Doanh Nghiệp - Doanh nhân

Hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển kinh tế sau dịch COVID-19: Không được chậm trễ

Thứ Hai, 08/06/2020 | 16:05

Một trong những giải pháp quan trọng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định cho tăng trưởng kinh tế sau dịch COVID-19 là phát huy vai trò của doanh nghiệp với chức năng là động lực của nền kinh tế. Song, muốn thực hiện có hiệu quả giải pháp này, thì việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải được xem là khâu đột phá.

Doanh nghiệp phản ánh những khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 với UBND tỉnh.

DOANH NGHIỆP THAN ĐUỐI SỨC

Tại hội nghị đối thoại và bàn giải pháp để giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (do UBND tỉnh tổ chức), phần lớn các doanh nghiệp đều than khó và cho biết đang “đuối sức” trước những tác động tiêu cực mà dịch COVID-19 gây ra, thậm chí có doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng vì thua lỗ nặng nề. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ và du lịch chịu tác động nhiều nhất.

Bà Đỗ Hồng Linh Thương - Phó Giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần du lịch Bạc Liêu cho biết: “Khi có thông tin bùng phát dịch COVID-19 thì từ tháng 1/2020 lượng khách đã giảm sâu và kéo dài cho đến nay vẫn chưa cải thiện. Công suất hoạt động của các phòng nghỉ và dịch vụ của công ty chỉ hoạt động khoảng 15%. Trong khi đó, công ty phải nuôi cả bộ máy quản lý, nhân viên và chịu thêm những khoản chi phí phát sinh tăng cao nhưng không thu lãi được, nhất là tiền thuê mặt bằng để kinh doanh”. Cùng ngành nghề hoạt động như: Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Công ty Cổ phần Ô tô Bảo Toàn (Khu du lịch Nhà Mát) cũng than vắng khách và doanh thu có thời điểm bằng 0!

Đối với các doanh nghiệp vận tải và hoạt động trong ngành Xây dựng công trình thì càng khó khăn hơn. Ông Trần Đức Trọng - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và xây dựng Đức Trọng, than: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng chục xe khách của công ty phải ngưng hoạt động, nhưng cái khó khăn nhất chính là nhiều công trình, dự án các chủ đầu tư đã nợ tiền của công ty lên đến hàng trăm tỷ đồng và đến nay vẫn chưa thanh toán. Vì vậy, để nuôi và tạo thu nhập cho gần 1.000 lao động, công ty phải vay tiền ngân hàng để trả lương cho công nhân”.

Còn trong lĩnh vực kinh doanh và nuôi trồng thủy sản, ông Cao Thành Văn, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Artemia Vĩnh Châu, cho rằng: “Chưa năm nào hoạt động sản xuất - kinh doanh của HTX lại khó như năm nay. Mặc dù Artemia nuôi phát triển tốt nhưng xuất bán không được và không biết bao giờ mới có thể xuất hàng khi nhiều đối tác đã hoãn nhập hàng không thời hạn”.

Khu ẩm thực và kinh doanh dịch vụ Khu du lịch Nhà Mát vắng khách vì ảnh hưởng dịch COVID-19. 

HỖ TRỢ QUÁ CHẬM!?

Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, từ tháng 3/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã ban hành kế hoạch để thực hiện chỉ thị này.

Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 còn quá chậm và chưa đi vào thực tiễn; vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết liệt và chưa thật sự làm tốt vai trò, chức trách được giao giữa các ngành có liên quan. Điểm lại vài chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và người lao động mới thấy hết những bất cập này. Cụ thể, trong chủ trương cho vay vốn với lãi suất bằng 0 tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho người lao động, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào của tỉnh tiếp cận được chính sách hỗ trợ này. Hay trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất), đến nay cả tỉnh chỉ có 4 doanh nghiệp được tiếp cận chính sách và chủ yếu là các trường học. Hoặc trong thực hiện chính sách về thuế, tính đến ngày 30/5/2020 toàn tỉnh chỉ có hơn 252 doanh nghiệp có giấy đề nghị gia hạn gửi đến cơ quan thuế, với số tiền thuế được gia hạn 27 tỷ 468 triệu đồng. Còn trong thực hiện các chính sách tín dụng, đến nay cũng dừng ở con số khoảng 130 khách hàng đủ điều kiện được các ngân hàng áp dụng các biện pháp hỗ trợ như: cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi suất…

Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong ảnh: Lao động sản xuất tại Công ty Nhựa Tý Liên (huyện Phước Long). Ảnh: L.D

Với những con số cụ thể trên cho thấy vì sao Bạc Liêu bị xếp vào danh sách địa phương triển khai chậm các chính sách hỗ trợ so với cả nước. Bởi với những con số một vài hoặc vài chục doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách hỗ trợ như hiện nay là quá thấp so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 1.620 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng của COVID-19 và có đến 2.512 hộ sản xuất - kinh doanh phải ngưng hoạt động. Sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó đã tác động đến thu nhập và việc làm của nhiều lao động. Theo thống kê chưa đầy đủ, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến 11.978 lao động phải ngừng việc và 58.586 lao động bị mất việc làm (trong đó: 13.978 trường hợp có hợp đồng lao động và 44.608 trường hợp không có hợp đồng lao động).

Từ thực trạng “sức khỏe” bất ổn của doanh nghiệp trong khi việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ quá chậm hiện nay đã làm cho doanh nghiệp rất bức xúc. Ông Nguyễn Chí Luận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, phản ánh: “Việc thực hiện chính sách hỗ trợ rất nhiêu khê và làm mất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Từ khi công ty nộp đơn xin hỗ trợ cho người lao động đến nay đã hơn một tháng nhưng thủ tục giải quyết vẫn chưa xong. Muốn giúp và hỗ trợ doanh nghiệp thì chính sách phải thực hiện mau chóng mới có ý nghĩa, nhất là trong lúc khó khăn; còn khi doanh nghiệp đã phục hồi thì cũng chẳng có ý nghĩa gì!?”. Còn theo bà N.T.L, Giám đốc Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu T.L (huyện Phước Long) phản ánh: “Việc thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính hiện nay chỉ mới là “khẩu hiệu” hay “trên TV”, doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất cao, không được miễn, giãm lãi suất và không được tiếp cận chính sách tín dụng mới hay nâng hạn mức tín dụng như các ngân hàng đã nói”!?

Từ thực trạng và phản ánh của cộng đồng các doanh nghiệp cho thấy, rất cần các giải pháp mang tính quyết liệt và khẩn trương hơn trong thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng và mang tính quyết định trong thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020.

LƯ TRUNG

Ông Lê Minh Chiến - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Đẩy nhanh tiến độ và kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ vi phạm

Để thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đề nghị các ngành, địa phương phải tập trung đẩy nhanh tiến độ với tinh thần trách nhiệm cao, vì sự phát triển của doanh nghiệp chính là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2020.

Các ngành, địa phương phải tích cực vào cuộc bằng việc cụ thể hóa các giải pháp và có lộ trình, thời gian cụ thể. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ phải đúng luật, đúng quy trình và đúng đối tượng. Các chính sách nào còn vướng mắc liên quan đến thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh thì các ngành, địa phương trình để UBND tỉnh xem xét giải quyết, nếu vượt quyền hạn thì UBND tỉnh sẽ trình các bộ, ngành Trung ương.

Theo đó, UBND tỉnh giao thủ trưởng các sở, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để sớm phục hồi và phát triển kinh tế; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ trì trệ, cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện, các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm. Đặc biệt, UBND tỉnh đã xây dựng đường dây nóng để xử lý ngay các trường hợp nhũng nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp. Nếu cơ quan, đơn vị, địa phương nào để xảy ra tình trạng này thì lãnh đạo đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban chỉ đạo xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh và Chủ tịch UBND tỉnh.

Ngành Thuế, ngành Lao động, ngành Bảo hiểm xã hội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu cần tích cực thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Bạc Liêu xem xét, điều chỉnh phù hợp tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện và khuyến khích các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay và đẩy mạnh hơn nữa Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp…

K.T (ghi)

Để hướng dẫn người dân và doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ, Sở Kế hoạch - Đầu tư cung cấp những thông tin cần thiết sau: 
1. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.
2. Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 6/2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
3. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.
4. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 - 6/2020.
5. Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.
6. Cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện…) trong thời gian từ ngày 1/4/2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Ngoài ra, còn có các chính sách về hỗ trợ vay vốn, miễn, giảm lãi suất có liên quan đến lĩnh vực Ngân hàng và các chính sách về hỗ trợ miễn, giảm thuế… 

K.T (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.