Hãy tích cực tham gia BHXH tự nguyện

Thứ Hai, 20/11/2017 | 16:25

Đối với người lao động (NLĐ), việc được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ khi không còn sức lao động, nhất là đối với những người không có hợp đồng lao động, không có việc làm ổn định thật sự trở thành nhu cầu không thể thiếu. Vì vậy, việc thực hiện bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được coi là giải pháp để thực hiện tốt chính sách này. Tuy nhiên, qua gần 9 năm đưa vào thực hiện, số người tham gia BHXH tự nguyện thấp và chưa đạt kế hoạch đề ra.

Đối với những người không có hợp đồng lao động, việc tham gia BHXH tự nguyện sẽ giúp họ ổn định cuộc sống khi về già. Trong ảnh: Lao động phổ thông làm nghề phụ hồ. Ảnh: L.D

Tham gia BHXH tự nguyện giúp NLĐ được chăm sóc sức khỏe khi về già. Trong ảnh: Cấp thuốc cho bệnh nhân có thẻ BHYT ở Bệnh viện Đa khoa Thanh  Vũ. Ảnh: L.D

CẦN ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN

BHXH tự nguyện là một trong các chính sách của Đảng và Nhà nước bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2008, với mục tiêu giúp người dân có thể tích lũy, lĩnh lương hưu khi về già và góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Thế nhưng, tính đến  tháng 10/2017, toàn tỉnh chỉ có 370 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 42,14% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Điều đáng quan tâm, phần lớn số lao người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là NLĐ đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Riêng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển mới còn rất hạn chế và phát triển chậm. Nguyên nhân của thực trạng này là do phần lớn người dân chưa nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHXH tự nguyện, chưa có ý thức tự tích lũy để phòng tránh những rủi ro khi bị mất hoặc hết tuổi lao động. Bên cạnh đó, do mức thu nhập thấp nhưng phải trang trải cho cuộc sống, công tác vận động tuyên truyền còn chưa đi vào chiều sâu nên nhiều người chưa tích cực tham gia…

Ông Trung Kiên (ngụ phường 2, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Lâu nay tôi nghĩ chỉ có người làm công ăn lương mới đóng BHXH và được hưởng lương hưu, nếu NLĐ có thể tự nguyện tham gia đóng BHXH thì tôi sẽ tham gia, vì tôi sống độc thân cần các khoản hỗ trợ lúc về già khi không thể lao động kiếm sống”. Qua đó cho thấy, việc đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện đến từng hộ dân bằng nhiều hình thức để NLĐ nắm bắt và tích cực tham gia là việc làm cần thiết hiện nay. Bởi thực hiện tốt chính sách này, cũng chính là góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh, làm giảm các áp lực từ ngân sách Nhà nước khi phải đầu tư cho những chính sách hỗ trợ NLĐ khi về già và đảm bảo thực hiện công bằng xã hội.

NHIỀU LỢI ÍCH

Theo Luật BHXH năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, nếu không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu bằng 22% mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (tương đương 154.000 đồng/tháng), tối đa không vượt quá 22% của 20 lần mức lương cơ sở. Đặc biệt, người tham gia BHXH tự nguyện cũng có nhiều lựa chọn về phương thức đóng, có thể đóng hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, hoặc một lần cho nhiều năm về sau (tối đa 5 năm), một lần cho những năm còn thiếu (tối đa 10 năm). Người dân tham gia BHXH tự nguyện có nhiều lợi ích, đó là khi đủ điều kiện về tuổi đời đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu theo quy định; được cơ quan BHXH cấp thẻ bảo hiểm y tế khi nghỉ hưu và được hưởng chế độ tử tuất…

Có một tin vui cho NLĐ là từ ngày 1/1/2018, Nhà nước hỗ trợ cụ thể bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Với quy định về chính sách hỗ trợ trên, thật sự chia sẻ gánh nặng tài chính với những lao động có thu nhập thấp và giúp cho họ có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện.

THU TRUNG

Những quy định mới về việc đóng BHXH có hiệu lực từ ngày 1/1/2018

* Những quy định về việc tiền lương đóng BHXH

2.1. Đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:

Từ ngày 1/1/2018, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vẫn là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm (hệ số) và các khoản phụ cấp chức vụ (hệ số), phụ cấp thâm niên vượt khung (%), phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) (%) trên cơ sở mức lương cơ sở do Nhà nước quy định từng thời kỳ.

2.2. Đối tượng đóng BHXH bắt buộc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Trong đó:

- Mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng.

- Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương như: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

- Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động. Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

- Việc đóng BHXH trên tiền lương thực tế là để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu… mức hưởng sẽ cao hơn.

- Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng; cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.

- Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

TÚ ANH (tổng hợp)

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.