Cất nhà lấn chiếm đê biển Đông, rừng phòng hộ: Cần xử lý nghiêm

Thứ Sáu, 12/04/2019 | 15:54

Dọc theo tuyến đê biển Đông, có những căn nhà xây dựng trái phép hoặc lấn chiếm hàng lang bảo vệ đê. Thậm chí, không ít hộ nhận khoán đất rừng cũng xây nhà kiên cố trái phép trên đất rừng phòng hộ. Việc làm này gây khó khăn cho ngành chức năng và địa phương khi nâng cấp đê biển Đông và bảo vệ rừng phòng hộ.

Buổi làm việc của UBND tỉnh với UBND huyện Đông Hải về việc người dân lấn chiếm đê biển Đông để cất nhà.

Xây nhà kiên cố trái phép trong rừng phòng hộ. Ảnh: M.Đ

Cất nhà trên đê biển Đông

Dọc theo đê biển Đông (từ TP. Bạc Liêu đến huyện Đông Hải), có không ít hộ dân đã lấn chiếm đất cất nhà trái phép, vi phạm hành lang đê biển Đông. Theo Sở NN&PTNT, năm 2018, ngành chức năng đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 93 trường hợp vi phạm. Trong đó, huyện Hòa Bình 25 trường hợp, huyện Đông Hải 62 trường hợp, TP. Bạc Liêu 6 trường hợp. Tuy nhiên, hầu hết các hộ vi phạm vẫn tiếp tục xây nhà sau khi bị xử phạt. Vì vậy, việc thi công các công trình nâng cấp đê biển Đông gặp không ít khó khăn.

Mới đây, trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh, huyện Đông Hải kiến nghị UBND tỉnh giúp tháo gỡ khó khăn trong việc một số hộ dân viện lý do trước đây thi công tuyến đê biển Đông chưa bồi thường về đất, nên còn thuộc quyền sử dụng đất của các hộ dân. Mặt khác, do cơ quan nhà nước chưa kiên quyết xử lý trong việc thi công đường Giá Rai - Gành Hào nên nhiều hộ dân đã tự ý đắp nền, xây nhà, làm lều quán, mái che, trồng hoa màu, sang bán nền trái phép trên thân đê.

Mặc dù huyện Đông Hải và các ngành chức năng tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành lang bảo vệ đê, song việc lấn chiếm đê biển Đông vẫn tiếp diễn phức tạp. Phần lớn hộ dân xây nhà vào ban đêm và vào các ngày nghỉ, gây khó khăn cho địa phương trong việc kiểm tra, ngăn chặn hành vi vi phạm. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Đông Hải đã có 221 trường hợp vi phạm về cất nhà ở, chòi, quán và các hình thức khác lấn chiếm đê biển Đông. Trong đó, xã Điền Hải 30 trường hợp, xã Long Điền Tây 124 trường hợp, thị trấn Gành Hào 67 trường hợp.

Trước tình hình trên, ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, kiến nghị: “Trước mắt, UBND tỉnh và các ngành chức năng xem xét cho triển khai đầu tư bồi trúc lại tuyến đê biển Đông bằng đất đen ở những đoạn còn trống. Đối với những đoạn hộ dân xây nhà lấn chiếm thì Tổ công tác tỉnh (được thành lập theo Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 30/3/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh) phối hợp với UBND huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động buộc hộ dân tháo dỡ. Nếu hộ nào không chấp hành thì kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật”.

Lấn chiếm rừng phòng hộ

Không chỉ đê biển Đông, mà ngay cả rừng phòng hộ, nhiều hộ dân nhận đất khoán giữ rừng đã cất nhà kiên cố trái phép. Theo quy định, chỉ cho người dân cất nhà tạm để ở và giữ rừng. Lúc đầu các hộ nhận khoán rừng cất nhà tạm, sau đó sang nhượng qua nhiều chủ. Đến nay, một số hộ nhận khoán đất rừng đã cất nhà kiên cố, thậm chí còn xây cả phần mộ trong đất rừng phòng hộ.

Ông Mai Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình) cho biết: “Đối với các hộ xây cất, cơi nới nhà cửa trái phép, vi phạm hành lang đê biển Đông thì địa phương phạt 5 triệu đồng. Còn các hộ xây mới hoàn toàn thì thuộc thẩm quyền các ngành chức năng”.

Để khắc phục tình trạng trên, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người dân chấp hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp. Nâng cao trách nhiệm và năng lực bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm và chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở. Xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa Sở NN&PTNT với các sở, ngành hữu quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn; các tập thể, cá nhân nhận khoán đất để bảo vệ, phát triển tốt rừng phòng hộ.

Toàn tỉnh có hơn 1.000 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu sống trong rừng phòng hộ ven biển. Tỉnh đã có dự án di dời dân cư sinh sống ở khu vực rừng phòng hộ vào 5 khu tái định cư. Song, kinh phí cho việc di dân tái định cư rất lớn. Vì vậy, tỉnh cần được Trung ương hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ thi công các khu tái định cư và đưa người vào ở. Đồng thời có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp để người dân di dời khỏi khu vực rừng phòng hộ ven biển có điều kiện tìm việc làm mới, ổn định cuộc sống.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.