Giới trẻ trong “làn sóng” nghiện ngập

Thứ Sáu, 17/05/2019 | 16:56

So với các tỉnh, thành cả nước, Bạc Liêu chỉ là tỉnh lẻ gần cuối trời Nam Tổ quốc. Tưởng chừng xa xôi, hẻo lánh, nhưng khi TP. Hồ Chí Minh được ví như địa bàn trung chuyển ma túy của bọn tội phạm xuyên quốc gia thì số lượng ma túy tràn về Bạc Liêu cũng không ít, và người nghiện ma túy trên địa bàn cũng tăng lên đến chóng mặt. Không phân biệt giàu nghèo, dân tộc, giới tính hay địa bàn, một bộ phận giới trẻ Bạc Liêu đã lao vào con đường hiểm họa, làm ảnh hưởng đến gia đình và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.    

>>Bài 2:  “Báo động đỏ”

Bài 3:  Cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng: Bộn bề khó khăn

Luật Phòng, chống ma túy quy định, có 3 hình thức cai nghiện ma túy: cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy tập trung, cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua không thực hiện được.   

Lực lượng chức năng trấn áp một thanh niên "ngáo đá" ở huyện Vĩnh Lợi đang có lệnh truy nã.

THIẾU CƠ SỞ VẬT CHẤT, ĐỘI NGŨ CÁN BỘ

Theo báo cáo của ngành chức năng, trong tổng số 1.117 người nghiện ma túy mà tỉnh đang có hồ sơ quản lý thì có 948 người nghiện ma túy tổng hợp (ma túy đá), 140 người nghiện hê-rô-in và 29 người nghiện cần sa. Kinh nghiệm ở đia bàn đứng đầu trong tỉnh về số người nghiện, Đại tá Phạm Quang Chung, Trưởng Công an TP. Bạc Liêu, khẳng định một khi đã nghiện ma túy thì chỉ có cách duy nhất là buộc người đó phải cai nghiện mới xóa được tâm lý lo sợ, bất an cho gia đình và cộng đồng.

Trong khi Cơ sở Cai nghiện ma túy của tỉnh còn hạn chế về cơ sở vật chất, số lượng tiếp nhận học viên có hạn thì giải pháp cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho hàng trăm con nghiện đang tung tăng ngoài xã hội thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, cách làm đó trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua hoàn toàn không mang lại kết quả.      

Nghị định 94 của Chính phủ năm 2010 quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, nêu rõ: “Cơ sở y tế cấp xã, bác sĩ điều trị cắt cơn (đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình) có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe ban đầu, làm hồ sơ bệnh án cho người cai nghiện ma túy; xét nghiệm phát hiện chất ma túy và các xét nghiệm khác để chuẩn bị điều trị cắt cơn. UBND cấp xã phải thành lập cơ sở điều trị cắt cơn riêng biệt (phòng cắt cơn)…”. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có đơn vị cấp xã nào thành lập được phòng cắt cơn riêng biệt và người quản lý việc này cũng chưa có. Theo bác sĩ Trần Hoài Đảo, Phó Giám đốc Sở Y tế, từ những năm 1998 - 1999, ngành Y tế tỉnh đã từng tham gia công tác cai nghiện tại cộng đồng, tham gia vào công tác cắt cơn, nhưng sau đó cơ chế không phù hợp nên ngừng thực hiện cho tới bây giờ. Bác sĩ Đảo cho rằng, cán bộ y tế cơ sở chỉ làm xét nghiệm để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với những người do công an chuyển tới. Còn việc cắt cơn, giải độc và điều trị cho người nghiện tại cơ sở thì lâu nay Sở Y tế không được chỉ đạo làm việc này.

Theo Sở LĐ-TB&XH, từ ngày 2/5/2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 736 ban hành Quy chế phối hợp cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, do tỉnh chưa đủ điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực (kinh phí, đội ngũ cán bộ) nên trong thời gian qua chưa thể thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

Thực tế hiện nay, người nghiện ma túy đang ở ngoài xã hội chỉ được “ưu tiên” đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi đủ từ 18 tuổi trở lên, có hành vi quậy phá, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng… nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn ngoài những trường hợp này, xã hội gần như chưa có biện pháp can thiệp nào khác đối với con nghiện ở tuổi vị thành niên nếu không có sự quản lý, giáo dục nghiêm túc từ phía gia đình.

