Điều đọng lại từ những chuyến đi tác nghiệp

Thứ Tư, 20/06/2018 | 17:26

Không bị bó hẹp ở môi trường làm việc cố định, luôn được “tung tăng” khắp các ngõ ngách từ thành thị đến nông thôn, mỗi ngày trôi qua nghề báo luôn là một trải nghiệm, mang đến nhiều cung bậc cảm xúc. Những chuyến đi mới, những đề tài mới, được gặp gỡ những con người mới giúp tôi ngày càng trưởng thành và yêu thêm nghề báo.

Phóng viên Chí Linh (bìa phải) phỏng vấn nhân vật. Ảnh: C.L

Ai đó đã từng nói: “Chọn nghề báo là chọn cho mình một công việc gắn liền với những chuyến đi”. Đi khắp nơi để kịp thời nắm thông tin và lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó giúp họ nói lên những niềm vui, những khó khăn trong cuộc sống… Gắn bó với nghề báo hơn 6 năm, trải qua không ít vất vả, khó khăn, nhưng tôi vẫn luôn yêu cái nghề “ăn cơm bụi, ngủ quán võng” này, bởi nó mang đến cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Còn nhớ lần nọ, sắp đến Tết Chôl-chnăm-thmây của đồng bào Khmer, tôi về ấp Tà Ben (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) để viết bài về không khí chuẩn bị đón tết. Anh cán bộ Phòng Dân tộc huyện dẫn tôi đến nhà một chú người dân tộc Khmer để phỏng vấn. Sau khi xong việc, trong lúc ngồi uống nước trà để chuẩn bị đến nhà của 2 hộ dân nữa, thì bất chợt chú chủ nhà nhìn tôi và nói một tràng dài bằng tiếng Khmer. Tôi vẫn “vô tư” ngồi uống trà vì chẳng hiểu “mô tê” gì. Lát sau, ra đến đường chính, anh cán bộ Phòng Dân tộc huyện mới quay sang nói với tôi: “Khi nãy chú chủ nhà rủ “nhà báo” tết về nhà chú chơi. Nhìn ngoại hình của anh, chú tưởng anh là người Khmer nên nói tiếng dân tộc với anh đó”.

Một lần khác, tôi về ấp Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) - nơi có ngôi chùa Đìa Muồng - để ghi nhận tình hình chuẩn bị cho lễ hội đua ghe Ngo thì được một chú cao niên trong ấp “rủ” tới hôm đua ghe Ngo về đây cổ vũ với đồng bào cho vui. Tôi lại phải nhờ “thông dịch viên bất đắc dĩ” là anh cán bộ dẫn đường giải thích với chú ấy “tôi có nét giống, nhưng không phải là người dân tộc Khmer”.

Đó thật sự là những kỷ niệm vui trong nghề báo của tôi. Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào cũng là niềm vui, kỷ niệm đẹp. Tôi còn nhớ, lần nọ đi thực hiện đề tài về lúa bị sâu bệnh, mất mùa ở xã Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi). Cầm trên tay những bông lúa khô, chỉ còn trơ lại những vỏ trấu, bác nông dân rơm rớm nước mắt: “Làm nông dân khổ lắm, vất vả mấy tháng ròng làm đất, be bờ, bón phân… chỉ mong sau cuối vụ được mùa, được giá. Bị sâu bệnh vầy thì coi như trắng tay”. Trên đường về, vẻ mặt buồn bã, đôi mắt rơm rớm nước mắt của bác nông dân ấy cứ làm tôi nhớ mãi.

Và còn nhiều chuyến đi, nhiều con người mà tôi gặp đã mang đến cho tôi những bài học quý về cuộc sống. Qua những chuyến đi ấy, tôi cũng “ngộ” ra rằng: Vì cuộc đời là những chuyến đi, hãy đi khi thời gian, sức trẻ chưa cản bước. Đi để mở rộng tầm mắt, tích lũy những vốn sống ở những nơi ta sắp đến và chưa đến. Đặc biệt đối với nghề báo, cần phải đi để những chuyến đi lấp đầy lỗ hổng kiến thức, để biết sống khiêm nhường và khao khát học hỏi, để phản ánh một cách chân thực và sinh động về cuộc sống muôn màu này.

Khôi Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.