Bảo hiểm xã hội: Trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội

Thứ Sáu, 13/07/2018 | 16:18

Một trong những chính sách góp phần thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội trong những năm qua là việc thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Tháng 5/2018, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH. Qua đó, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng và xem BHXH là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Điều trị cho bệnh nhân có thẻ BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: T.A

Với tầm quan trọng đặc biệt của chính sách BHXH tác động trực tiếp đến thực hiện chính sách an sinh, đảm bảo công bằng xã hội và phát huy tính cộng đồng, từ năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 21/NQ-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020.

Để thực hiện thắng lợi nghị quyết này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị, kế hoạch hành động và mang lại nhiều kết quả phấn khởi. Số người tham gia BHXH từ 30.427 người vào năm 2012 tăng lên 36.466 người trong năm 2017, tăng gần 20%. Riêng số người tham gia BHYT từ 428.519 người cũng đã tăng lên 746.849 người và đạt độ bao phủ BHYT hơn 83%, vượt 7,32% chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2017 do Chính phủ giao. Việc phát triển các đối tượng tham gia BHXH, BHYT đã mang lại nhiều kết quả tích cực, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, theo đánh giá của BCH Trung ương Đảng (khóa XII), việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách BHXH vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm; số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh. Cùng với đó, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục; quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn.

Bên cạnh đó, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chưa thật sự gắn với thị trường lao động, chỉ mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức (nơi người lao động dễ bị tổn thương); còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện BHTN còn nhiều điểm bất cập. Các chế độ BHXH chưa thể hiện đầy đủ các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Đó là một số cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt; năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước chưa mang lại hiệu quả cao. Tính tuân thủ pháp luật và nhận thức của một bộ phận người lao động, người sử dụng lao động về vai trò, mục đích, ý nghĩa của BHXH chưa đầy đủ. Hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách BHXH còn bất cập. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH chưa thật sự tạo được sự tin cậy để thu hút người lao động tham gia BHXH.

Từ những vấn đề trên, BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH và đề ra mục tiêu tổng quát là cải cách chính sách BHXH để BHXH thật sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.

Để hoàn thành mục tiêu này, BCH Trung ương Đảng chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách BHXH đối với bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện chính sách BHXH. Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách BHXH theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt trong phát triển đối tượng tham gia BHXH và tuân thủ các quy định của pháp luật về BHXH. Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH.

Ngọc Trung

--------------------------------------------

Các mục tiêu cụ thể

* Giai đoạn đến năm 2021

 Phấn đấu đến năm 2021 đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%.

* Giai đoạn đến năm 2025

Phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 85%.

* Giai đoạn đến năm 2030

Phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90%.

T.A (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.