghiệp vẫn còn "bán tín, bán nghi" về cải cách hành chính, nên mặc dù đã có hình thức đăng ký kinh doanh trên mạng internet, nhưng có trường hợp vẫn vừa gửi hồ sơ giấy theo cách truyền thống, vừa gửi hồ sơ điện tử "cho chắc ăn", như thế là lại mất thời gian gấp đôi… 

Muốn hạn chế tình trạng trên, cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc thay đổi nhận thức, phải gắn trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi trong từng lĩnh vực. Các bộ, ngành, địa phương phải thật sự đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, quan sát các chính sách khi đi vào cuộc sống, lắng nghe để kịp thời tháo gỡ các khó khăn. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát cần được đặc biệt coi trọng. Có như vậy thì các chủ trương, chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi mới có hiệu quả trên thực tế, chứ không chỉ là những lời tuyên bố hay, những số liệu đẹp.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.