Cảnh báo ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp

Thứ Sáu, 09/11/2018 | 16:09

So với trước đây, khoa học - công nghệ đã tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, cùng với đó là thị trường vật tư nông nghiệp phát triển nhanh. Đặc biệt, với việc đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ và ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu nên tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp. Kéo theo đó là tình trạng nông dân lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tạo nên nhiều hệ lụy xấu cho môi trường sản xuất, môi trường sống và sức khỏe của cộng đồng, làm ảnh hưởng sự phát triển bền vững.

Theo số liệu từ Cục BVTV, việc lạm dụng các loại thuốc BVTV không ngừng tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng. Cụ thể, ở giai đoạn 1981 - 1986, số lượng thuốc sử dụng là 6.500 - 9.000 tấn thương phẩm, tăng lên 20.000 - 30.000 tấn trong giai đoạn 1991 - 2000 và từ 36.000 - 75.800 tấn trong giai đoạn 2001 - 2010. Qua đó cho thấy, trong giai đoạn 2000 - 2011, số lượng thuốc BVTV sử dụng tăng 2,5 lần; số loại thuốc nhập khẩu tăng khoảng 3,5 lần. Giai đoạn 2011 đến nay, tốc độ tăng hơn 5,5 lần. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), mỗi năm Việt Nam nhập khẩu trên 100.000 tấn thuốc BVTV, trong đó một số lượng lớn thuốc BVTV thuộc loại cực độc, không nằm trong danh mục được phép sử dụng như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ nhện được nhập khẩu trái phép qua đường tiểu ngạch. Dư lượng thuốc BVTV trên nông sản là phổ biến và còn cao, đặc biệt trên rau, trái cây… Việc lạm dụng hóa chất tác động xấu đến môi trường, gây ô nhiễm đất, nước và không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê, cả nước hiện còn tồn đọng trên 706 tấn thuốc cần tiêu hủy và 19.600 tấn rác bao bì thuốc BVTV chưa được thu gom và xử lý, hàng năm phát sinh mới khoảng 9.000 tấn.

Nông dân huyện Hồng Dân pha chế thuốc phun xịt lúa.

Bên cạnh việc lạm dụng thuốc BVTV, việc sử dụng phân hóa học cũng tăng nhanh chóng. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, mỗi năm nông dân Việt Nam đã sử dụng tới khoảng 5 triệu tấn phân bón hóa học quy chuẩn, không kể phân hữu cơ và các loại phân bón khác do các cơ sở tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất, cung ứng. Từ năm 1985 đến nay, mức tiêu thụ đạm tăng trung bình 7,2%/năm; phân lân tăng 13,9%/năm; riêng phân kali có mức tăng cao nhất là 23,9%/năm. Hiện nay, việc quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc BVTV còn lỏng lẻo; vì vậy dẫn đến nhiều loại phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng trên thị trường còn khá nhiều, nhất là phân bón lá, phân bón vi sinh. Vấn đề này đã gây thiệt hại lớn cho người sản xuất và gây hại cho môi trường. Đó là chưa nói đến chuyện, bên cạnh việc lạm dụng thuốc BVTV, các vùng chuyên canh lúa phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh hiện nay còn vứt các loại bao bì, chai lọ dựng thuốc BVTV trực tiếp ra môi trường gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và gây ô nhiễm môi trường đất, nước…

Bao bì và chai lọ thuốc BVTV vứt bừa bãi trên đồng ruộng ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: L.D

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, để bảo vệ môi trường cần sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sản xuất và người tiêu dùng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao; trong đó có sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ hay phát triển nông nghiệp đô thị. Các cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn cho nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tận dụng nguồn phân hữu cơ tại địa phương mình để bón cho cây trồng, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và người tiêu dùng. Tạo điều kiện cho nông dân liên kết dưới dạng kinh tế hợp tác để thuận lợi trong sản xuất: chuyển giao kỹ thuật, vay vốn, mua vật tư đầu vào cho sản xuất…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh sự liên kết “bốn nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước), tiến tới xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng, dùng chính sách thuế điều tiết lợi nhuận để nông dân được hưởng thành quả do họ làm ra một cách công bằng và xứng đáng, góp phần nâng cao đời sống, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững.

Kim Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.