Đứng trước những khó khăn đó, nhờ thực hiện thí điểm điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình nên toàn tỉnh đang cai nghiện được… 5 người. Cả 5 người này đều được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để cắt cơn từ 5 - 7 ngày, sau đó trở về gia đình điều trị bằng thuốc. Bước đầu đánh giá, loại thuốc này không gây ra vật vã cho người được điều trị.    

Hội thi phòng, chống ma túy xâm nhập học đường của Trường THPT Phan Ngọc Hiển (TP. Bạc Liêu) vào cuối năm 2018. Ảnh: T.Đ    

NHIỀU KỲ VỌNG TỪ MỘT ĐỀ ÁN

Trước tình hình nóng bỏng về sự gia tăng không ngừng số người nghiện ma túy, ngày 22/3/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam đã ký Công văn chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH xây dựng đề án tiếp tục thực hiện việc điều trị ma túy bằng thuốc Cedemex cho học viên cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh và tại gia đình, cộng đồng.

Mục tiêu của đề án là nâng cao hiệu quả công tác điều trị nghiện ma túy tại Cơ sở Cai nghiện và tại gia đình, cộng đồng bằng thuốc Cedemex cho người nghiện ma túy nhóm Opiats (thuốc phiện, cần sa, hê-rô-in và nhóm ma túy tổng hợp nhưng gây ảo giác chưa nhiều), tỷ lệ không tái nghiện đạt từ 30% trở lên.

Đề án xác định, giai đoạn từ năm 2020 - 2025 sẽ có 700 người nghiện ma túy trong tỉnh được tham gia điều trị bằng thuốc Cedemex với điều kiện người nghiện phải có đủ sức khỏe, đáp ứng các điều kiện dùng thuốc theo chỉ định của nhà sản xuất và của y, bác sĩ trực tiếp điều trị. Người cai nghiện ma túy tự nguyện phải có đơn xin cai nghiện bằng thuốc Cedemex và cam kết tuân thủ các quy định, quy trình điều trị. Riêng gia đình người nghiện ma túy cũng phải có cam kết hợp tác với cơ quan chức năng trong việc quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy trong suốt quá trình tham gia điều trị (6 tháng theo phát đồ).  

Đánh giá của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, có 3 cái được lớn nhất từ đề án này. Thứ nhất là có sự phối hợp quản lý chặt chẽ, có trách nhiệm giữa gia đình, bản thân người nghiện và bộ máy chính quyền địa phương (công an, các tổ chức đoàn thể, y tế, LĐ-TB&XH, văn hóa - thông tin…). Chính điều đó sẽ làm chuyển biến được trách nhiệm, nâng cao ý thức, nhận thức của cộng đồng, chính quyền, gia đình và xã hội, mà quan trọng hơn là chính bản thân người nghiện ma túy. Cái được thứ hai là nếu như cai nghiện bắt buộc, bản thân người cai nghiện phải cách ly khỏi cuộc sống cộng đồng, ngăn cách tình cảm với gia đình, vợ con từ 18 - 24 tháng. Không dừng ở đó, họ còn không có cơ hội tạo ra được của cải, vật chất để giúp ích cho gia đình.

Và vấn đề quan trọng khác, nếu tính giá bình quân cho một ngày công lao động trên thị trường hiện nay khoảng 150.000 đồng/người/ngày, thì mỗi người phải mất đi nguồn thu nhập khoảng 70 triệu đồng sau 24 tháng đi cai nghiện bắt buộc. Nếu như cai nghiện tại gia đình thì chỉ cần bỏ ra 13,2 triệu đồng để mua thuốc Cedemex điều trị tại nhà (sau 5-7 ngày đi cắt cơn tại Cơ sở Cai nghiện), trong khi cuộc sống gia đình và lao động sản xuất vẫn diễn ra bình thường. Chính vì vậy, sự ra đời của đề án không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội mà còn mang tính nhân văn sâu sắc.

Theo tính toán của Sở LĐ-TB&XH, cứ một đối tượng đưa đi cai nghiện tập trung trong 24 tháng phải tiêu tốn kinh phí nhà nước trên 40 triệu đồng. Và với số lượng học viên như hiện nay, cứ một năm, tỉnh phải bỏ ra gần 10 tỷ đồng cho công tác cai nghiện bắt buộc, đó là chưa kể việc đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, trang thiết bị…

HỮU DUYÊN

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.