Hiệu quả từ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào Khmer

Thứ Hai, 24/02/2020 | 17:22

Cùng với các chính sách đặc thù dành riêng cho đồng bào Khmer (như hỗ trợ nhà ở, đất ở, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí…), công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào Khmer luôn được các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ đó, giúp bà con nâng cao tay nghề, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống.

Nhiều phụ nữ Khmer ở huyện Hồng Dân có thu nhập ổn định từ nghề đan nhựa.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển toàn diện cho đồng bào Khmer, trong đó có nhiều chính sách về giáo dục và đào tạo nghề, giúp đồng bào Khmer từng bước nâng cao trình độ, nghề nghiệp, tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Điển hình là Nghị định số 49 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020...

Nhờ sự quan tâm từ những chính sách cụ thể đó, công tác giáo dục và đào tạo nghề cho đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có những tiến bộ rõ rệt. Các địa phương hằng năm đều tổ chức các lớp dạy nghề, đào tạo nghề ngắn và dài hạn ở các xóm, ấp nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Nghề được đào tạo chủ yếu là may dân dụng, điện dân dụng, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi cua biển, sản xuất giống thủy sản, chăn nuôi thú y, thêu tay, sửa xe gắn máy... Nhiều địa phương còn triển khai mô hình dạy nghề gắn với thị trường lao động và tiêu thụ sản phẩm.

Bà con Khmer xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) học lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi gà. Ảnh: C.L

Điển hình như mô hình dạy nghề đan đát vật liệu nhựa cho phụ nữ vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống ở huyện Hồng Dân. Đây là một trong những mô hình dạy nghề, truyền nghề khá hiệu quả và được nhiều phụ nữ đăng ký theo học. Bởi, khi lành nghề, chị em có thể nhận sợi nhựa về nhà đan gia công với giá trung bình từ 8.000 - 20.000 đồng/sản phẩm. Chị Thị Tăng (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Sau khi học lớp dạy nghề đan đát, tôi nhận sản phẩm về nhà đan gia công nên thu nhập ổn định hơn trước, các con tôi có điều kiện học hành tử tế. Tôi cũng có thời gian để chăm sóc gia đình chứ không phải bỏ con đi làm ăn xa như trước”.

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện song song giải pháp đào tạo nghề và hỗ trợ vốn, cách sử dụng đồng vốn vay phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi gia đình. Anh Thạch Thên (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) bày tỏ: “Từ khi tôi học lớp tập huấn trồng màu, chăn nuôi, rồi được hỗ trợ vốn để đầu tư sản xuất nên cuộc sống gia đình đã khá hơn”.

Theo Sở LĐ-TB&XH, năm 2019, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức đào tạo nghề thông qua các hình thức cho hơn 38.000 lao động. Trong đó, đào tạo từ trình độ cao đẳng đến sơ cấp là 3.769 người, dạy nghề dưới 3 tháng và các hình thức khác hơn 34.000 người, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt gần 90%. Qua đó cho thấy, việc chăm lo giáo dục và đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc Khmer thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.