Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Tư, 17/04/2019 | 16:47

Báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc tại Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 đã chỉ ra rằng, các vùng đồng bào dân tộc sinh sống là khu vực có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản kém nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Và Bạc Liêu cũng không ngoại lệ. Để chủ trương giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thật sự đạt hiệu quả như mong đợi, rất cần sự quan tâm chung tay của toàn xã hội. Đặc biệt là việc ban hành và đưa vào cuộc sống các chương trình, dự án, chính sách cho vùng đồng bào DTTS.

Bài 1: Vận dụng chính sách giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số - Hiệu quả đến đâu?

Để có những cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nhất là công tác giảm nghèo cho đồng bào DTTS, thời gian qua, Bạc Liêu đã tập trung nguồn lực, rà soát các mục tiêu và tiêu chí, quan tâm đến mọi mặt đời sống của người nghèo trong tỉnh nói chung, người nghèo vùng đồng bào DTTS nói riêng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần được đào sâu nghiên cứu, mạnh dạn chỉ rõ để hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, bắt đầu từ những chính sách thiết thực, đi vào đời sống của đồng bào.

Ban Dân tộc tỉnh bàn giao nhà tình thương cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Hồng Dân.

Hạn chế ở tầm vĩ mô…

Trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, bà Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, đã đề cập đến việc có không ít chính sách dành cho đồng bào dân tộc thực hiện hiệu quả chưa cao, chưa tách bạch và nêu rõ kết quả thực hiện chính sách đối với đồng bào ở một số lĩnh vực quan trọng như vấn đề giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sạch sinh hoạt, giao đất, giao rừng còn chậm…, đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Bà Trần Thị Hoa Ry cũng chỉ ra, ở tầm vĩ mô, không ít chính sách pháp luật hỗ trợ đồng bào đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa cân đối nguồn vốn để triển khai thực hiện.

Điển hình như Quyết định 2085, theo tổng hợp của các địa phương thì còn hàng trăm ngàn hộ cần hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sạch sinh hoạt và vay vốn tín dụng. Việc cân đối, bố trí nguồn lực cho vùng dân tộc miền núi chưa đáp ứng yêu cầu, còn thấp so với kế hoạch và nhu cầu vốn. Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS còn cao. Mặc dù, tổng số đồng bào DTTS chỉ chiếm 14,6% dân số cả nước, nhưng tổng số hộ nghèo chiếm đến 52,7%, nhiều nơi giảm nghèo theo phong trào, chạy theo thành tích, nên thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo rất phổ biến. Riêng tại Bạc Liêu, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh còn 8.818 hộ nghèo, trong đó có 1.616 hộ DTTS, chiếm 18,33% so với hộ nghèo toàn tỉnh. Trong số này, hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ cao hơn so với đồng bào dân tộc Hoa, chiếm đến hơn 10% so với tổng số hộ Khmer trong toàn tỉnh.

Nguyên nhân nghèo của đồng bào DTTS là do thiếu đất sản xuất, đông con dẫn đến chất lượng nhà ở chưa đạt theo yêu cầu; một bộ phận hộ nghèo thuộc diện DTTS trình độ còn thấp. Trong khi đó, định mức đầu tư còn thấp, cụ thể như xã thuộc diện Chương trình 135 được hỗ trợ 1 tỷ đồng/năm, ấp đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 200 triệu đồng/năm. Do chưa có ngân sách riêng để thực hiện chính sách dân tộc nên mặc dù đề án, chính sách nhiều nhưng lại thiếu nguồn lực thực hiện, chưa đạt mục tiêu đề ra. Một nguyên nhân nữa là do nhận thức của người dân về chính sách giảm nghèo bền vững chưa đầy đủ, bản thân người nghèo chưa nỗ lực vươn lên tự thoát nghèo, hạn chế về trình độ, còn mang tâm lý tự ti, mặc cảm. Mặt khác, do nhiều chính sách hỗ trợ nên hộ nghèo khó tránh khỏi tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước…

Báo Bạc Liêu tặng quà hộ nghèo do đơn vị nhận đỡ đầu. Ảnh: K.K - N.Q

Nhiều chính sách chưa gần với đời sống

Nhận xét khách quan, hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực dân tộc hiện nay được ban hành khá đầy đủ, toàn diện và bao quát hầu hết các lĩnh vực của vùng đồng bào DTTS. Cơ chế xây dựng pháp luật, chính sách từng bước được thay đổi, cách thức tiếp cận theo hướng chuyển dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, hỗ trợ người dân tự vươn lên thoát nghèo. Các chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia với cơ chế quản lý thống nhất, tập trung nguồn lực, thể hiện tính công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện chính sách. Và cần phải nhận định một điều chắc chắn, từ các chính sách đó đã tạo điều kiện thuận lợi để phát huy nội lực của các DTTS, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Cơ sở hạ tầng ở vùng có đông đồng bào DTTS được đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng tốt hơn.

Đi vào cụ thể, lĩnh vực dân tộc có tính đặc thù là liên ngành, đa lĩnh vực chi phối nội dung của chính sách dân tộc, các chính sách dân tộc khi giải quyết vấn đề của đồng bào dân tộc liên quan quá nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, văn hóa, con người nên còn dàn trải. các dân tộc lại sống đan xen nên tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các chính sách, nhất là các chính sách riêng cho đồng bào DTTS. Ở Trung ương thì rất nhiều văn bản điều chỉnh liên quan đến vùng DTTS nhưng không có một văn bản nào quy định một cách toàn diện, đầy đủ, đồng bộ các chính sách dân tộc. Hầu hết các chính sách dân tộc nằm rải rác ở các văn bản khác nhau thuộc nhiều bộ, ngành quản lý, dẫn đến sự chồng chéo…

Hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực dân tộc đặt ra các mục tiêu lớn nhưng kinh phí bố trí thực hiện các chương trình, đề án, dự án, chính sách còn hạn chế, suất đầu tư thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu và kế hoạch đề ra. Điển hình như chương trình hỗ trợ đất sản xuất là 15 triệu đồng/hộ, chuyển đổi ngành nghề: hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt: 1,5 triệu đồng/hộ. Do đó, dù có quyết tâm giảm nghèo nhưng nếu chỉ dựa vào những chính sách với các suất đầu tư quá thấp, chỉ mang tính hỗ trợ thì hộ nghèo DTTS thật sự gặp rất nhiều khó khăn trong hành trình giảm nghèo.

Hầu hết địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống thường có tỷ lệ hộ nghèo khá cao, bên cạnh đó, do không có khả năng bố trí nguồn vốn để thực hiện các chính sách dân tộc, chủ yếu dựa vào nguồn vốn của Trung ương nên việc lồng ghép nguồn lực của các chương trình, đề án, chính sách còn khó khăn, hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng ở cơ sở chưa đồng bộ và nhanh xuống cấp, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi (do đặc điểm tự nhiên địa chất yếu), nước sinh hoạt, hệ thống các thiết chế văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vấn đề bệnh tật, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, thu nhập thấp… vẫn đang là những thách thức lớn của các địa phương có đông đồng bào DTTS.

Kim Phượng

Nếu nói về yếu tố dân tộc trong cơ cấu dân số của tỉnh, Bạc Liêu chỉ có 3 dân tộc cùng sinh sống chủ yếu. Trong đó, ngoài dân tộc Kinh (chiếm 89,9%), dân tộc Khmer chiếm 7,66% và dân tộc Hoa chiếm 2,34%. Đồng bào DTTS sinh sống đan xen ở các huyện ven biển và tập trung ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn, các vùng bãi ngang ven biển.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.