Đẩy mạnh đào tạo nghề với phát triển các thế mạnh về kinh tế

Thứ Sáu, 29/05/2020 | 17:04

Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh, đồng thời góp phần cho tăng trưởng kinh tế, Bạc Liêu đã tập trung làm tốt công tác này và hướng đến đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các mục tiêu chiến lược của tỉnh.

Người lao động đến liên hệ tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Đào tạo nghề gắn với 5 trụ cột

Có thể nói, việc tập trung cho 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng đồng thời tạo nên những tiền đề và cơ hội cho lao động của địa phương phát triển. Trong đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản, nhất là phát triển mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, hình thành một số vùng nuôi tôm siêu thâm canh, hướng đến xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước và phát triển du lịch, đã đặt ra nhiều yêu cầu cho nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực.

Với mục tiêu, nhiệm vụ được giao, ngành Lao động tỉnh đã xác định nguồn nhân lực “du lịch - dịch vụ, nhà hàng khách sạn” và “công nhân kỹ thuật ngành tôm” phải được tổ chức đào tạo, đào tạo lại theo đúng tiêu chuẩn, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực có tính chuyên nghiệp cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Năm 2019, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với các đoàn thể tổ chức trên 40 cuộc tư vấn trực tiếp và thông qua sàn giao dịch việc làm về chính sách học nghề, việc làm, thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, với trên 8.000 lượt lao động tham gia.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo, giao Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các tổ chức đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tổ chức điều tra, khảo sát và xây dựng kế hoạch nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) làm cơ sở, căn cứ để triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong đó, đặc biệt lưu ý kế hoạch đào tạo nghề cần ưu tiên cho đối tượng gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và số lao động thật sự có nhu cầu học nghề.

Liên kết đào tạo nghề chế biến thủy sản tại Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu. Ảnh: K.T

Tạo nghề theo nhu cầu thị trường

Năm 2020, theo kế hoạch, Bạc Liêu sẽ tổ chức đào tạo nghề cho 12.000 LĐNT. Để hoàn thành mục tiêu này, Sở LĐ-TB&XH sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả về công tác tuyên truyền để người dân cập nhật, thông hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đặc biệt là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn…

Ngoài việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Sở LĐ-TB&XH còn tập trung nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả cao; đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong đó, ưu tiên đào tạo nghề cho LĐNT thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người lao động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lao động nữ…

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp của ngành Lao động là hướng tới đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm cho LĐNT sau khi học nghề; phấn đấu đạt tỷ lệ lao động sau khi học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ từ 75 - 80%. Song song đó, hỗ trợ LĐNT được tiếp cận và vay vốn ưu đãi nhằm mở rộng sản xuất - kinh doanh, thu hút lao động tại chỗ để giải quyết việc làm.

Cùng với các giải pháp trên, Sở LĐ-TB&XH sẽ đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho LĐNT; huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, nông dân sản xuất giỏi có đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề và tạo việc làm cho LĐNT. Riêng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng phải thường xuyên nghiên cứu, thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp với trình độ học vấn của LĐNT, phù hợp với từng nghề học; điều chỉnh chương trình, giáo trình giảng dạy theo hướng giảm thời lượng về lý thuyết, tăng thời lượng thực hành phù hợp với thời gian khóa học.

Ngoài ra, để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao như mong muốn, rất cần sự phát huy trách nhiệm của thành viên Ban chỉ đạo, các ban, ngành, đoàn thể, Hội khuyến học và UBND huyện, thị xã, thành phố, các xã, thị trấn trong việc triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Cần làm tốt công tác định hướng ngành, nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu học nghề, thị trường tiêu thụ sản phẩm, với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cho LĐNT trước khi chiêu sinh mở lớp. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin thị trường lao động, nâng thời lượng thông tin cho người lao động nắm, để họ tìm kiếm việc làm phù hợp thì cũng cần làm tốt việc kết nối doanh nghiệp để giúp người lao động tiếp cận thị trường lao động có thu nhập cao; cũng như tạo điều kiện cho LĐNT sau khi học nghề được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng, phát triển sản xuất. Với vai trò đầu tàu, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, giám sát, kiểm tra công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT đối với các huyện, thị xã, thành phố; cơ sở tham gia dạy nghề…

Nguyễn Vũ (Sở LĐ-TB&XH)

Năm 2019, toàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho 38.538/38.000 lao động, đạt 101,4% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, liên kết, hợp tác đào tạo trong và ngoài tỉnh là 12.500 lao động. Qua đó, đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,17%, trong đó có 22,3% qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Thông qua các lớp học nghề, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 82,1%. Đặc biệt, số lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, sau học nghề có việc làm, tăng thu nhập và đã thoát nghèo hơn 440 người…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.