Các khu tái định cư: Chưa thể giúp dân an cư

Thứ Hai, 11/05/2020 | 16:49

>> Bài 1: Đầu tư tiền tỷ rồi… bỏ hoang

Bài 2: Phải giải quyết bài toán hậu tái định cư

Với một số ít hộ dân chịu vào khu TĐC, dù có được nơi ở mới kiên cố, khang trang, nhưng người dân ở các khu TĐC vẫn chưa thể “lạc nghiệp”. Không kế sinh nhai, hoặc công việc không ổn định, mức thu nhập thấp khiến cái khổ, cái nghèo cứ mãi đeo bám người dân ở các khu TĐC.

Những căn nhà của người dân ở kênh 30/4 (huyện Hòa Bình) nằm sát mé kênh đang bị xói mòn, sạt lở từng ngày.

Bỏ chỗ ở vì không có việc làm

Bà Kim Thị Chung - một trong số những người dân ít ỏi còn bám trụ lại khu TĐC khóm 4 (Phường 1, TX. Giá Rai), giãi bày: “Tưởng đâu chuyển về chỗ TĐC sẽ có thêm đất canh tác để bớt nghèo, ngờ đâu càng nghèo hơn. Đất sản xuất không có, hầu hết bà con trong xóm định cư này đều phải đi làm công nhân cho các xí nghiệp chế biến tôm, người có sức khỏe thì bỏ nhà lên tận Bình Dương, Đồng Nai… để kiếm kế mưu sinh”.

Đây là thực tế điển hình tại nhiều khu TĐC trên địa bàn tỉnh hiện nay. Do không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định khi về nơi ở mới, nhiều hộ đã phải chấp nhận ly hương. Chị Thạch Thị Thương - hàng xóm của bà Kim Thị Chung chia sẻ: “Dọn vào nhà mới ở chưa hết mừng thì gia đình tôi đã phải chạy vạy khắp nơi để kiếm sống. Chỗ ở cũ tuy nhà cửa ọp ẹp, xuống cấp nhưng được cái thuận tiện đi lại, dễ kiếm việc làm hơn so với ở đây. Giờ tôi và đứa con lớn phải lên Bình Dương kiếm việc làm để gửi tiền về nuôi mấy đứa nhỏ ở lại khu TĐC”.

Theo kết quả của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong đó có Bạc Liêu là vùng có tỷ suất xuất cư (ly hương) cao nhất nước. Cụ thể, giai đoạn 5 năm, từ tháng 4/2014 đến tháng 4/2019, tỷ suất xuất cư của ĐBSCL là 45/1.000. Nghĩa là, cứ 1.000 người dân miền Tây thì có 45 người di cư đến vùng khác. Tổng cộng toàn vùng có 728.800 người xuất cư trong giai đoạn 2014 - 2019. Đến năm 2019, dân số ĐBSCL là hơn 17,2 triệu người. So sánh với cả nước, tỷ suất xuất cư trung bình của 6 vùng kinh tế trong nước là 22/1.000. Điều này đồng nghĩa, người dân miền Tây có xu hướng ly hương cao hơn gấp đôi trung bình của cả nước. Trong khi đó, tỷ suất nhập cư của khu vực Tây Nam Bộ thuộc nhóm thấp nhất nước. 

Từ báo cáo trên cho thấy, hầu hết người xuất cư từ ĐBSCL đều chuyển đến Đông Nam Bộ, khu vực kinh tế phát triển nhất nước với một mạng lưới dày đặc các khu công nghiệp tập trung ở tứ giác kinh tế trọng điểm gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Những người di cư bỏ lại sau quê hương miền Tây với những “kỷ lục” buồn. Đó là tỷ lệ dân số tốt nghiệp THPT (11,3%) và tỷ lệ dân số có trình độ chuyên môn kỹ thuật (9,7%) thấp nhất nước. Tỷ lệ tăng dân số của vùng châu thổ sông Cửu Long cũng thấp nhất nước trong khi chỉ số già hóa dân số lại cao nhất. Trẻ em, tương lai của miền Tây cũng không được thụ hưởng giáo dục tốt bằng các vùng khác, với tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường cao nhất trong 6 vùng kinh tế (13,3%, trung bình cả nước 8,3%).

