Cùng bàn luận

Không đánh đổi

Thứ Tư, 20/09/2017 | 15:06

Những cơn bão, dù không muốn, vẫn cứ hình thành, vẫn đổ bộ vào đất liền với mức độ nguy hiểm ngày càng cao, sự tàn phá ngày càng dữ dội. Chống bão là nhiệm vụ nhưng cũng là hành động tự vệ của con người trước thiên tai.

Khai thác tài nguyên, lấy hết “của để dành” từ thiên nhiên để phục vụ nhu cầu vật chất cho đời sống hiện đại, con người cũng đã lường trước được sự giận dữ của thiên nhiên. Nhưng dù có tính toán, ước lượng chính xác đến mức nào thì trước cơn giông bão, con người vẫn luôn bé nhỏ, yếu ớt. Và việc chống bão chỉ là sự tự bảo vệ cuối cùng nhằm làm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra. Thiên nhiên không phân biệt giàu nghèo, không chia ranh giới địa lý để trừng phạt con người vì đã tàn phá hệ sinh thái, môi trường sống. Từ những nước lớn, giàu có đến những vùng đất nghèo khó quanh năm chống chọi với mưa bão như dải đất miền Trung của Việt Nam, đều phải hứng chịu những cơn bão từ mạnh, rất mạnh đến “siêu bão”. Nhưng nếu con người có ý thức rằng, trước khi dồn sức chống bão thì hãy mạnh mẽ chống lại những hành vi phá rừng, xả chất độc hại ra môi trường mà không qua xử lý, việc sử dụng những hóa chất khó phân hủy… thì những cơn siêu bão do hệ quả từ biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ ít hơn và việc chống bão đã không gian nan đến thế.

Trong mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, có những mâu thuẫn thật khó để giải quyết rốt ráo mà mâu thuẫn giữa tăng trưởng với bảo vệ môi trường là một ví dụ. Phát triển nhanh nhằm đạt mức thu nhập đầu người cao, nhanh chóng thực hiện được nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, sống hài hòa với thiên nhiên, đảm bảo sự phát triển bền vững, liệu chúng ta có thể thực hiện đồng thời hai mục tiêu ấy? Bởi cái giá tức thời và nhãn tiền nhất cho sự phát triển “nóng” chính là sự đánh đổi của tài nguyên môi trường mà chính người dân sống gần các khu công nghiệp, các công ty, xí nghiệp luôn thấy rõ. Cho nên cân bằng lợi ích giữa hai mục tiêu này, có thể khó, nhưng buộc phải là giải pháp được lựa chọn duy nhất. Chúng ta không đánh đổi tất cả để lấy của cải vật chất cho hiện tại để rồi ngày mai và nhiều năm sau nữa phải vất vả khắc phục hậu quả thiên tai.

T.L

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.