Chênh vênh xóm ngụ cư

Thứ Sáu, 17/05/2019 | 17:51

Giữa nhịp sống ồn ào, hối hả, có những xóm ngụ cư với mỗi xóm vài chục nóc gia nằm lọt thỏm trong cánh rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu, tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài. Là những người di cư tự do, họ tập trung lại thành xóm, sống lay lắt qua ngày dưới những tán rừng, những bãi bồi ven biển để mò cua, bắt ốc mưu sinh. Không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, trẻ con sinh ra không giấy khai sinh, không được đến trường, phải sớm lao động phụ giúp gia đình. Họ mong được Nhà nước quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để được làm các giấy tờ tùy thân, sớm an cư lạc nghiệp, con cháu có thể học hành, khép lại cuộc sống tăm tối…

Bài 2: Tuổi thơ bị "đánh cắp"

>>Bài 1: Lay lắt những mảnh đời nghèo khó

Nếu như trẻ em ở những gia đình có điều kiện, được chăm lo đủ đầy, không phải lo nghĩ về cái ăn cái mặc, và được tận hưởng những đặc quyền dành riêng cho trẻ em, thì với những đứa trẻ ở các xóm ngụ cư nghèo, để có cơm ăn ngày hai bữa đã là khó khăn, các em phải sớm vào đời để phụ giúp gia đình. Các quyền của trẻ em như: quyền vui chơi, giải trí, học hành, chăm sóc sức khỏe… hầu như các em không dám mơ đến.

Những đứa trẻ ven biển trở về nhà sau một ngày mò cua bắt ốc.

Nhọc nhằn mưu sinh

Sinh ra trong cảnh nghèo khó, tuổi thơ của những đứa trẻ ở xóm ngụ cự là chuỗi ngày cơ cực, vất vả do phải bươn chải lao động từ rất sớm. Chúng đang ở độ tuổi đi học, nhưng rất nhiều em không được đến trường vì cha mẹ không có hộ khẩu và đăng ký lưu trú tại địa phương.

Trong xóm ngụ cư ở khu E (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) người ta kể nhiều đến hoàn cảnh gia đình cô bé Nguyễn Thị Thúy Ngân. Mới bước qua tuổi 11, Ngân đã phải tảo tần phụ mẹ nuôi 5 đứa em còn nhỏ dại. Gia đình Ngân rất nghèo, phải ở nhờ nhà ngoại. Cha em vì quá túng quẫn nên đi trộm cắp rồi bị bắt ở tù, mẹ lại sinh em bé, vì vậy mọi gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền đều dồn hết vào đôi vai gầy guộc của Ngân.

Mỗi sáng Ngân phải thức dậy rất sớm cùng mẹ lo cho em, sau đó dắt 2 đứa em đi nhặt ve chai. Bất kể nắng nóng, mưa giông, hay thủy triều dâng cao, Ngân cũng ráng lặn lội đi khắp hang cùng ngõ hẻm nhặt nhạnh những thứ người khác vứt đi để bán kiếm tiền mua gạo. Có khi giẫm phải miểng chai đứt chân, hay đau bệnh nhưng em vẫn không dám nghỉ, vì em ở nhà ngày nào là cả nhà đói ăn ngày đó.

Vất vả, nhịn ăn nhịn khát để kiểm tiền nên người em nhỏ thó như trẻ lên 7, cả 5 đứa em Ngân cũng suy dinh dưỡng nặng phần vì thiếu sự chăm sóc, phần phải mưu sinh sớm. Cuộc sống gánh nặng cơm áo đã ghì chặt những đứa trẻ này khiến các em chai sạn hơn những đứa trẻ cùng tuổi được sống trong sự bao bọc của gia đình.

Không riêng Ngân, ở các xóm ngụ cư ven biển có rất nhiều trẻ em cũng phải lăn lội mưu sinh từ rất nhỏ, nếu không đi nhặt ve chai, bán vé số thì cũng theo cha mẹ đi mò cua bắt ốc, ra biển kéo cá, kéo tôm… Với những đứa trẻ này, chỉ mong có cơm ăn ngày hai bữa, mọi ước mơ về chữ nghĩa, vui chơi, được khám bệnh, có quần áo mới, thậm chí được cha mẹ vỗ về, yêu thương… các em chỉ đành giấu kín trong lòng.

Cái nghèo, cái khổ, thất học đã cướp mất tuổi thơ tươi đẹp của các em. Thậm chí, nhiều em vì quá khó khăn, thiếu hiểu biết nên đã sớm sa chân vào con đường sai trái như: trộm cắp, rượu chè, cờ bạc… khiến tương lai mịt mùng, không lối ra.

