Cần thay đổi nếp nghĩ, cách làm để thoát nghèo bền vững

Thứ Tư, 13/05/2020 | 15:04

Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” được Thủ tướng Chính phủ phát động từ cuối năm 2016 và đến nay tiếp tục được đẩy mạnh, điều này thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với người nghèo. Tuy nhiên, được hỗ trợ “phao” để tạm thời khỏi “bị đuối” là một lẽ, nhưng sử dụng “cái phao” đó như thế nào để “bơi” ra thoát khỏi “vũng nghèo” thì với bản thân người nghèo không hề đơn giản.

Đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà hộ nghèo xã Long Điền (huyện Đông Hải). Ảnh: H.T

“Cái phao” đỡ đầu hộ nghèo

“Tui cần mẫn lao động, làm việc quá sức dẫn tới lao lực, nhưng vẫn không thoát cảnh nghèo. Không cám cảnh nghèo túng, vợ tui dắt 3 đứa con lớn ra đi, bỏ lại đứa nhỏ cho tui. Sau đó, vợ tui có người khác… Chán đời, chán người, tui mượn rượu mua vui, tương lai như rơi vào ngõ cụt”, anh Thạch Lương (ấp Giồng Giữa A, xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) bùi ngùi nhớ lại giai đoạn khốn khó nhất tưởng chừng như không thể vượt qua trong cuộc đời mình, cách đây đã 10 năm.

Chị Nguyễn Thị Xuân Quyên - Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thành cũng nhớ lại: “Thời gian đó anh Lương suốt ngày say xỉn, không màng đến chuyện làm ăn. Nhà cửa xập xệ, cỏ dại mọc đầy vườn. Chính quyền địa phương cùng với Phòng TN-MT thành phố - đơn vị nhận đỡ đầu hộ anh Lương đã thường xuyên lui tới, chia sẻ nỗi niềm với anh; rồi mọi người cùng nhau bàn cách làm ăn, vực anh ra khỏi cảnh bế tắc. Mới đây, anh Lương cũng được ưu tiên xét tặng căn nhà tình thương trị giá 32 triệu đồng”.

“Tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống”, 4 triệu đồng mà Phòng TN-MT hỗ trợ gia đình anh Lương, nếu không có sự ân cần chia sẻ, hướng dẫn cách thức làm ăn thì không khéo sẽ được dùng để trang trải cho sự thiếu thốn, để rồi “cụt vốn” làm ăn và nghèo lại hoàn nghèo. Cho nên, sử dụng đồng vốn hiệu quả là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong thực hiện chủ trương đỡ đầu hộ nghèo của Hiệp Thành. Xã giao cho các tổ chức đoàn thể họp hộ nghèo lại, rồi tùy vào hoàn cảnh mỗi hộ mà vận động, khuyên lơn họ chí thú làm ăn.

Hộ anh Thạch Lương chỉ là một điển hình cho hơn 4.900 hộ nghèo được 74 đơn vị cấp tỉnh, 1.165 cơ quan, đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố đỡ đầu trong hơn 3 năm qua. Từ năm 2016 đến nay, Bạc Liêu đã có hơn 6.000 hộ thoát nghèo bền vững từ chủ trương đỡ đầu hộ nghèo.

Giữa bộn bề những nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, đã có những ban, ngành, đơn vị chủ động gánh thêm trọng trách chăm lo, đồng hành cùng người nghèo. Việc tận tụy lui tới thăm hỏi, sẻ chia, tìm phương cách giúp họ làm ăn, từng bước thoát nghèo như hộ anh Lương là một minh chứng và ngày càng được nhân rộng. Với cách hỗ trợ “cần câu”, tư vấn cách “câu cá”, việc đỡ đầu tận tụy, có quy trình hẳn hoi cùng với ý thức tự thân phấn đấu vươn lên đã giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Anh Thạch Lương chăm sóc vườn rau của mình. Ảnh: C.T

Tự thân phấn đấu

Nhìn những luống rau xanh mướt, tốt tươi do công chăm sóc của anh Lương, chúng tôi nhận ra ý nghĩa thực chất của việc hỗ trợ “cái phao” - đỡ đầu hộ nghèo là khi đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Anh Lương cho biết, vụ mùa này đã là vụ thứ ba, tuy lợi nhuận không nhiều nhưng nó giúp anh duy trì được đồng vốn. Sau mỗi vụ thu hoạch, anh dành lại một khoản tiền để đầu tư cho vụ tới, số tiền dư dôi ra thì tích cóp để phòng thân. Sáng sớm anh dậy tưới rau rồi đi làm thêm, đào đất hoặc ai thuê gì làm nấy, mỗi ngày thu nhập cũng khoảng 150.000 - 200.000 đồng. Quan trọng là những suy nghĩ tiêu cực, bi quan không còn nữa, cánh cửa tương lai dần rộng mở với anh Lương.

