Bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống

Thứ Tư, 25/12/2019 | 17:10

Bạc Liêu là tỉnh có khá nhiều làng nghề truyền thống như: đan đát, nghề rèn, dệt chiếu, nghề mộc… Làng nghề là nhân tố quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế ở các địa phương. Song, hiện nay không ít làng nghề dần bị mai một. Do đó, tỉnh cần có chính sách cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống.

Cổng chào dẫn vào làng nghề ấp Mỹ I (ảnh trên) và bà Lê Thị Thủy (ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) đan cần xé. Ảnh: C.L

LÀNG NGHỀ HOẠT ĐỘNG CẦM CHỪNG

Các làng nghề trên địa bàn tỉnh có từ lâu đời, gắn với đặc trưng từng địa phương. Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển theo cơ chế thị trường, nhiều làng nghề không bắt kịp, dần mất đi thị phần và cả sự quan tâm của người tiêu dùng. Từ đó dẫn đến việc người làm nghề chỉ làm vì “đam mê”, làm vì muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông mà không tính đến chuyện mở rộng quy mô hay cải tiến mặt hàng truyền thống để bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng. Mặt khác, việc giảm sút về quy mô hoạt động của các làng nghề là do thu nhập không cao, không còn là sự lựa chọn của phần lớn người dân nông thôn trong độ tuổi lao động.

Ông Nguyễn Văn Ơn, chủ lò rèn Chữ Y (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với nghề rèn mấy chục năm. Nghề rèn đã giúp gia đình tôi có cuộc sống ổn định. Song, bây giờ các con tôi không muốn theo nghề truyền thống nữa. Bởi, làm nghề này bỏ ra nhiều công sức nhưng thu nhập thấp lại bấp bênh. Riêng tôi vẫn cố gắng làm để giữ cái nghề mà cha ông truyền lại”.

Bên cạnh đó, sản xuất làng nghề còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vốn ít, chủ yếu là hộ gia đình. Từ đó việc đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ còn hạn chế, chất lượng sản phẩm và trình độ thẩm mỹ chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp so với các mặt hàng công nghiệp.

Bà Trần Thị Hương, làm nghề dệt chiếu (thị trấn Ngan Dừa), tâm sự: “Sản phẩm mình làm thủ công nên không nhanh bằng người ta sản xuất bằng máy móc; cả hoa văn, màu sắc cũng kém xa so với sản phẩm làm bằng máy. Do vậy, sản phẩm mình làm ra khó tiêu thụ và chỉ bán được cho những mối quen”.

CẦN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY LÀNG NGHỀ

Về định hướng xây dựng và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Văn Thới, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết: “Sắp tới, UBND huyện sẽ nắm lại cụ thể số hộ còn làm các nghề truyền thống để có hướng hỗ trợ trong sản xuất cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời UBND huyện định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với việc tham quan các làng nghề truyền thống để bà con có thể kiếm thêm nguồn thu nhập từ hoạt động này”.

Với vai trò quan trọng của làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội, việc định hướng bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống là cần thiết. Các cấp, các ngành chức năng cần quan tâm thực hiện tốt các giải pháp về chính sách, nguồn vốn để hỗ trợ, khuyến khích các làng nghề trong tỉnh phát triển.

Mới đây, từ nguồn vốn hơn 9 tỷ đồng thuộc dự án “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình làng nghề tre, tầm vông, trúc, đan đát theo hướng tập trung kết hợp du lịch sinh thái tại huyện Phước Long phục vụ xây dựng nông thôn mới” (trong đó, vốn Nhà nước là 4,1 tỷ đồng; vốn đối ứng của địa phương hơn 4,99 tỷ đồng), huyện Phước Long đã hỗ trợ người dân làng nghề thông qua những công trình, phần việc cụ thể. Đó là đầu tư máy chẻ nan (tre); mở các lớp tập huấn; mở rộng diện tích trồng trúc, tre nguyên liệu; xây cổng chào đường dẫn vào làng nghề…

Bà Lê Thị Thủy (ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) bộc bạch: “Tôi làm nghề đan đát mấy chục năm, nhưng chưa khi nào thấy làng nghề của ấp mình sinh khí rộn ràng như hiện nay. Hy vọng, nghề đan đát của địa phương sẽ phát triển bền vững để ai cũng sống được với nghề”.

Để làng nghề sau khi được công nhận danh hiệu vẫn duy trì ổn định và phát triển, giữ gìn những giá trị truyền thống của nghề, ngoài sự quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ của các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở, điều quan trọng nhất vẫn là sự phát huy nội lực từ chính các làng nghề. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, hộ sản xuất trong làng nghề cần chủ động nghiên cứu đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, có giải pháp tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Qua đó duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động,  góp phần xây dựng nông thôn mới.

KHÔI NGUYÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.