Những đứa trẻ ở khu tái định cư thuộc khóm 4 (Phường 1, TX. Giá Rai). Ảnh: C.L

Muốn lạc nghiệp đâu chỉ có đất ở

Thực tế đã chứng minh, muốn giữ rừng, đảm bảo cuộc sống cho những người sống bám biển, bám rừng, nếu chỉ có việc cấp đất và TĐC cho họ thì chưa phải là giải pháp bền vững.

Bà Sơn Thị Điệp (ấp Vĩnh Mẫu, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) cho biết: “Tôi có 6 người con. Vợ chồng tôi nghèo, không đất đai canh tác nên con cái cũng nghèo. Cuộc sống của gia đình tôi và các con tôi cũng nhờ vào việc mò cua, bắt ốc, bắt nghêu, đắp đổi qua ngày. Xóm này, rất nhiều hộ có hoàn cảnh giống như gia đình tôi”. Sắp tới đây, hầu hết các tuyến ven biển của tỉnh đều được triển khai xây dựng các dự án lớn như: điện gió, phát triển du lịch sinh thái…, thì sinh kế người dân sống ở các làng rừng như trường hợp của gia đình bà Điệp sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Qua đây cho thấy, nếu chỉ cấp đất và TĐC cho họ thì chưa đủ, mà điều quan trọng hơn nữa là phải đảm bảo được cuộc sống cho những người vốn đã từng sống bám rừng. Vậy làm gì để người dân không phải phá rừng vì cuộc mưu sinh? Mô hình giải quyết việc làm, thu hút toàn bộ những người đã từng là “lâm tặc”, “nghêu tặc” của Hợp tác xã Đồng Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) cần được nghiên cứu áp dụng. Bởi hợp tác xã không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động nghèo ven biển, mà còn giúp họ thấy được tác hại của việc phá rừng, tận thu nguồn lợi của rừng cũng như nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên biển, tài nguyên rừng để nuôi sống và làm giàu cho chính mình. Phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với bảo vệ hệ sinh thái của rừng ngập mặn ven biển cũng cần được xem là giải pháp hiệu quả và bền vững. Còn bằng không, dù có đầu tư tiền tỷ cho những dự án di dời dân cư trong những khu vực này thì cũng chẳng khác nào đem muối bỏ biển.

Không thể phủ nhận chính sách “an cư” đã giúp người dân nói chung, những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn nói riêng có cơ hội được vào nơi ở mới, tiếp cận nhiều điều kiện thuận lợi cho cuộc sống. Những mái ấm nghĩa tình được dựng lên không chỉ thể hiện sự quan tâm, sẻ chia của chính quyền địa phương, nhà hảo tâm dành cho hộ nghèo, mà đó còn là sự khích lệ, tiếp thêm động lực giúp các hộ nghèo phấn đấu vươn lên trong lao động, sản xuất để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đối với họ, có được chỗ ở ổn định chính là một cuộc cách mạng đổi đời. Tuy nhiên, câu chuyện hậu TĐC với những vất vả mưu sinh cũng khiến nhiều người nản lòng và hơn bao giờ hết, họ luôn mong muốn các cấp chính quyền có những chính sách, sự hỗ trợ kịp thời để niềm vui được “an cư” cùng song hành với niềm vui “lạc nghiệp”.

Thiết nghĩ, giải quyết nhà ở là cần thiết, nhưng cùng với đó phải nâng cao đời sống dân trí, trước tiên là xóa mù chữ. Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo những nghề phù hợp, có thu nhập ổn định mới mong thu hút được nhiều người tham gia. Làm được những điều này mới mong giải quyết triệt để bài toán hậu TĐC của người dân.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.