Thế nhưng, không phải ai cũng đủ ý chí, nghị lực để “bơi” ra khỏi “vũng nghèo”, mặc dù đã được hỗ trợ “phao” như anh Lương. Bởi đã có không ít câu chuyện dở khóc dở cười trong việc đỡ đầu hộ nghèo mà chúng tôi ghi nhận được. Như chuyện đơn vị nhận đỡ đầu đến tìm hộ nghèo để bàn phương cách làm ăn thì chủ hộ vắng nhà vì bận sang nhà xóm bên… chơi đánh bài, hoặc khi được hỏi cần gì thì trả lời chỉ cần tiền để… trả nợ, bản thân hộ nghèo không tự khắc phục khó khăn, tìm cách vươn lên mà ỷ lại, dựa dẫm vào chính quyền, mạnh thường quân với hàng loạt những chính sách ưu đãi. Một khi bản thân không chịu thay đổi nếp nghĩ, cách làm thì dù có bao nhiêu chính sách hỗ trợ đi chăng nữa, những hộ nghèo này chắc chắn sẽ luôn bị tụt lại phía sau!

“Để việc đỡ đầu hộ nghèo đạt hiệu quả thực chất, giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị, các doanh nghiệp thực hiện “quy trình giúp đỡ hộ nghèo” một cách bài bản và cụ thể, từ khâu khảo sát đến trao vốn cho hộ nghèo, rồi sau đó là theo dõi cả quá trình sản xuất, làm ăn của từng hộ. Ngoài ra, các đơn vị nhận đỡ đầu hộ nghèo còn chú trọng việc tuyên truyền, động viên, khích lệ để hộ nghèo nâng cao ý thức, biết tự mình vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và chính quyền địa phương”, bà Trần Hồng Chiến - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết.

Người nghèo đã được tạo mọi điều kiện để vươn lên, từ việc gặp khó ở đâu, thiếu cái gì, cũng đã được sở gỡ, đến việc làm thế nào để dần thoát nghèo bền vững cũng đã được chỉ dẫn, dõi theo... Gõ cửa những nhà từng là hộ nghèo để tìm hiểu “quy trình” mà Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đề cập, cũng như cùng tham gia thực hiện trách nhiệm đỡ đầu hộ nghèo, chúng tôi hiểu sâu sắc rằng: có một tinh thần hướng đến người nghèo, chăm lo người nghèo rất quyết liệt mà sâu nặng tính nhân văn từ những chủ trương cho đến cách làm thiết thực của Đảng bộ, chính quyền, ban ngành các cấp, các đơn vị, tổ chức… ở Bạc Liêu.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là một chủ trương nhân văn, đã và đang được thực thi bằng những chương trình hành động cụ thể, bằng sự chăm lo tận tâm của Đảng dành cho dân. Có phương tiện, có “cần câu cơm”, những ai nỗ lực phấn đấu sẽ thoát nghèo, chắc chắn là như vậy. Thế thì vấn đề còn lại là ở chính người trong cuộc, đừng để bản thân mình bị tụt lại phía sau chỉ vì thiếu ý chí vươn lên!

CẨM THÚY

Mục tiêu của Bạc Liêu là đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn dưới 1%, trên địa bàn tỉnh không còn người nghèo khó khăn về nhà ở, có 4/7 địa phương không còn hộ nghèo trên địa bàn... Để đạt mục tiêu này, ngoài những sự trợ giúp về vật chất, về phương tiện và kiến thức để mưu sinh thì sự tuyên truyền, vận động, động viên để thay đổi thái độ, thay đổi hành vi của người nghèo là rất quan trọng. Làm sao để người nghèo nhận thức được nguồn gốc cái nghèo và tự thân phấn đấu vươn lên, sử dụng hiệu quả sự trợ giúp để từng bước thoát nghèo. Bởi trợ giúp chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt, còn muốn giảm nghèo bền vững phải xuất phát từ tính tự lực, từ khả năng của chính người nghèo.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.