Cần “cú hích” cho các làng nghề truyền thống

Thứ Hai, 02/09/2019 | 15:42

So với các tỉnh, thành phố của khu vực BĐSCL, Bạc Liêu là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống. Đây là lợi thế cho địa phương phát triển mạnh du lịch cộng đồng. Song, thế mạnh này vẫn chưa được phát huy và nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”!...

NHIỀU LỢI THẾ CHƯA ĐƯỢC PHÁT HUY

Toàn tỉnh hiện còn tồn tại 10 làng nghề truyền thống như: sản xuất muối, đan đát, dệt chiếu, mộc gia dụng, rèn, làm bánh tráng, bún… Thế nhưng, trên thực tế chỉ có vài nơi có thể gọi là “làng nghề” nhờ thu hút nhiều lao động tham gia; ở nhiều nơi, nghề truyền thống gần như chỉ còn hoạt động trong phạm vi hộ gia đình (như nghề làm bún hay làm bánh tráng). Những năm gần nay, do tác động của thị trường và thiếu những chính sách mang tính động lực để hỗ trợ nên nhiều làng nghề dần mai một, người lao động không còn tha thiết với nghề.

Thực tiễn đã chứng minh, nếu giá trị các làng nghề được phát huy sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nhiều việc làm cho lao động nông thôn, giải quyết có hiệu quả bài toán lao động thời vụ, nông nhàn, nhất là lao động nữ. Điển hình như ấp Mỹ I (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) có 300 hộ tham gia làng nghề đan đát, giải quyết việc làm cho gần 1.300 lao động. Hay ở ấp Nhà Lầu II (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) làng nghề đan đát đã giải quyết việc làm cho 1.000 lao động (gồm 148 hộ), cho thu nhập bình quân 1,5 - 2 triệu đồng/lao động/tháng.

Nếu làng nghề gắn với phát triển du lịch theo mô hình du lịch cộng đồng thì giá trị kinh tế và xã hội sẽ mang lại gấp nhiều lần. Đơn cử như mô hình tham quan làng nghề gắn với du lịch sông nước, thưởng thức các món ăn đồng quê trên tuyến sông gắn với tham quan vườn khóm, vườn trái cây, bắt cá… có thể áp dụng ở huyện Phước Long và Hồng Dân. Song, những ý tưởng này vẫn còn là kế hoạch nằm trên giấy!?

Hiện nay, nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL đã phát huy tối đa lợi thế từ các làng nghề như như ở tỉnh Tiền Giang có làng nghề làm mứt khóm, kẹo khóm, nước khóm và nước màu khóm ngay vùng chuyên sản xuất khóm, thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm. Vì vậy, ở vùng khóm Ba Đình huyện Hồng Dân cũng có thể áp dụng mô hình này gắn với tham quan làng nghề đan đát, mô hình nuôi cá bống mú, cá chình, tôm sinh thái… dựa trên thế mạnh sông nước và văn hóa đặc thù. Đồng thời phục vụ các món ăn đặc trưng của địa phương như: đọt choại chấm mắm cá trắm cỏ, tôm càng xanh, cá ngát nấu bần, năn bộp chấm thịt trâu kho, cá bống mú chưng tương, cá chình ăn với rau rừng… Những việc làm này các địa phương có thể làm được, nhưng điều quan trọng là phải xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, phát huy giá trị từ các làng nghề.

Bên cạnh việc thiếu những mô hình và cách làm hay để phát huy tiềm năng, thế mạnh, các làng nghề cũng tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là hoạt động kinh doanh mang tính tự phát; sản xuất nhỏ lẻ hoặc sản xuất hộ gia đình; khả năng về vốn còn quá ít so với yêu cầu; hiệu quả sản xuất, kinh doanh không cao; chưa hình thành các mô hình sản xuất phát triển bền vững. Cùng với đó, trình độ quản lý của người sử dụng lao động ở các làng nghề còn hạn chế; lao động qua đào tạo còn thấp, chưa phù hợp với tác phong công nghiệp; sản xuất còn phân tán, theo thời vụ. Công nghệ, thiết bị lạc hậu; chậm đầu tư đổi mới để cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm; thị trường tiêu thụ bấp bênh và thiếu bền vững, rủi ro cao; việc hỗ trợ vốn cho phát triển các làng nghề chưa đáp ứng nhu cầu người sản xuất…

Nghề đan đát (ảnh trên) và nghề rèn ở huyện Hồng Dân. Ảnh: L.D

TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ

Theo Sở Công thương, để phát triển làng nghề ở tất cả các vùng nông thôn, hình thành các làng nghề quy mô sản xuất hàng hóa lớn để vừa phát triển sản xuất vừa tạo điều kiện thu hút du khách tham quan và tiếp cận sản phẩm, các địa phương có làng nghề cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Đối với những nguyên liệu là sản phẩm nông nghiệp, cần áp dụng công nghệ hiện đại để tăng năng suất sản xuất nguyên liệu.

Để tìm được đầu ra cho sản phẩm, các làng nghề cần kết hợp một cách hợp lý giữa sản xuất truyền thống và công nghệ hiện đại. Cần áp dụng công nghệ vào một số công đoạn sản xuất, nhưng vẫn phải áp dụng quy trình chế tác ở những công đoạn thể hiện sự tinh xảo, nét đặc trưng của sản phẩm. Từ đó có thể sản xuất ra sản phẩm nhanh hơn, mẫu mã phong phú, giá thành cạnh tranh. Song song đó, chú trọng đến việc quảng bá thương hiệu sản phẩm bằng nhiều kênh thông tin khác nhau; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề.

Để tạo thêm nguồn lực, giữ gìn và thúc đẩy làng nghề phát triển, Bạc Liêu đã kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cho khu vực nông thôn, đặc biệt là địa bàn có cơ sở làng nghề; hỗ trợ 100% vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các làng nghề, từ đó tạo điều kiện cho công nghiệp nông thôn phát triển. Ban hành chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân mở rộng vùng nguyên liệu gắn với hoạt động làng nghề; quy hoạch vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu sản xuất và phát triển bền vững. Hỗ trợ kịp thời việc hướng dẫn lập dự án và hoàn thành hồ sơ, thủ tục cho các cơ sở, doanh nghiệp, làng nghề nông thôn. Hoàn thiện các quy định về quy chế phối hợp giữa ngành Công thương, ngành Nông nghiệp và Tài nguyên - Môi trường làm cơ sở pháp lý thực hiện các vấn đề liên quan trong quản lý làng nghề, ngành nghề nông thôn; có văn bản hướng dẫn cụ thể, tránh trùng lắp giữa các cơ quan thực hiện tại địa phương.

Tỉnh cũng đề nghị Trung ương tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi vốn vay vốn, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cho các cơ sở, doanh nghiệp, làng nghề nông thôn theo hướng tăng giá trị và quy mô; đề xuất thủ tục về việc vay vốn thí điểm thế chấp 50% tài sản cho các hộ được công nhận làng nghề. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề cho lao động làng nghề nông thôn; tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của các cơ sở để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại (quảng bá, tham gia hội chợ triển lãm, hội thảo…), tạo điều kiện cho các cơ sở, làng nghề tiếp cận với các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước. Hỗ trợ kinh phí cho các làng nghề đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm…

Với những giải pháp cơ bản trên, hy vọng sẽ tạo nên những “cú hích” mới cho làng nghề phát triển và góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa ở vùng nông thôn.

Quốc Bửu

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.