Gánh nặng đông con

Thứ Sáu, 10/08/2018 | 15:23

Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ chuyện sinh đông con chỉ còn tồn tại ở những huyện vùng sâu - nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thế nhưng, thực tế không hẳn như vậy, ngay tại TP. Bạc Liêu vẫn có một số gia đình sinh từ 4 - 5 con. Đây thật sự là gánh nặng với những gia đình nghèo khó và kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Đại diện chùa Huệ Quang (phường 3, TP. Bạc Liêu) hỗ trợ tiền cho chị Trần Thị Yến Nhi.

Đa số hộ nghèo ven biển thường có đến 4 - 5 con. Ảnh: M.L

Tuy mới 29 tuổi nhưng chị Trần Hồng Nhanh (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) đã có 3 người con và đang mang thai đứa thứ 4. Chồng chị làm ngư phủ, vài tháng mới đem về được vài triệu đồng, không đủ trang trải cuộc sống. Đứa con gái lớn 10 tuổi học lớp 4, nhưng vắng học thường xuyên vì phải trông em cho mẹ làm thuê. Chị Nhanh ngậm ngùi chia sẻ: “Em biết sinh con nhiều thì khổ vì không đủ khả năng lo cho con, thiếu thốn đủ thứ. Nhiều lần em cũng dự tính ngừng sinh nhưng chồng em bảo phải cố gắng kiếm thêm đứa con trai rồi mới nghỉ”.

Chính tâm lý có con càng đông càng vui hay có con trai nối dõi đã khiến nhiều chị em đẻ như “cái máy”. Do không đủ điều kiện nuôi nên các cháu phải sống khổ sở, thiếu thốn, nhiều cháu không được đi học hoặc phải bỏ học rất sớm để phụ giúp cha mẹ.

Chị Trần Thị Yến Nhi (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) 40 tuổi, nhưng đã có đến 5 người con, đứa bé nhất còn đang ẵm. Cả gia đình 7 người chỉ trông chờ vào tiền làm thuê của chồng chị nên cuộc sống vô cùng thiếu thốn. Nơi trú nắng che mưa cho cả nhà chỉ là căn chòi dựng tạm trên đất của Nhà nước. Các con của chị không được đi học vì cha mẹ quá nghèo. Chị Nhi ngậm ngùi chia sẻ: “Đứa bé nhất vừa bị sốt nhưng tôi không còn đồng nào. Thấy con vật vã nên tôi bồng con đến trạm y tế phường để khám. Các anh chị ở đây thấy hoàn cảnh của tôi nên khám và điều trị cho bé miễn phí”.

Khu dân cư Hữu Nghị (xã Vĩnh Trạch Đông. TP. Bạc Liêu) có hơn 100 hộ, trong đó hơn một nửa là chủ hộ còn trẻ tuổi nhưng rất đông con, từ 5 - 7 đứa. Cuộc sống của những gia đình này chủ yếu sống bằng nghề mò cua bắt ốc, một số thì làm thuê. Bữa cơm của những đứa trẻ nơi đây chủ yếu là cá vụn kho, có khi nước tương hoặc đường. Những đứa trẻ ở đây hầu như được miễn phí tiền học nhưng phần lớn khi vừa biết mặt chữ là nghỉ học để trông em, hoặc đi mò cua bắt ốc phụ cha mẹ.

Với những hộ đông con nghèo khó, chính quyền địa phương đã vận động, hỗ trợ, đỡ đầu giúp họ có sinh kế làm ăn, cất nhà tình thương, miễn giảm học phí, tặng tập vở, quần áo, trợ cấp gạo… Song, chính sự quan tâm ấy đã làm không ít người sinh ra tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Chỉ có một số ít hộ vượt qua khó khăn, còn lại nhiều hộ nghèo càng thêm nghèo bởi họ không có thời gian làm kinh tế, cũng không có điều kiện chăm sóc tốt con cái, để rồi cái vòng luẩn quẩn nghèo đói, thất học cứ vây bám đời họ và con cái. Đôi vai nhỏ bé của các em cũng phải gánh một phần nỗi lo cơm áo. Còn nhu cầu vui chơi, giải trí, học tập, khám bệnh… của các em là điều khó chạm đến.

Rõ ràng, việc sinh đông con dù ở thành thị hay nông thôn đều ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống gia đình. Để giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình. Từ đó từng bước nâng cao nhận thức cho chị em để hạn chế tư tưởng “Trời sinh voi sinh cỏ” nhằm bảo vệ sức khỏe, tiến tới giúp chị em xây dựng cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.