Em Nguyễn Thị Thúy Ngân và đàn em nhỏ. Ảnh: T.Q

Thất học, tảo hôn và bị xâm hại

Ở các xóm ngụ cư, tình trạng trẻ vị thành niên lập gia đình, sinh con đông diễn ra nhan nhản. Có nhiều trường hợp, mới bước vào tuổi 16 - 17 đã sinh con, đến năm 28 - 30 đã sinh từ 3 - 5 đứa. Sinh con đông, lại không được chăm sóc sức khỏe sinh sản, ăn uống không đầy đủ nên cơ thể hay bị suy nhược và mang nhiều bệnh tật nguy hiểm. Đáng lo lắng hơn là có nhiều bà mẹ sinh con tại nhà bất chấp những hiểm nguy về sức khỏe bản thân và con trẻ nếu chẳng may xảy ra sự cố.

Kết hôn, sinh con ở tuổi vị thành niên khiến khả năng kiếm sống rất thấp, dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng tăng cao, là gánh nặng cho xã hội cũng như chính quyền địa phương. Mặt khác, phần lớn các đôi vợ chồng vị thành niên còn thiếu kiến thức xã hội, thường rơi vào cảnh nghèo túng, nhiều đôi tan vỡ hạnh phúc gia đình, sau đó lại sống chắp vá và sinh ra đàn con khác cha, khác mẹ tạo nên một gia đình hỗn độn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, tâm lý của trẻ, rồi tương lai của những đứa trẻ này lại tiếp tục lẩn quẩn cái vòng đói nghèo - thất học - tảo hôn giống như cha mẹ chúng.

Lập gia đình từ sớm, cuộc sống nghèo khó, thất học nên những bậc làm cha mẹ không có khả năng dạy con những kiến thức cơ bản về kỹ năng sống, giúp con tự vệ bản thân trước những cạm bẫy cuộc sống. Họ chỉ biết bận bịu mưu sinh, để con lao động sớm hoặc ở nhà trông em khiến nhiều trẻ em gái bị kẻ xấu dâm ô, xâm hại tình dục khi tuổi còn quá nhỏ.

Là con lớn trong gia đình có 3 chị em, ngày ngày cha mẹ đi ra biển để C.L (13 tuổi, sống trong rừng phòng hộ Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) ở nhà trông em. Trong một lần ở cử sinh con, mẹ C.L vô tình chứng kiến cảnh con mình bị người hàng xóm giở trò dâm ô gần nhà. Không kìm được đau đớn, mẹ C.L tri hô và kêu con về nhà gặng hỏi, C.L cho biết đã 2 lần bị người hàng xóm giở trò. C.L tuy đã 13 tuổi nhưng do không được đi học lại bươn chải sớm nên thân hình em nhỏ bé như trẻ lên 8, nhận thức cũng chưa phát triển, bởi vậy bản thân em không hề biết cuộc đời mình đã bị xâm hại bởi gã hàng xóm đồi bại.

Ở những xóm ngụ cư nghèo, góc khuất của cuộc sống vẫn còn rất nhiều, song vì nhận thức của mọi người còn quá hạn chế nên họ làm ngơ, quay lưng mặc cho cuộc đời và con em họ xoáy theo những tăm tối đó mà không biết tìm cho mình hướng ra sáng màu, tốt đẹp hơn.

Bà Trần Yến Hòa, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Toàn tỉnh hiện có hơn 200.000 trẻ em từ 6 - 16 tuổi, trong đó có 7.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hơn 230 trường hợp trẻ chưa làm giấy khai sinh, con số này chủ yếu là trẻ em sống ở khu vực ven biển. Do không có giấy khai sinh, không có hộ khẩu nên các em không được hưởng các trợ cấp, sự chăm lo dành cho trẻ em khiến các em thiệt thòi nhiều mặt từ vật chất đến tinh thần, đặc biệt là nhận thức của em về thế giới bên ngoài rất hạn chế, vì vậy rất dễ bị lạm dụng sức lao động và cả thân thể”.

“Trẻ em như búp trên cành”, môi trường giáo dục, yêu thương từ mỗi gia đình là nền tảng để mỗi trẻ em hình thành được nhân cách tốt nhất. Mong rằng các bậc sinh thành có những giây phút lắng nhìn về cuộc sống hiện tại và tương lai của trẻ để có thể hiểu được những thiếu thốn và ước mong của trẻ mà trả lại tuổi thơ tươi đẹp đúng nghĩa cho các em, để các em có thể xây dựng cho mình tương lai tươi đẹp và trở thành người hữu ích cho xã hội mai này.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.