Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri

Đóng góp Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Huy Thái: Hệ triết lý giáo dục Việt Nam cần phải phù hợp với thời cuộc

Thứ Sáu, 16/11/2018 | 16:08

Trong phiên thảo luận tổ vào ngày 8/11/2018, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đặt vấn đề cần đưa triết lý giáo dục vào Luật Giáo dục (sửa đổi). ĐBQH - Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) đã có ý kiến phát biểu tâm huyết liên quan đến vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội - Nguyễn Huy Thái phát biểu tại nghị trường liên quan đến triết lý giáo dục. Ảnh: K.K

Đất nước ta đến nay đã qua 32 năm đổi mới, sự nghiệp giáo dục và đào tạo từng bước phát triển, làm nền tảng cho việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Để giáo dục và đào tạo phát triển, Việt Nam đã có hệ triết lý giáo dục, thể hiện quan điểm, tư tưởng, đường lối phát triển giáo dục và đào tạo nhằm hoàn thành sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực, phát triển tự do và toàn diện con người, đưa đất nước ta từng bước phát triển bền vững theo định hướng đã chọn.

Đại biểu Huy Thái cho rằng, triết lý giáo dục Việt Nam trong thời kỳ đổi mới chính là đường lối coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu với sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Trong đó, con người là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội và phương châm phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, xã hội hóa, đa dạng hóa, dân chủ hóa. Bên cạnh đó là quan điểm “học suốt đời, đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển”.

Trước yêu cầu của hội nhập và phát triển, hoạt động giáo dục và đào tạo của một quốc gia phải làm sao để chuẩn bị cho công dân quốc gia mình, đặc biệt là công dân trẻ, tâm thế trở thành công dân toàn cầu nhằm đem đến cho bản thân và cho quốc gia mình một giá trị mới, đĩnh đạc bước vào sân chơi quốc tế. Do đó, hệ triết lý giáo dục đã có của Việt Nam cần thiết phải có sự điều chỉnh, bổ sung và phát biểu lại cho phù hợp với thời cuộc.

Như vậy, hệ triết lý ấy cần phải được cô đọng trong một câu triết lý, và câu triết lý này cần phải được đưa vào Luật Giáo dục (sửa đổi) mà Quốc hội đang thảo luận.

Câu triết lý giáo dục thể hiện hệ triết lý giáo dục mang tính triết lý giáo dục của Việt Nam nên chăng sẽ là một câu ngắn gọn, độ khái quát cao, mang tầm vóc của một tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt cho sự vận hành của hệ thống giáo dục Việt Nam, trong một tầm nhìn phù hợp với mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới. Câu triết lý ấy có lẽ sẽ phải mang hồn cốt thần sắc của dân tộc Việt Nam hiếu học, khát khao tri thức để hội nhập và phát triển, song vẫn thủy chung với truyền thống tôn sư trọng đạo của ông cha...

Câu đó có thể cũng sẽ cần là câu làm cho những ai liên quan và những ai quan tâm đọc lên, nghe qua và ngẫm nghiệm sẽ thấy được, cảm được và thấu hiểu được triết lý giáo dục Việt Nam. Để rồi, từ mỗi mái trường phổ thông, mỗi giảng đường đại học đến bàn ăn của mỗi gia đình; từ em học sinh, sinh viên đến giáo viên, phụ huynh và nhà quản lý... đều hiểu và lấy đó để ứng dụng vào từng tình huống cụ thể trong hoạt động giáo dục và đào tạo, chọn cho mình cách hành xử hợp lý. Chứ không phải chỉ các chuyên gia mới hiểu, càng không phải chọn tìm câu triết lý giáo dục cốt cho có, coi đó như một biểu tượng, không hoặc ít có giá trị thực tiễn.

Câu triết lý giáo dục đó, đại biểu đề nghị cần được thiết kế để trở thành một điều riêng trong Chương I của Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Đại biểu Huy Thái cho rằng, Quốc hội sửa đổi Luật Giáo dục lần này, đây chính là cơ hội để triết lý giáo dục Việt Nam được khẳng định, được chính danh. Tính triết lý giáo dục thì “ẩn” bên trong của những chế định pháp luật, còn câu triết lý giáo dục cụ thể phải được công bố bởi một điều luật riêng.

KIM PHƯỢNG (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.