Buồn, vui nghề tiếp thị

Thứ Tư, 13/12/2017 | 16:48

Sau khi liên hệ  tôi gặp anh L. (35 tuổi, quê ở Vũng Tàu) là Trưởng nhóm khu vực bán hàng tiếp thị của Công ty Z. (chuyên phân phối mặt hàng váng sữa M.) tại ba tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Qua một lúc trò chuyện và trao đổi để nắm rõ công việc, anh L. nhận và giao cho tôi làm nhân viên lấy hàng bán cho các đại lý ở các huyện.

Nhân viên tiếp thị chở hàng (ảnh trên) và chào hàng tại một cửa hàng tạp hóa. Ảnh: H.H

Chào hàng “gãy lưỡi”

Đúng 7 giờ ngày hôm sau tôi đến nhà phân phối của Công ty Z. (nằm trên đường Võ Thị Sáu, phường 3, TP. Bạc Liêu) để lấy hàng bán cho các đại lý bán lẻ các huyện. Gặp tôi, anh L. nói: “Chú em ngày đầu đi làm mà tuân thủ giờ giấc như vậy là tốt lắm! Cứ thế mà phát huy nhé!”. Sau đó anh L. dẫn tôi vào một căn phòng chất đầy hàng hóa, anh đếm số lượng các mặt hàng và bảo tôi bê xuống dưới, hướng dẫn tôi gắn các thùng hàng vào xe mô tô. Xong, anh L. và tôi lên đường.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là tiệm tạp hóa T.N nằm phía trong chợ Gành Hào (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải). Gặp bà chủ tiệm, anh L. giới thiệu mình là nhân viên thị trường của Công ty Z. chuyên cung cấp váng sữa M., rồi giới thiệu tôi là nhân viên mới. Người chủ tiệm trạc ngoài 40 tuổi nhìn tôi gật đầu nhưng không nói gì. Một hồi sau, bà ta mới hỏi tôi đủ thứ, nào là: Có chương trình khuyến mãi mới không? Lần này có tặng phẩm không? Chính sách dành cho nhà phân phối thế nào?...  Tôi nhớ lời anh L. dặn và lần lượt trả lời. Bà ta im lặng hồi lâu rồi cất giọng: “Hai tháng rồi mà không có chương trình khuyến mãi gì hết, chán quá! Hổm rày mặt hàng váng sữa bán rất chậm nên chỉ lấy thêm một ít thôi”. Tôi vội cảm ơn rồi từ giã ra về.

Thấy tôi có vẻ lo lắng, anh L. vỗ vai tôi nói: “Làm cái nghề này là phải chai mặt em ạ! Em như vậy là ổn rồi, chứ ngày đầu tiên của anh còn tệ hơn! Nhiều nơi mình vào chào hàng họ không lấy hàng mà còn không thèm nói với mình lời nào, nhưng đi riết rồi sẽ quen. Đã làm nghề này thì phải biết dẹp lòng tự ái. Em cứ nghĩ tất cả là vì công việc, vì kiếm đồng tiền, khi đó em thấy tự tin và bản lĩnh hơn”.

Cứ như vậy, tôi và anh L. gần cả tuần lễ đi khắp các cửa hàng tạp hóa lớn nhỏ của các huyện trong tỉnh, dần dần tôi cũng quen việc và mạnh dạn hơn. Có lần tôi ghé một cửa hàng tạp hóa tại chợ Hồng Dân, chủ cửa hàng là cặp vợ chồng còn khá trẻ, tôi chào mời rôm rả và giới thiệu một vài sản phẩm mới, nhưng khách hàng cứ trả giá như mớ rau, con cá… Mặc dù tôi đã cố gắng hết sức nhưng cô chủ cửa hàng vẫn đòi bớt giá hoặc tặng quà khuyến mãi, nếu không chịu thì không lấy sản phẩm…

Niềm vui trong vất vả

Cùng anh em rong ruổi khắp những nẻo đường từ thị thành cho đến vùng sâu, tôi mới thấu hiểu và cảm nhận hết nỗi vất vả, cực khổ của nghề tiếp thị. Việc ăn bụi, ngủ đường hay dầm mưa, dãi nắng đối với anh em là chuyện bình thường. Có khi còn phải đối mặt với bao nguy hiểm như nhiều đoạn đường khó đi, lầy lội, bị tai nạn giao thông, thậm chí có hôm về đến nhà đã gần nửa đêm… Chưa kể, có ngày chạy xe cả trăm cây số  mà vẫn không bán được hàng, rồi còn phải chịu cảnh khách hàng xua tay “đuổi như đuổi tà”. Thêm vào đó, công ty còn dựa theo doanh số bán hàng để tính tiền lương khiến chúng tôi thêm phần áp lực. Một số người chỉ chú ý đến mục tiêu doanh số đề ra mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Vô tình, không ít nhân viên tiếp thị đã trở thành những kẻ quấy rối, lừa đảo trong mắt khách hàng.

Những người trong nhóm tiếp thị thường hay nói vui, nhưng riêng tôi cho đó là lời nói đúng, đây là nghề rèn luyện sự tự tin, kỹ năng giao tiếp, kinh doanh và cả sự “chai mặt” và “lì đòn”. Vì vậy, ngoài lực lượng sinh viên muốn thử sức thì chỉ có những người thật sự yêu nghề, có sức khỏe tốt mới trụ nổi với công việc này. Song, trong cái khó lại có những niềm vui, tuy nhỏ nhưng đủ làm chúng tôi có thêm động lực, niềm đam mê với nghề. Đó là lúc bán được hàng, nhiều đại lý như hiểu được sự khổ cực của chúng tôi nên cũng cố gắng lấy thêm hàng, có gì ngon cũng mang ra cho mấy anh em ăn… Rồi những ngày về sớm, anh em ngồi quán cà phê tán gẫu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, động viên nhau… Những điều ấy làm chúng tôi thêm gắn bó, yêu thương nhau hơn.

Người xưa nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Nghề tiếp thị rèn luyện cho chúng tôi biết vượt qua khó khăn, thêm yêu quý lao động và những kỹ năng trong cuộc sống. Không chỉ vậy, còn cho mọi người trong xã hội hiểu đúng hơn về nghề này. “Lao động là vinh quang” - nghề nào cũng có giá trị của nó, và cũng mang đến cho ta thành công nếu biết vượt qua khó khăn, nỗ lực bằng niềm đam mê của mình.

Huỳnh Hiếu

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.