Các khu tái định cư: Chưa thể giúp dân an cư

Thứ Tư, 13/05/2020 | 17:19

>> Bài 2: Phải giải quyết bài toán hậu tái định cư

Bài cuối: Để người dân thật sự được an cư, lạc nghiệp

Chuyện từ các khu TĐC cho thấy, giúp người dân có điều kiện “an cư, lạc nghiệp”, cần tập trung hoàn thiện, phát triển hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng và sản xuất bền vững tại vùng dự án bố trí ổn định dân di cư tự do. Bên cạnh tạo cơ hội sinh kế cho người dân TĐC tập trung theo quy hoạch thì việc khơi dậy ý chí tự lực, tự vươn lên của người dân ở các khu TĐC là vấn đề cốt lõi.

Tạo sinh kế cho người dân TĐC

Trên thực tế, tâm lý trông chờ, ỷ lại vẫn còn hiện hữu ở một bộ phận gia đình thuộc diện TĐC. Do đó, bên cạnh việc tạo cơ hội sinh kế cho người dân TĐC tập trung theo quy hoạch thì cần khơi dậy ý chí tự lực, tự vươn lên của bản thân mỗi người. Từ đó chủ động tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, nâng cao tay nghề phù hợp điều kiện mới, giúp nâng cao thu nhập cho gia đình. Cùng với đó, chính quyền sở tại cần hỗ trợ người dân trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ TĐC; bổ sung chính sách, cơ chế để phát triển các làng nghề truyền thống, có phương án hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay phát triển các ngành, nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ nông thôn. Cũng như nhiều người dân TĐC khác, ông Sơn Bồi (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) khẳng định: “Nếu về chỗ ở mới mà có được việc làm, có thu nhập ổn định nữa thì còn gì bằng, người dân làng rừng chúng tôi chỉ mong có vậy”.

Mặt khác, ngành chủ quản cũng cần mở rộng đối tượng nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng đến các hộ dân di cư tự do tại những khu vực đã được bố trí dân cư, quy hoạch ổn định. Đồng thời, tập trung đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thực hiện an sinh xã hội cho người dân ở các khu TĐC. Cụ thể là tổ chức lại sản xuất, phát triển các mô hình liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã tại các khu TĐC.

“Khi mới thành lập, phần đông bà con xã viên đều là những hộ nghèo, sống bám rừng, bám biển. Nhưng từ khi tham gia vào chuỗi sản xuất nuôi nghêu của hợp tác xã đã giúp bà con có được nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống giờ đã khấm khá hơn trước rất nhiều. Từ chỗ phá rừng, nay bà con đã chủ động bảo vệ rừng, bảo vệ biển, bởi hiện tại ai cũng tự ý thức được rằng rừng và biển giờ là nguồn thu nhập chính của gia đình mình”, ông Huỳnh Mừng Em - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Đồng Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) minh chứng cho hiệu quả từ việc tạo sinh kế cho người dân khu TĐC.

Những đứa trẻ làng rừng trở về nhà sau một ngày lặn lội mưu sinh. Ảnh: C.L

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ

“Năm 2020, giảm thiểu tối đa tình trạng di dân tự do; ưu tiên thực hiện bố trí ổn định cho các hộ dân thật sự khó khăn, cấp bách vào các điểm dân cư theo quy hoạch; đồng thời, hoàn thành dứt điểm các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do đang thực hiện dở dang”... Đó là nội dung cơ bản của Nghị quyết 22 về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường vừa được Chính phủ ban hành.

Nghị quyết 22 nêu rõ, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ quan liên quan cần khẩn trương rà soát, hoàn thành các thủ tục đầu tư các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do theo quy định; đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Mới đây, phát biểu kết luận tại buổi giám sát của HĐND tỉnh với Sở NN&PTNT về thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý đất công và đất rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2017, ông Phạm Văn Thiều - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cho rằng: “Cần đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi, khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào vùng bố trí dân di cư tự do để hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống người dân di cư tự do và tăng cường quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường”.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững, thâm canh, tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tại các vùng bố trí dân di cư tự do. Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, sử dụng khoa học - công nghệ kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; xây dựng phương án sản xuất phù hợp. Nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản như hệ thống giao thông, thủy lợi, chế biến thủy sản. Khuyến khích người dân tự phát triển sản xuất, mở rộng sản xuất hàng hóa, kinh doanh, dịch vụ… Có như thế, với hàng loạt chính sách, giải pháp đã đề ra, khi đến nơi ở mới, người dân TĐC sẽ có cuộc sống tốt đẹp như mong muốn!

CHÍ LINH

------------------------------------------------------------------------

Ngay khi phát hành, loạt bài phản ánh “Các khu tái định cư: Chưa thể giúp dân an cư” đăng trên báo Bạc Liêu đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc và lãnh đạo các địa phương đang được quy hoạch xây dựng các khu TĐC. Chúng tôi xin đăng trích vài ý kiến của các bên có liên quan…

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT: Sẽ có phương án hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm đối tượng

Để đảm bảo ổn định cuộc sống, hiện Sở NN&PTNT đang tiến hành xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm đối tượng trước khi di dời người dân vào khu TĐC. Bên cạnh đó, nhằm ổn định sinh kế lâu dài, đơn vị cũng đang tích cực phối hợp với các bên có liên quan tổ chức, sắp xếp lại hoạt động sản xuất, vận động người dân tham gia vào các hợp tác xã ven biển để không chỉ có thu nhập ổn định mà còn góp phần gìn giữ, quản lý rừng xung yếu ven biển được tốt hơn.

Ông Dương Văn Thới - Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình: Tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân ở các khu TĐC

Đối với vấn đề giải quyết việc làm cho người dân khi vào ở tại các khu TĐC, huyện Hòa Bình đang tập trung xây dựng các phương án đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp lâu dài. Trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình thực tế, dạy nghề đi đôi với giới thiệu việc làm và đầu ra cho sản phẩm. Mặt khác, khi vào khu TĐC, ngoài nhà ở, người dân còn được hỗ trợ 500m2 đất/hộ để nuôi trồng, phát triển kinh tế gia đình.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.