Báo động tình trạng sạt lở ở các tuyến kênh

Thứ Tư, 10/07/2019 | 16:46

Nếu như trước đây, tình trạng sạt lở chỉ xảy ra ở những tuyến kênh có lưu lượng dòng chảy lớn, tàu thuyền lưu thông qua lại thường xuyên, thì hiện nay, tình trạng này lại xảy ra ở cả những tuyến kênh nhỏ, kênh nội đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân…

Hiện trường vụ sạt lở nhà dân ở khu vực khóm 2 (phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai).

Trước đây, kênh Cả Vĩnh và kênh Phú Tòng - đoạn từ cống Nước Mặn và cống Cả Vĩnh đến cổng chùa Hưng Thiện (huyện Vĩnh Lợi) chỉ xuất hiện vài điểm sạt lở (dài khoảng hơn 100m) thì hiện nay, tình trạng sạt lở bờ sông ở hai tuyến kênh này là rất nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất của hàng trăm hộ dân sinh sống dọc tuyến kênh. Ghi nhận thực tế cho thấy, có những đoạn sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 3 - 4m, làm hỏng đường giao thông, tạo thành hàm ếch đe dọa trực tiếp đến tài sản và tính mạng của người dân.

Điều đáng nói là, mặc dù tình trạng sạt lở nghiêm trọng này đã diễn ra trong thời gian dài, nhưng cho đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp khắc phục, khiến người dân vô cùng lo lắng, bức xúc. Bởi ngoài việc ảnh hưởng đến đường giao thông, cầu nông thôn, tình trạng sạt lở còn gây mất đất sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân sở tại.

Từ nhiều tháng qua, gia đình bà Phạm Thị Út (ấp Nước Mặn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) luôn sống trong tâm trạng lo âu thấp thỏm, sợ căn nhà có thể đổ sập xuống sông bất cứ lúc nào. Bà Phạm Thị Út bức xúc cho biết: “Từ khi bước vào mùa mưa đến nay, sạt lở đã ăn sâu vào đất liền hơn 3m, đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhiều hộ dân sinh sống ở đây. Lo sợ ngôi nhà có thể đổ sập xuống kênh, tôi đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền xã cần có biện pháp hạn chế tàu thuyền chạy trên tuyến kênh này, cũng như có biện pháp hạn chế tình trạng sạt lở, thế nhưng thỉnh cầu này lại bị… ngó lơ”. Người dân địa phương đã đóng cừ tràm, đóng cọc xuống các điểm sạt lở; tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời vì về lâu dài không thể ngăn chặn được tình trạng sạt lở diễn ra.

Sạt lở lộ giao thông nông thôn ở tuyến kênh Phú Tòng (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: C.L

Hiện đang là cao điểm của mùa mưa nên tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra càng nhiều và ở mức đáng báo động, khiến nhiều hộ dân nơm nớp nỗi lo đất đai, nhà cửa có thể bị sập đổ, bị nước cuốn trôi bất cứ lúc nào. Mới đây, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra ở khu vực khóm 2 (phường Hộ  Phòng, TX. Giá Rai) làm 4 căn nhà bị sập và làm nứt tường, sụt lún hơn 70 căn nhà khác, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gần 380 người dân. Bà Trần Thị Nguyệt, người có nhà bị sập hoàn toàn trong vụ sạt lở mới đây, vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại: “Hôm đó đã hơn 12 giờ đêm rồi, vợ chồng tôi không ngủ được nên nằm xem tivi. Đang nằm thì nghe mái tôn trần nhà nổ “rắc rắc”, tôi bước vội ra nhà sau xem thì thấy tường nhà đã nứt toác. Tôi vội đánh thức mấy đứa nhỏ đang ngủ trong nhà và hô toáng lên nhờ hàng xóm đến phụ dọn đồ đạc ra khỏi nhà. Chỉ một lúc sau thì căn nhà đổ sập hoàn toàn xuống sông”. Phần đông những hộ có nhà bị sạt lở ở khu vực này đều có hoàn cảnh khó khăn nên mặc dù biết nguy hiểm nhưng họ vẫn đánh liều “sống chung” với tình trạng sạt lở, bởi muốn dọn đi nơi khác thì phải có tiền mua đất, cất nhà, trong khi việc lo cho cái ăn, cái mặc hàng ngày đã là chuyện quá sức với họ…

Ông Lai Thanh Ẩn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: “Để hạn chế những thiệt hại do tình trạng sạt lở gây ra, Chi cục đang phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát và cấm biển cảnh báo ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời, vận động bà con di dời đồ đạc, tài sản ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở”.

Nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài mà không có giải pháp khẩn cấp thì chẳng bao lâu nữa, những căn nhà sát mé sông sẽ bị “kéo” xuống kênh, đường giao thông bị chia cắt, hư hỏng cầu giao thông là điều không thể tránh khỏi. Mong muốn lớn nhất của bà con sống trong vùng có nguy cơ sạt lở hiện nay là các cấp chính quyền địa phương và ngành chuyên môn sớm có biện pháp hạn chế tình trạng sạt lở, cũng như bố trí khu tái định cư mới để bà con có thể yên tâm sinh sống và ổn định sản xuất.

Khôi Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.